Đại biểu Quốc hội HUỲNH NGỌC ĐÁNG: Không nên buông lơi mục tiêu kiềm chế lạm phát

Thứ sáu, ngày 08/06/2012

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu đạt được trong thời gian qua, nhất là thành quả trong việc hạ chỉ số giá tiêu dùng, ổn định tiền tệ, tín dụng, cố gắng tăng trưởng kinh tế... Tôi cũng đồng ý và chia sẻ với Chính phủ về những hạn chế, khó khăn hiện nay của đất nước và nhất trí về cơ bản với các giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tôi hiểu rằng, Chính phủ đang huy động toàn lực quốc gia, cổ vũ sự năng động và quyết tâm của toàn dân, của lực lượng sản xuất để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tăng trưởng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Tôi chỉ xin được trao đổi về một số nội dung mà tôi và nhiều cử tri quan tâm như sau:

1. Theo tôi, có lẽ điều tích cực nhất ở thời điểm này là chúng ta đã thấy hết, thấy đủ, thấy rõ và hiểu sâu sắc những khiếm khuyết trong nền kinh tế của đất nước. Trong đó, chúng ta đã nhận thức lại chính xác hơn về mô hình tăng trưởng của nền kinh tế cũng như hiểu đúng mực hơn về khối doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm các tập đoàn và tổng công ty, những đơn vị kinh tế mà chúng ta đã nhiều năm tích cóp đầu tư xây dựng với những kỳ vọng lớn lao... Tôi hiểu rằng, để có được nhận thức chung đó, chúng ta đã phải trả phí khá lớn, không chỉ là số tiền ngàn tỷ mà cả cán bộ. Học phí này dù là khá cao nhưng theo tôi nhận thức chung như đã nêu ở trên là tích cực, vì nó sẽ tạo ra sự thống nhất trong tầm nhìn hướng đến tương lai của nền kinh tế, cả về mô hình, cơ cấu và phương hướng phát triển.

2. Tôi cũng như nhiều đại biểu khác rất băn khoăn về mục tiêu tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2012. Sức ép về tăng trưởng trong thời gian tới sẽ rất lớn. Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6 -6,5% của năm nay, cả nước sẽ phải phấn đấu cật lực mà có thể sẽ vẫn không đạt được. Chúng ta không hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát nhưng theo tôi, không nên buông lơi mục tiêu kiềm chế lạm phát; tuyệt đối không nên vì sức ép tăng trưởng mà nới lỏng tài chính tiền tệ. Theo tôi, không nên nới lỏng tài chính, tiền tệ lúc này, ít ra là từ nay đến hết năm 2012. Lạm phát có thể quay lại bất cứ lúc nào. Trong lạm phát, đời sống người lao động chịu thiệt đầu tiên và nặng nề hơn cả. Nếu chọn giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng thì tôi và mấy mươi triệu cử tri của chúng ta là công nhân, nông dân, công nhân viên chức sống bằng lương sẽ quan tâm nhiều hơn đến kiềm chế lạm phát. Bởi vì nếu kiềm chế được lạm phát tức là Chính phủ đã giúp cho đời sống của đại đa số người dân lao động dễ thở hơn, giá cả hàng hóa dịch vụ bình ổn hơn.

3. Trong tình hình hiện nay, ngành ngân hàng có vai trò cực kỳ quan trọng và khá đặc trưng. Nó quan trọng và đặc trưng đến độ trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri được đại diên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc trong phiên khai mạc Quốc hội đã có đoạn viết: Nhiều cử tri cho rằng, tình hình hiện nay, cả người gửi tiết kiệm và người đi vay đều phải chịu thiệt, còn được lợi là các ngân hàng. Tôi thấy cử tri đã nói quá đúng. Tôi cho rằng ngân hàng nên quan tâm đến ý kiến đó của cử tri. Ngân hàng được lợi, nhân dân và doanh nghiệp cũng phải được lợi. Đó không chỉ là đạo lý mà còn chính là trách nhiệm. Cũng về ngân hàng, có cử tri ví von với tôi rằng: ngân hàng trong nền kinh tế giống như lá gan trong cơ thể người. Gan bị viêm hay xơ, cơ thể sẽ suy yếu. Cho nên không thể để ngân hàng bị “viêm” hay “xơ” để cơ thể là nền kinh tế không bệnh tật. Theo tôi hiện nay, thuốc đặc trị để ngân hàng không bị “viêm” hay “xơ” là sự minh bạch và công tâm. Chỉ có minh bạch và công tâm mới giúp cho ngân hàng thực sự chuyển đổi cơ cấu thành công mà không bị sự chằng chéo chi phối của các nhóm lợi ích liên quan. Tôi đề nghị, Chính phủ và tất cả những cơ quan có chức năng cần quan tâm giám sát, kiểm tra, hoạt động ngân hàng; cần xem việc tái cơ cấu ngân hàng như là khâu quan trọng của toàn bộ tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế.

