Đại biểu Quốc hội: Không cần thiết biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa
(BDO)
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình trong giờ học Tiếng Việt. (Ảnh minh họa: Hải Yến/TTXVN)
Ngày 13/6, tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, nhiều đại biểu quan tâm đến việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa phổ thông, chi đầu tư cho giáo dục.
Không biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa bằng kinh phí từ ngân sách
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa phổ thông, đại biểu cho rằng, đây là vấn đề trọng yếu cần được Quốc hội xem xét trước khi việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông được triển khai trên toàn quốc, chỉ sau kỳ họp này 2 tháng.
Những kết quả chính đã đạt được sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết 88, gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Quốc hội, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành được chương trình giáo dục phổ thông mới, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các nghị quyết.
Bộ cũng chỉ đạo biên soạn, tổ chức thẩm định và phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa các môn học bắt buộc và 7 cuốn sách giáo khoa môn tiếng Anh tự chọn ở lớp 1 để sử dụng từ năm học 2020-2021.
Việc biên soạn, xuất bản các bộ sách giáo khoa hoàn toàn dựa trên vốn tự có của các đơn vị xuất bản, đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước một khoản không nhỏ, đồng thời đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội còn nhiều hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chỉ ra rằng, để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88 giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ bằng ngân sách nhà nước trong bối cảnh này vừa không cần thiết, vừa khó bảo đảm chất lượng và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.
Nghị quyết 88 trao quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01 năm 2020 hướng dẫn thực hiện quy định này. Nhưng theo phản ánh của cử tri ngành giáo dục, trên thực chất ở nhiều địa phương, quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông không được tôn trọng.
Dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc này.
Để thực hiện thành công việc đổi mới Chương trình giáo dục sách giáo khoa phổ thông, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ hữu quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện đúng và đầy đủ vai trò quản lý nhà nước trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch tập huấn giáo viên, triển khai đánh giá kết quả thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1 và các lớp khác.
Xem xét việc kê giá sách giáo khoa hàng năm của các nhà xuất bản để bảo đảm giá cả hợp lý. Tăng cường vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước chính là điều kiện để việc xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phát triển đúng hướng, ngày càng có chất lượng và hiệu quả.
Cùng với đó, bảo đảm điều kiện về nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất để triển khai Chương trình sách giáo khoa mới; tạo tâm thế phấn khởi, sẵn sàng đổi mới cho đội ngũ giáo viên trước cuộc đổi mới quan trọng trong giáo dục phổ thông.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ví dụ cách đây 7 tháng, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, bà có nêu ý kiến cử tri ngành giáo dục Hà Nội về tình trạng hàng nghìn giáo viên hợp đồng không thời hạn có nguy cơ mất việc làm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ hứa giải quyết và trước đó đã có Công văn số 5378 ngày 5/11/2019 hướng dẫn thành phố Hà Nội tuyển dụng đặc cách số giáo viên này theo ý kiến của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, tới nay, sự việc không những chưa được giải quyết mà còn có khả năng bị bẻ lái theo hướng khác. Bộ Nội vụ không kiên trì chỉ đạo theo Công văn số 5378 mà chấp thuận theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là tổ chức xét tuyển theo hình thức sát hạch.
“Ai cũng biết sát hạch, thực ra là thi có trúng, có trượt. Rất may là mới đây được cử tri phản ánh về việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ. Tôi hy vọng ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy sẽ được chấp hành nghiêm túc và sẽ góp phần tạo ra tâm lý phấn chấn cho anh, chị em giáo viên trước thềm năm học mới,” bà nói.
Từ đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa phổ thông, đại biểu này tán thành việc Quốc hội chấp thuận đề nghị của Chính phủ là không tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước và giao cho Chính phủ đàm phán lại với Ngân hàng Thế giới để sử dụng vốn vay này vào việc khác thiết thực, hiệu quả hơn.
Tranh luận làm rõ thêm về vấn đề xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đồng tình với việc không sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn một bộ sách giáo khoa của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tâm huyết, có nhiều sáng kiến viết sách giáo khoa, góp phần hạn chế việc độc quyền và tạo điều kiện nhiều hơn cho các cơ sở có nhiều danh mục để lựa chọn sách giáo khoa, cạnh tranh bình đẳng, khách quan trong việc biên soạn sách giáo khoa.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian tới cần tăng cường các biện pháp để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa, xây dựng và tính đến cơ chế về giá.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước của mình trong việc hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở, lựa chọn sách giáo khoa cho phù hợp, đảm bảo đúng quy định, tránh các hiện tượng tiêu cực và những ý kiến không hay đối với việc lựa chọn sách giáo khoa, tạo được niềm tin trong xã hội trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020-2021,” bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nói.
Không chi cào bằng giữa các địa phương
Đề cập đến vấn đề chi ngân sách nhà nước cho hoạt động giáo dục đào tạo, dạy nghề và khoa học công nghệ, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) dẫn con số: Nghị quyết số 25 năm 2016 định hướng phấn đấu đảm bảo 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo và 2% chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ và Nghị quyết số 266 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ ra 6 nguyên tắc lớn. Trong đó, nguyên tắc thứ nhất là ưu tiên bố trí kinh phí cho lĩnh vực xã hội gồm: giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường, y tế và một số lĩnh vực khác.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Bùi Quỳnh Thơ phát biểu ý kiến. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ trọng chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trên tổng chi ngân sách năm 2018 là 14,2%, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%, quyết toán chi giáo dục đào tạo dạy nghề chỉ đạt 96,2% dự toán, chi khoa học công nghệ trên tổng chi ngân sách nhà nước năm 2018 cũng chỉ là 0,76%, đạt 91% dự toán.
Tình trạng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ hàng năm không đạt dự toán đã diễn ra nhiều năm. Cho rằng cần thiết phải xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu “việc phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ cần phải được xem xét lại một cách tổng thể và thấu đáo hơn, phù hợp với chiến lược phát triển các nhiệm vụ này trong từng thời kỳ.”
Bà cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến việc đầu tư kinh phí cho hoạt động dạy nghề, trước hết là chi đúng, chi đủ, sau đó là đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị và có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đào tạo nghề.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát, ban hành văn bản tham mưu, bỏ những ngành đào tạo không cần thiết, đặc biệt là một số ngành trong danh mục đào tạo sơ cấp, tập trung vào chính sách đào tạo trung cấp và cao đẳng.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho ý kiến, Quốc hội đã quyết định ngân sách nhà nước dành cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục năm 2018 là 14,2% và năm 2019 là 14,03%. Hiện nay, nếu tính ngân sách nhà nước dành cho giáo dục trên cơ sở tổng chi ngân sách nhà nước, theo đại biểu, có một số khoản chi chưa tính hết.
Chúng ta đang có 2 chương trình mục tiêu quốc gia, trong các chương trình mục tiêu quốc gia đó đều có sự lồng ghép việc ngân sách nhà nước dành cho giáo dục ở trong đó. Đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành được bộ tiêu chí xác định thế nào là chi cho giáo dục; không chi cào bằng giữa các địa phương.
“Ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và các tỉnh nghèo chưa cân đối được ngân sách, khả năng chi cho giáo dục rất thấp, xã hội hóa cho giáo dục rất thấp, cần phải quan tâm đến các địa bàn này để tăng nguồn kinh phí cho giáo dục mới phúc đáp được yêu cầu cũng như chủ trương chung của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội cũng như Luật Giáo dục,” ông Nguyễn Trường Giang khẳng định./.
Theo TTXVN