Đại biểu Quốc hội: Đầu tư hồ chứa nước Ka Pét là việc làm cấp thiết, ý nghĩa
(BDO)
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 30-5.
Các Đại biểu Quốc hội đều đồng tình ủng hộ quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh Đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa, kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Dự án cấp thiết
Tham gia thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 30/5, bày tỏ tán thành với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đây là công trình đa mục tiêu, với nhiệm vụ cấp nước tưới cho đất sản xuất, cấp nước sinh hoạt, điều tiết nước, giảm lũ, cải tạo môi trường, phát triển du lịch.
Đại biểu Hạnh đề nghị cơ quan hữu quan tập trung nguồn lực để triển khai khẩn trương, kịp thời, đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ.
Nhìn nhận trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng gay gắt, hạn hán thường xuyên, nguồn nước khan hiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của dân, Đại biểu K’Nhiễu, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng một công trình kỹ thuật phục vụ nước sản xuất, nước tưới cho vùng nông nghiệp, nước thô cho các khu công nghiệp, phòng, chống lũ, cải tạo môi trường và hồ chứa nước cho vùng hạ du là một việc làm hết sức cấp thiết và có ý nghĩa đối với người dân vùng hạn hán.
Để hoàn thành dự án một cách nhanh chóng, bảo đảm tính cấp thiết trong bổ sung nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất cho nông dân, Đại biểu K’Nhiễu đề nghị cần phải rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong phê duyệt, thẩm định dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng sự cần thiết của dự án.
Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung cơ chế đặc thù và giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm 3 do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật đầu tư công.
Thống nhất với việc tăng nguồn vốn cho dự án (tổng số vốn dự kiến điều chỉnh là 874 tỷ đồng) và việc cho kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2025 (chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 93), tuy nhiên, Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam bày tỏ băn khoăn nến dự án kéo dài đến 2025 là thêm 2 năm thực hiện dự án liệu có hoàn thành được khối lượng công việc, do đó, cần phải có những giải pháp, xác định tiến độ cụ thể, phù hợp để đáp ứng được yêu cầu tiến độ xây dựng dự án.
Làm đường phải chú ý đến trồng rừng thay thế
Về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27 C, đường tỉnh ĐT 656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận, Đại biểu Lê Hữu Trí, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đánh giá sự cần thiết bởi đây là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng và xác định nguồn lực ưu tiên đầu tư từ nay đến 2025 nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ của tỉnh.
Theo Đại biểu Trí, dự án sẽ hình thành trục giao thông liên tỉnh, liên vùng, tuyến đường mở rộng không gian, đông lực phát triển kinh tế-xã hội, du lịch rút ngắn thời gian từ huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đến cảng biển Vân phong, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt Bắc-Nam trong tương lai…
“Dự án được đầu tư là niềm mong mỏi của 2 huyện Phước Sơn và Phước Vĩnh và tỉnh Khánh Hòa, giải quyết đói nghèo cho đồng bào dân tộc 2 địa bàn này của tỉnh và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội,” ông Trí nhấn mạnh.
Đề cập đến dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng và phòng hộ, theo Đại biểu, diện tích rừng không ảnh hưởng nhiều đến môi trường tự nhiên, tỉnh Khánh Hòa có báo cáo phương án trồng rừng 227ha tại các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm với tổng mức đầu tư 119 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị yêu cầu tỉnh trồng rừng theo đúng cam kết và được các cơ quan thẩm định.
Đưa ra con số vốn đầu tư ngân sách Trung ương gần 1.930 tỷ đồng bố trí giai đoạn 2021-2025 và vốn ngân sách địa phương 930 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 là 121,9 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 808 tỷ đồng), Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên bày tỏ lo ngại, liệu có dám khẳng định ngân sách giai đoạn 2026-2027 có cấp được vốn cho dự án, do vậy cần đưa vào Nghị quyết bởi nếu không thì có thể hoàn thành sau năm 2030.
Nêu rõ tuyến đường đi sát vào khu bảo tồn quốc gia, Đại biểu Thành lưu ý cần đặt biệt chú ý đến công tác bảo tồn, phải có phương án thi công cụ thể, có phương án phục hồi, trồng rừng thay thế, cần mở rộng diện tích khu bảo tồn ở phạm vi xung quanh để bù lại diện tích rừng thay vì trồng lại lẻ tẻ ở nhiều xã, hay ở đất rừng sản xuất.
Khẳng định dự án này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của ba tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, theo Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, nếu dự án hoàn thành, sẽ tạo nên tuyến huyết mạch có dư địa phát triển rất tốt cho tương lai, bảo đảm sự phát triển cho vùng đất cách mạng khi xưa, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Từ đó, Đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua xây dựng điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án phù hợp với tiến độ giải ngân, cố gắng hoàn thành trong năm 2025.
Liên quan đến dự trù kinh phí thực hiện dự án trong đó có phần đền bù giải phóng mặt bằng, Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề khu vực này đó là rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình có công với cách mạng cần chú trọng chính sách đền bù để người dân có nơi ở mới phù hợp hơn, cao hơn. Dự án cần dự trù kinh phí đáp ứng đủ yêu cầu.
Do đó, Đại biểu đề nghị nên áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nếu có điều chỉnh các nội dung trong chủ trương quyết định đầu tư./.
Theo TTXVN