Đại biểu Quốc hội: Bảo vệ người tiêu dùng trước bẫy quảng cáo trá hình
(BDO)
Phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Theo các đại biểu Quốc hội, việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của tiến trình hội nhập.
Dù vậy, tại phiên thảo luận ở tổ diễn ra sáng 2-11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật cần quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của các bên khi tham gia giao dịch, trong đó chú trọng hơn việc bảo vệ các đối tượng yếu thế, cũng như tránh việc lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để tiến hành quảng cáo.
Cần bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương
Theo đại biểu Trịnh Lam Sinh (đoàn An Giang), qua 12 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cho đến nay đã xuất hiện nhiều hạn chế, bất cập.
Dẫn chứng trong cuộc sống hàng ngày các sản phẩm, dịch vụ cung cấp của người sản xuất và kinh doanh đến người tiêu dùng nhưng không đạt được chất lượng và yêu cầu… nhưng người tiêu dùng không biết đi đâu để có thể giải quyết, nên hết sức thiệt thòi. Vì vậy, theo đại biểu, việc sửa đổi luật là hết sức cần thiết, từ đó hóa giải những tồn tại và kịp thời nắm bắt, cập nhật những diễn biến mới của thị trường.
“Cơ quan soạn thảo cần quan tâm làm rõ hơn về trách nhiệm đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ của người sản xuất, có một tiêu chí rõ ràng trong việc đảm bảo được hàng hóa của mình làm ra hoặc kinh doanh,” đại biểu nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, để đảm bảo sự chặt chẽ khi ban hành luật, đại biểu đoàn An Giang cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của người tiêu dùng trước pháp luật về những thông tin mà họ đưa ra và phải bồi thường cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nếu những thông tin không đúng, sai sự thật.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu việc lợi dụng người có ảnh hưởng, người nổi tiếng để ghép với sản phẩm quảng cáo, trong khi người đó không mua, không dùng, không biết rõ chất lượng sản phẩm thế nào là hành vi cần phải xử lý mạnh.
“Dự thảo luật cần làm rõ để bảo vệ người có ảnh hưởng bị lợi dụng hình ảnh, như thế cũng có nghĩa là bảo vệ người tiêu dùng không bị mắc bẫy của hành vi quảng cáo trá hình,” đại biểu đoàn Bình Dương nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, theo ý kiến của nhiều đại biểu, trong quan hệ mua bán khách hàng là thượng đế, nhưng chỉ là thượng đế lúc mua hàng, còn sau khi mua hàng lại chưa được quan tâm, chăm sóc tốt. Vì vậy, việc sửa luật là để khắc phục bất cập và điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng hiện nay nhiều người cao tuổi mắc các bệnh nền, vì vậy, các sản phẩm về thuốc hiện nay nếu không được tư vấn thì rất khó lựa chọn.
“Trong luật nêu ra các đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng cụ thể với từng đối tượng thế nào lại chưa rõ, nên cần phải làm rõ thêm,” đại biểu đề nghị.
Quy định chặt chẽ khi giao dịch trên mạng
Theo đánh giá, Việt Nam có tốc độ phát triển về giao dịch qua thương mại điện tử rất nhanh chóng, do đó, việc bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch (cả bên mua và bán) cần được quy định cụ thể, tránh những hậu quả không đáng có.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho rằng với các giao dịch đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số thì ngoài việc căn cứ vào cách thức để giao dịch thì cần làm rõ trách nhiệm của bên thứ ba có liên quan trong xu hướng giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến.
Nữ đại biểu cũng mong muốn các quy định về hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được cụ thể và rõ ràng hơn trong bối cảnh ngày càng nhiều giao dịch có yếu tố nước ngoài, nhiều hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam cũng sử dụng các sản phẩm này.
Ngoài ra, để đảm bảo các quy định trong mua, bán, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung vào Khoản 1, Điều 17 về hành vi cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh từ chối nhận lại hàng hóa, hoặc yêu cầu thanh toán chi phí đối với trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt hợp đồng theo khoản 4, Điều 39 của dự thảo luật… nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và là cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên thảo luận
Tiếp thu, giải trình các ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết dự thảo duật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường hơn nữa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố chuyển đổi số, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
Cụ thể, dự thảo luật bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; quy định một số nội dung phải có trong giao kết hợp đồng từ xa và bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.
Ông Diên thông tin thêm, dự thảo luật hiện hành chỉ quy định cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức xã hội hỗ trợ người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tiến hành thương lượng qua việc hỗ trợ chuyển thông tin, không can thiệp vào nội dung thương lượng, không can thiệp vào tự do ý chí của các bên trong quá trình thương lượng.
Hơn nữa, việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định cần thiết, kế thừa quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và có điều chỉnh để phù hợp với quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 đồng thời phù hợp với thông lệ ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới./.
Theo TTXVN