Đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh (Đoàn Bình Dương): Cần có giải pháp chấn chỉnh việc thực thi pháp luật đối với lao động nữ (*)

Thứ sáu, ngày 10/11/2017

(BDO) Hôm qua (9-11), đại biểu Quốc hội thảo luận việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Các đại biểu Quốc hội cho rằng chính sách bình đẳng giới được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (ảnh) đã góp ý thêm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới thời gian tới, như: Việc thực thi pháp luật đối với lao động nữtrong khu vực doanh nghiệp; lao động nữchưa bình đẳng thực chất trong việc làm vàthu nhập với nam giới… Báo Bình Dương giới thiệu bài tham luận của đại biểu Trương Thị Bích Hạnh.

Qua nghiên cứu báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tôi xin tham gia một số ý kiến về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm như sau:

Về tình hình triển khai Luật Bình đẳng giới, tôi đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đó là hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện, trong đó có nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là việc thực thi pháp luật đối với lao động nữ trong khu vực doanh nghiệp. Trong báo cáo của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới cho thấy, qua thanh tra ở 152 doanh nghiệp dệt may có 55 doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định pháp luật liên quan đến lao động nữ, chiếm 36 %; 12 địa phương được thanh tra thì có 6 địa phương có các doanh nghiệp vi phạm, chiếm 50%. Như vậy, có thể nói việc vi phạm các chính sách, pháp luật đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp là khá “phổ biến”. Tuy nhiên, báo cáo cũng chưa thể hiện kết quả xử lý các vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong thời gian qua.

Việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật phải đi đôi với việc thực thi pháp luật chính sách, pháp luật. Tình trạng còn không ít doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, trong đó có các quy định riêng đối với lao động nữ trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động và sự nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh tình hình này trên thực tế, không chỉ riêng đối với lĩnh vực bình đẳng giới mà là tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Về mục tiêu “Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm”: Tôi quan tâm đến chỉ tiêu giải quyết việc làm cho người lao động hàng năm. Hàng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới. Theo báo cáo, mặc dù việc thực hiện chỉ tiêu này hàng năm đều được đánh giá đạt và vượt, song chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có có trình độ chuyên môn thấp, làm việc trong các ngành thâm dụng lao động (số liệu báo cáo cho thấy 70% lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 41,1% lao động nữ làm công việc giản đơn, tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo thấp hơn nam, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở nữ đều cao hơn nam, thu nhập bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn 10,7% so với lao động nam).

Mặt khác, tình trạng hạn chế sử dụng lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề nổi lên trong thị thường lao động hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở cả phía người sử dụng lao động, người lao động và từ phía các quy định của pháp luật có liên quan chưa thật sự chặt chẽ. Nhưng dù là nguyên nhân nào thì nguyên nhân sâu xa nhất cũng xuất phát từ năng lực của người lao động. Lao động ở những bộ phận cần có tay nghề, kinh nghiệm sẽ được doanh nghiệp trọng dụng, ngược lại đối với lao động giản đơn thì doanh nghiệp sẽ không cần phải sử dụng người có thâm niên, lớn tuổi, lương cao nhưng năng suất lao động lại thấp. Đó cũng là điều tất yếu trong thị trường lao động.

Vấn đề lao động sau tuổi 35 bị loại khỏi thị trường lao động được đề cập nhiều trong thời gian qua, tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có những giải pháp và can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ và cũng để xây dựng các chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật phải đi đôi với việc thực thi pháp luật chính sách, pháp luật. Tình trạng còn không ít doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, trong đó có các quy định riêng đối với lao động nữ trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động và sự nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh tình hình này trên thực tế, không chỉ riêng đối với lĩnh vực bình đẳng giới mà là tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

(Đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh)


Nghị quyết số 11-NQ/ TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đánh giá “Do trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp còn thấp, phụ nữ bị hạn chế hơn nam giới về cơ hội có việc làm và thu nhập. Trong nhiều doanh nghiệp, việc làm của lao động nữ thiếu ổn định”. Nhận định này cách đây 10 năm đến nay vẫn còn là nguyên nhân chính dẫn đến lao động nữ chưa bình đẳng thực chất trong việc làm và thu nhập với nam giới.

Trong điều kiện phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều dự báo cho thấy, lao động nữ làm công việc giản đơn, sẽ chịu nhiều tác động bất lợi, dễ bị mất việc làm do sự thay thế của công nghệ. Vì vậy, để bảo đảm bình đẳng thực sự trong lĩnh vực lao động, việc làm, tôi đề nghị phải có giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ. Đây là nội dung được quy định tại Điều 13 của Luật Bình đẳng giới về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Tôi đề nghị cần cụ thể hóa nội dung này thông qua chính sách cụ thể như chính sách khuyến khích về đào tạo nghề cho lao động nữ, nhất là những nghề cần chuyên môn, tay nghề cao, các nghề thuộc ngành nghề trọng điểm quốc gia, các ngành kỹ thuật mà nam giới tham gia chủ yếu thời gian qua và cần nghiên cứu về việc bổ sung quy định đào tạo nghề dự phòng lao động nữ như trước đây.

Tôi đề nghị bên cạnh chỉ tiêu hàng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới thì trong chỉ tiêu về lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ hàng năm theo nghị quyết của Quốc hội cũng phải bảo đảm tỷ lệ ít nhất 40% cho mỗi giới. Có như thế mới bảo đảm việc làm, thu nhập bền vững và bình đẳng thực sự giữa lao động nam và nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm.

Về lương hưu của lao động nữ từ ngày 1-1-2018: Quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho thấy có sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và nữ nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018. Điều này thật sự gây thiệt thòi cho lao động nữ.

Tôi đồng tình và đánh giá cao trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời báo cáo Chính phủ xem xét phương án về lộ trình thực hiện cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ ngày 1-1-2018 khi có ý kiến của đại biểu Quốc hội. Tôi đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét quyết định vì thời điểm có hiệu lực của quy định chỉ còn gần 2 tháng nữa nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của lao động nữ, không tạo ra những bức xúc trong xã hội và cũng bảo đảm ổn định tình hình quan hệ lao động vào những tháng cuối năm, tránh việc phản ứng chính sách như đã xảy ra với Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội vừa qua.

(*) Tựa bài do Tòa soạn đặt