Đặc sắc chương trình nghệ thuật mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam
(BDO)
Tiết mục "Tình ca Tây Bắc". (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Tối 16/4, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), chương trình nghệ thuật “Văn hóa các dân tộc - Hội tụ và phát triển” đã được tổ chức, chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2021.
Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.
Lễ khai mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được bắt đầu với phần biểu diễn có chủ đề “Tâm linh-Nghĩa khí-Vịnh xuân đất Tổ.”
Đây là màn hòa tấu trống đồng và phần biểu diễn thể hiện những nét văn hóa tiêu biểu đặc trưng thời kỳ Văn Lang, Âu Lạc, ca ngợi truyền thống dựng nước, giữ nước từ ngàn đời của dân tộc ta; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc...
Nhờ đó, nêu cao ý thức, trách nhiệm của toàn Đảng và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa, bản sắc dân tộc, truyền thống dân gian, tạo cơ sở củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, sinh thời, Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với phát triển đất nước.
Theo Người, văn hóa chính là hồn cốt của một dân tộc - là những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển.
Phát triển văn hóa phải được xem là một trong những đột phá quan trọng nhất để bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước. Cũng vì ý nghĩa quan trọng đó mà cách đây trên 7 thập niên, Bác Hồ khẳng định “Văn hóa soi đường quốc dân đi.”
Thực hiện tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách về văn hóa, trong đó có việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Trân quý những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, sự đa dạng văn hóa trong tổng thể chung của văn hóa Việt Nam, ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.”
Gần 13 năm qua, trên khắp mọi miền Tổ quốc, ở các địa phương từ miền núi đến đồng bằng, từ biên giới tới hải đảo, bằng các hoạt động thiết thực, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” đã lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thực sự trở thành ngày hội lớn để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống, trong không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên khắp các vùng, miền, qua đó góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế…”
Việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là minh chứng sống động trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ được khơi dậy từ không gian văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc; các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc sẽ tiếp tục được quan tâm bảo tồn, trao truyền và phát huy, không chỉ trở thành một tài sản tinh thần cho con cháu, mà còn là một tài nguyên vô tận, là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021. Chương trình có 4 chương, chia làm 4 chủ đề khác nhau, gồm: “Tìm về nguồn cội,” “Vầng dương chiếu rọi,” “Khát vọng” và “Chung một mái nhà.”
Trong đó, “Tìm về nguồn cội” với phần biểu diễn thể hiện những nét văn hóa đặc sắc, giới thiệu thêm một số phong tục, tập quán trong sinh hoạt văn hóa đã được UNESCO ghi nhận là Di sản Văn hóa thế giới như hát xoan, hát quan họ, ca trù, hát văn…
Chương II "Vầng dương chiếu rọi” với các hình thức diễn xướng về văn hóa các dân tộc Việt Nam, tạo cho người xem khám phá nét văn hóa độc đáo của một số di sản văn hóa các dân tộc tiêu biểu đại diện vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc như dân tộc Thái, Mông, Dao, Lô Lô, Tày, Nùng, Khơ Mú… Những di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh sẽ được tôn vinh theo dòng chảy lịch sử của dân tộc...
Chương III “Khát vọng” là một tổng hợp ca múa nhạc được chọn lọc từ các làn điệu dân ca, những câu ca dao, điệu múa, nghi lễ, bài hát mang âm hưởng dân gian, tính chất vùng miền...
Trong đó, nổi bật với những câu hò xứ Nghệ, hò khoan Lệ Thủy, nghệ thuật cung đình Huế, hát bả trạo, ca bài chòi, đờn ca tài tử… là những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân miền Trung, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và miền Nam, đề cao vai trò của văn hóa các dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây Tổ quốc.
Với chủ đề “Chung một mái nhà,” phần kết của chương trình nghệ thuật là tiết mục biểu diễn thể hiện như một biểu tượng của sự đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tất cả đang cùng chung một mái nhà, cùng nắm tay múa xòe và cùng cất vang tiếng hát…/.
Theo TTXVN