Đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Bình Dương: “Không ai có thể hình dung PCI của Bình Dương lại xuống thấp như vậy!”

Thứ hai, ngày 25/03/2013

Theo nhóm nghiên cứu, kết quả điều tra này có sự tham gia của 8.053 doanh nghiệp (DN) tư nhân từ tất cả 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Báo cáo của nhóm nghiên cứu không cho biết trong số 8.053 DN nói trên có bao nhiêu DN Bình Dương tham gia, nhưng nếu chia đều số này cho 63 tỉnh thành thì Bình Dương có 128 DN tham gia, đại diện cho khoảng 1% số DN trong tỉnh. Tỷ lệ này, nếu đúng, khó mang tính thuyết phục, dù chúng tôi hy vọng là nhóm nghiên cứu đã có các tính toán, phân bổ hợp lý để các DN tham gia điều tra đại diện được cho mọi loại hình, quy mô, ngành nghề, địa bàn hoạt động của DN Bình Dương.

Đi vào các chỉ tiêu cụ thể từ kết quả điều tra, doanh nhân Bình Dương ít nhiều cảm thấy nhẹ nhàng khi Bình Dương đứng thứ 3 về “chi phí không chính thức” và thứ 5 về “tính minh bạch”, cao hơn thứ hạng 4 và 6 tương ứng của Đồng Tháp, tỉnh có PCI năm 2012 đứng đầu cả nước. Những chỉ tiêu này trong các năm trước luôn gây trăn trở cho doanh nhân và lãnh đạo Bình Dương. Có vẻ như những cố gắng của tỉnh đã có kết quả tốt trong những lĩnh vực này.

Có thể hiểu được chỉ tiêu “chi phí tiếp cận đất đai” (hạng 39). Vài năm nay, Bình Dương không khuyến khích đầu tư vào các ngành gây ô nhiễm, thâm dụng lao động và không cho phép DN mở nhà máy ở khu vực phía nam của tỉnh trừ khi vào các khu công nghiệp. Quy định này được sự đồng thuận rất cao của người dân trong tỉnh nhằm bảo vệ môi trường và bảo đảm sự phát triển của tỉnh theo đúng quy hoạch, tránh phải trả giá về sau. Những DN bị ảnh hưởng bởi quy định này đương nhiên sẽ không hài lòng và lãnh đạo tỉnh chấp nhận mất điểm để giữ Bình Dương sạch, đẹp. Điều có lẽ mọi người cũng cần biết thêm là nhiều khu công nghiệp trong tỉnh được quy hoạch bài bản, với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và có giá cho thuê rất cạnh tranh so với cả khu vực miền Đông, cụ thể là không quá 40 USD/m2 cho gần 50 năm.

Với những chỉ tiêu còn lại thì doanh nhân Bình Dương không khỏi băn khoăn trước kết quả điều tra tỷ lệ chi phí gia nhập thị trường Bình Dương là 58, TP.HCM là 50, Đồng Nai là 37; chi phí thời gian Bình Dương là 39, TP.HCM là 15, Đồng Nai là 37; hỗ trợ DN Bình Dương là 53, TP.HCM là 1, Đồng Nai là 51; thiết chế pháp lý, Bình Dương là 49, TP.HCM là 12, Đồng Nai là 10…

Chúng tôi chọn so sánh Bình Dương với TP.HCM và Đồng Nai vì đây là các địa phương trong cùng khu vực với nhiều điều kiện hoạt động tương tự nhau cho DN. Chi phí gia nhập thị trường tại Bình Dương cao hơn tại TP.HCM là một điều đáng ngạc nhiên và cần suy nghĩ xem thực tế có đúng như vậy không? Cách biệt quá lớn trong hỗ trợ DN giữa TP.HCM với 2 tỉnh cũng cần được nhìn nhận xem có tác động về mặt tâm lý qua các phương tiện truyền thông hay không? Doanh nhân trong khu vực này (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương) hầu như chỉ xem đài, đọc báo của TP.HCM. Mọi động thái của chính quyền TP.HCM được truyền thông rất tốt, trong khi cố gắng của hai địa phương còn lại ít được nhận biết.

Với hai tiêu chí còn lại là “chi phí thời gian” và “thiết chế pháp lý” (giải quyết các tranh chấp công bằng, hiệu quả) thì rõ ràng sự tụt hạng quá nhanh của Bình Dương gây hụt hẫng. Bình Dương từng có vị trí rất tốt về các tiêu chí này chỉ vài năm trước đây thôi. Các địa phương khác có thể đã cố gắng rất lớn trong thời gian qua để cải thiện vị trí của mình nhưng trừ khi Bình Dương tự mình làm kém đi những thành quả đã có từ trước đây thì vị trí mới thấp như các con số này. Đây tiếp tục là một câu hỏi lớn!

Chúng tôi đã đem thứ hạng mới này của Bình Dương và trao đổi với nhiều DN tư nhân lớn của Bình Dương, những đơn vị có hoạt động kinh doanh rộng khắp trên cả nước, một số trong đó ở tất cả 63 tỉnh, thành. Tất cả đều khẳng định rằng họ vẫn xem Bình Dương là một trong số rất ít nơi đáng để đầu tư nhất trong cả nước và họ vẫn sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động của mình tại Bình Dương. Họ không bao giờ có ý nghĩ rằng Bình Dương nằm ngoài top 10, thậm chí là top 5, trong tương quan giữa các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, về khả năng cạnh tranh. Việc Bình Dương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2012 cùng với việc tụt hạng PCI rất sâu trong cùng năm trở thành một câu chuyện khiến nhiều người phải đặt câu hỏi. Biết làm sao được khi con số cụ thể là một chuyện còn thứ hạng lại là một chuyện khác!

 NGỌC TRINH (ghi)