4. Tôi muốn đề cập đến các nhóm lợi ích. Trong các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, không có báo cáo nào đề cập đến các nhóm lợi ích và tác động của các nhóm này. Sự tồn tại và hiện diện của các nhóm lợi ích trong kinh tế thị trường là điều bình thường và khách quan. Tuy nhiên, khi lợi ích nhóm xâm phạm đến lợi ích chung của đại bộ phận nhân dân thì xã hội lúc đó đang có vấn đề và sẽ nguy hiểm hơn nếu các nhóm lợi ích chen chân vào chính sách. Tôi không đủ năng lực để kết luận rằng hiện nay, các nhóm lợi ích đã có tác động như thế nào, tốt hay xấu đối với chính sách các mặt của chúng ta. Nhưng tôi cho rằng các nhóm lợi ích đã và đang ráo riết tác động, ở mọi nơi, mọi lúc, ở tất cả các cửa. Vì vậy tôi xin đề nghị: Chính phủ và Quốc hội cần cảnh giác với tác động của các nhóm lợi ích, không chỉ trong các tháng còn lại của năm 2012 mà cả trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế sắp tới.

5. Về mặt văn hóa, xã hội tôi nhất trí với báo cáo Chính phủ rằng: “Đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn, nhất là ở các vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn diễn biến phức tạp và còn nhiều bức xúc trong xã hội”. Đúng là trong xã hội ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc. Trong đó có những vụ, việc làm ta trăn trở: Vinashin chưa xử lý xong đã xuất hiện Vinaline. Tiên Lãng vừa tạm êm đã có Văn Giang. Hiện tượng nhiều xe máy cháy lạ chưa tìm ra nguyên nhân thì bệnh lạ xuất hiện và bệnh cứ lạ mãi, đến nay vẫn không chịu quen, giết chết hàng mấy chục người dân hiền lành. Có loại phí vừa đề ra, chưa kịp thu, đã đưa ra loại phí khác làm cho cả xã hội nhao nhao có ý kiến. Ở phía Nam trước đây, có nhà báo bị vợ đốt đến chết, bây giờ, ở miền Bắc nhà báo bị bao vây hành hung... Có nhiều vụ việc lại chính là hậu quả từ năng lực, đạo đức còn yếu kém của cán bộ, từ sự hoạt động thiếu hiệu quả của một bộ phận trong bộ máy Nhà nước. Nói cách khác, một phần các bức xúc xã hội do chính chúng ta gây ra, dù không cố ý. Vậy thì để ổn định xã hội phải chấn chỉnh và ổn định chính chúng ta. Tôi xin đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các ngành phải hết sức thận trọng khi đề ra những chủ trương chính sách mới, nhất là trên các lĩnh vực giá cả, thuế, phí, cả về tỷ suất, tỷ giá... Tôi cũng xin đề nghị ngành chức năng cần giải quyết nhanh gọn và rốt ráo các vấn đề bức xúc trong xã hội thuộc ngành, lĩnh vực của mình, không để lây lan, tác động xấu nhiều mặt, nhất là việc dập tắt các dịch bệnh. Bệnh tay - chân - miệng đã kéo dài dây dưa, gây tử vong cho nhiều trẻ em, lẽ ra phải được dập tắt sớm hơn, triệt để và dứt khoát hơn để ít trẻ em thiệt mạng hơn. Trường hợp bệnh lạ chưa chịu quen ở Quảng Ngãi cũng vậy, cần có nỗ lực và năng động nhiều hơn với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa để xử lý dứt điểm bởi vì bệnh lạ kéo dài không chỉ gây hại cho Quảng Ngãi, nó xoáy mòn niềm tin của nhân dân cả nước đối với ngành y tế.

Chúng ta đã bước đầu thành công trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô phải gắn với ổn định xã hội. Tôi tin nếu chúng ta thận trọng hơn, năng động hơn và trách nhiệm cao hơn thì sẽ tránh được cho xã hội các vấn đề bức xúc, để xã hội sẽ ổn định hơn, đất nước sẽ yên bình, hạnh phúc hơn.

- Xin cảm ơn Quốc hội!

* Tựa bài do tòa soạn đặt