Đại gia đình con cháu thảo hiền người dân tộc Tày

Thứ hai, ngày 09/06/2014

 Đại gia đình thành đạt có 5 anh chị em, ông Thảo là anh cả trong gia đình. Hiện nay, chị Đàm Thị Thanh (SN 1969) đang sống tại Bù Đăng (Bình Phước), kinh tế gia đình ổn định với 6 ha điều đã cho thu hoạch và 2 ha cao su đang trồng. 4 người đang sinh sống tại xã Tân Hiệp (Phú Giáo) là: Đàm Văn Thảo, Đàm Thị Cánh (SN 1971), Đàm Văn Cao (SN 1974), Đàm Văn Cường (SN 1976) ai cũng có nhà cửa khang trang. Ông Thảo, cho biết: Cuộc

 sống ở Cao Bằng nghèo lắm, muốn thoát nghèo, tôi đã xin gia đình đi lập nghiệp. Năm 1984, tôi khăn gói rời quê lên Bình Dương kiếm sống. Nhận thấy cuộc sống nơi đây dễ chịu, tôi gọi các em vào cùng làm. Ở đây, có anh có em giúp đỡ lẫn nhau nên vơi đi nỗi nhớ nhà”.

Những ngày đầu đến Bình Dương, “lạ nước lạ cái”, anh em ông cùng nhau khai hoang làm kinh tế. Trên mảnh đất chưa đến 2 ha, 5 anh chị em cùng nhau trồng hoa màu, lúa rẫy. Được sự hỗ trợ cây giống của UBND huyện Phú Giáo, đại gia đình ông trồng gần 5 ha điều. Điều cho thu hoạch, giá thành cao, anh em ông góp vốn mua thêm đất và chuyển đổi sang trồng cao su. Từ diện tích 2 ha đất ban đầu, giờđây ai cũng có trong tay 4 - 5 ha cao su. Sau khi tách ra làm kinh tế riêng, ai cũng có cuộc sống ổn định với điều kiện kinh tế thuộc loại khá giả của xã.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, đại gia đình ông Thảo còn chú trọng đến việc giáo dục con cháu học tập, nâng cao trình độ. 10 người con trong đại gia đình giờcó người học xong đại học, cao đẳng trở về Phú Giáo làm kinh tế; người đang học cấp II, III, đại học, cao đẳng với thành tích học tập khá, giỏi. Ông Thảo cho biết thêm: “Mình nghèo không có tiền đi học nên không biết nhiều cái chữ. Giờcó điều kiện phải cho con đi học để mai đây trở thành người tốt, người có học”. Đối với Đàm Thế Tùng (con trai ông Thảo), lúc nhỏ đi học em thường bị các bạn trêu chọc. Vượt qua tất cả, em cố gắng thể hiện cho các bạn thấy người dân tộc cũng học giỏi, cũng thành đạt. Từ quyết tâm đó, Tùng thi đậu Đại học Sư phạm TP.HCM với số điểm cao. Mỗi năm em đều nhận học bổng sinh viên xuất sắc. Tùng, nói: “Ngày xưa khổ chúng em vẫn đi học được, giờsướng rồi chỉ còn ăn và học nếu không học được thì có lỗi với ba mẹ. Do đó, em sẽ cố gắng học thật giỏi. Sau khi ra trường em sẽ xin về Phú Giáo dạy. Ở đấy, em có thể truyền trao kiến thức, ước mơ, hoài bão cho những em là con em người dân tộc, cũng như các em có ước mơ “chinh phục” tri thức”.

Với nhiều nỗ lực trong kinh tế, giáo dục con cháu nên người, sống đoàn kết, hòa nhã với mọi người xung quanh, đại gia đình ông Thảo nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

 TỐ TÂM