Đặc sắc phòng thư giãn cho giáo viên
Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của học sinh nhưng công việc của họ cũng đầy thử thách và căng thẳng. Do đó, việc tạo ra một không gian thư giãn dành riêng cho giáo viên là vô cùng cần thiết để họ có thể nạp lại năng lượng và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Việc tạo môi trường thân thiện, vui vẻ cho giáo viên là một trong những hướng đi được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh lựa chọn khi xây dựng trường học hạnh phúc.
Đặc sắc phòng thư giãn cho giáo viên
Đã thành thói quen, mỗi lúc nghỉ giữa giờ của các tiết dạy, nhiều giáo viên của trường Tiểu học Bến Súc (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng) lại tới phòng thư giãn của giáo viên để nghỉ ngơi. Điểm đặc biệt ở đây là để giáo viên có không gian thoải mái, trường Tiểu học Bến Súc đã tận dụng khoảng trống chân cầu thang của các dãy phòng học làm phòng nghỉ, phòng thư giãn cho giáo viên nhà trường.
Giáo viên trường Tiểu học Ngô Quyền, huyện Dầu Tiếng đọc sách tại phòng thư giãn của giáo viên
Khi được “trải nghiệm” thực tế không gian phòng thư giãn dành cho giáo viên của nhà trường, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi chỉ một khoảng không gian nhỏ dưới chân cầu thang nhưng được các thầy cô giáo khéo léo cải tạo, trang trí đẹp mắt với rèm cửa, ghế sofa, kệ sách, bàn uống nước… Cô Nguyễn Thị Mai Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Do trường không đủ phòng nên chúng tôi tận dụng các khoảng không gian trống ở cầu thang vừa có thể làm phòng thư giãn cho giáo viên nghỉ ngơi, vừa có thể trang trí cho nhà trường thêm đẹp. Đồng thời, đây là nơi các thầy cô có thể giao lưu, kết nối với nhau sau giờ lên lớp, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống, tạo nên một môi trường làm việc thân thiện và hiệu quả”.
Bắt đầu từ năm học 2022- 2023, trường Tiểu học Tuy An (phường An Phú, TP.Thuận An) đưa vào hoạt động mô hình phòng thư giãn dành cho giáo viên. Bước vào căn phòng, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác. Không gian được bài trí đơn giản nhưng tinh tế, với những gam màu nhẹ nhàng tạo cảm giác thư thái. Các kệ sách đầy ắp những cuốn sách hay, các chậu cây xanh tươi mát, cùng những bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc tạo nên một bầu không khí ấm áp và gần gũi. Điểm nhấn của căn phòng là khu vực nghỉ ngơi với những chiếc ghế sofa êm ái, những chiếc gối ôm mềm mại. Nơi đây, các thầy cô có thể thoải mái nhắm mắt thư giãn, hoặc thưởng thức một ly cà phê, đọc một cuốn sách yêu thích.
Thầy Hồ Tấn Tài, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là một trong những mô hình trong phong trào xây dựng trường học hạnh phúc của nhà trường. Mọi hoạt động của nhà trường đều hướng tới sự yêu thương, an toàn, tôn trọng, góp phần thay đổi tích cực chất lượng dạy và học. Hy vọng phòng thư giãn dành cho giáo viên mang đến một không gian bình yên, ấm áp, giúp các thầy cô giải tỏa căng thẳng sau giờ lên lớp.
Trước hết, giáo viên phải hạnh phúc
Việc tạo môi trường thân thiện, vui vẻ cho giáo viên là một trong những hướng đi được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh lựa chọn khi xây dựng trường học hạnh phúc. Khi xây dựng trường học hạnh phúc, nhân tố đầu tiên mà các trường quan tâm là giáo viên và học sinh phải luôn cảm thấy được thoải mái, vui vẻ khi ở trường, hạnh phúc khi đến trường. Trong đó, khi thầy cô thoải mái, vui vẻ thì mới có thể tạo ra những giờ học hạnh phúc.
Cô Hà Thị Diễm Phúc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Văn Ơn (TX.Bến Cát), chia sẻ để có trường học hạnh phúc phải bắt đầu từ những lớp học hạnh phúc, trong đó mỗi thầy cô, học sinh cùng hạnh phúc. Để thầy cô hạnh phúc thì họ phải thấy thực sự thoải mái khi đến trường, cảm thấy gắn bó, có động lực cống hiến cho ngôi trường của mình. Phòng thư giãn sẽ giúp đội ngũ giáo viên có thêm động lực để hoàn thành tốt công việc. Vừa làm việc, học tập, thư giãn; vừa vui tươi, bổ ích là phương châm nhà trường luôn hướng đến.
Cùng chung quan điểm trên, thầy Lê Khắc Huệ Long, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Quyền (thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng), cho biết khi được chăm lo tốt, đội ngũ giáo viên mới có thể an tâm giảng dạy, mới có những giờ dạy học chất lượng, đổi mới. Do đó, chỗ nghỉ ngơi của giáo viên, môi trường làm việc cho thầy cô luôn được nhà trường quan tâm. Môi trường cởi mở, thân thiện, gần gũi sẽ là yếu tố quan trọng để thầy cô đến trường với tâm thế hạnh phúc, nâng cao chất lượng giảng dạy…
Trong khi đó, cô Đào Như Mai, giáo viên trường Tiểu học Ngô Quyền, bộc bạch: “Sau mỗi giờ học, chúng tôi có thể đến phòng thư giãn để đọc sách, nghe nhạc và chuẩn bị bài giảng cho tiết học tiếp theo hoặc ngày hôm sau. Nhờ có không gian yên tĩnh và thoải mái này, giáo viên có thể tập trung hơn và làm việc hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn phòng thư giãn của giáo viên có thể được trang bị thêm một số thiết bị, đáp ứng nhu cầu của giáo viên”.
Có thể thấy, phòng thư giãn là một không gian thiết yếu trong môi trường giáo dục hiện đại. Đây là nơi để các thầy cô nạp lại năng lượng để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục với tinh thần và nhiệt huyết cao nhất. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự hiệu quả, cần có sự quan tâm và đầu tư từ các cấp quản lý, nhà trường và sự đồng lòng của đội ngũ giáo viên.
HỒNG PHƯƠNG