Đặc sắc chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam
(BDO)
Tiết mục "Kể chuyện sông Hồng" với sự thể hiện của Dương Minh Chính (Violin, trái), Hà Miên (Cello, phải) và Huy Phương (Piano).
Tối 25/8, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hàng Bài, Hà Nội) diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sóng nhạc Hồ Gươm xanh," do Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2023.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến dự và tặng hoa các nghệ sỹ tham gia chương trình.
Phát biểu tại chương trình, Thiếu tướng-Nhạc sỹ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam nhấn mạnh âm nhạc là sợi dây vô hình kết nối tình yêu thương giữa con người với con người, giữa các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn, Ngày Âm nhạc Việt Nam - ngày hội tôn vinh nền âm nhạc Việt Nam, hội tụ và lan tỏa những điều tốt đẹp nhất với tất cả mọi người.
Ngày Âm nhạc Việt Nam nhắc chúng ta phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm âm nhạc hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng.
Cùng các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và xây dựng, phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Những người làm công tác âm nhạc bày tỏ mong muốn Ngày Âm nhạc Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp công chúng để cùng đưa Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành Ngày Âm nhạc của toàn dân, nhạc sỹ Nguyễn Đức Trịnh bày tỏ.
Chương trình nghệ thuật “Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” được chia làm 3 phần với những điểm nhấn quan trọng.
Phần 1 có tiêu đề: “Sóng đàn Thăng Long” tôn vinh các tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc và ca khúc mang âm hưởng dân ca, thể hiện tính kế thừa truyền thống, phản ánh một phần bức tranh của âm nhạc Việt Nam thời kỳ trước, làm nền tảng cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Đó là tác phẩm “Đất nước thái hòa” do Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi sáng tác và chỉ huy; ca khúc “Tiếng đàn bầu” sáng tác Nguyễn Đình Phúc, thơ Lữ Giang; “Một thoáng Tây Hồ," sáng tác Phó Đức Phương; “Suy tư," sáng tác Mai Phương; “Đi săn," sáng tác Triệu Tiến Vượng.
Phần 2 có tiêu đề: “Kể chuyện sông Hồng” gồm những tác phẩm viết theo phong cách thính phòng cổ điển cho thấy sự hội nhập và phát triển của âm nhạc trong việc tiếp thu tinh hoa của âm nhạc thế giới một cách có chọn lọc, để xây dựng nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đó là các tác phẩm “Bài ca Hà Nội," sáng tác Vũ Thanh; “Kể chuyện sông Hồng," sáng tác Huy Du; “Trời Hà Nội xanh," sáng tác Văn Ký; “Hát ru," sáng tác Hoàng Dương; “Tình yêu Hà Nội," sáng tác Hoàng Vân.
Phần 3 với tiêu đề: “Những giai điệu mãi xanh” là những tác phẩm đi cùng năm tháng, gắn liền với nhiều sự kiện, lịch sử của đất nước như một cuốn biên niên sử bằng âm thanh, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu giữa con người với con người và thiên nhiên tươi đẹp.
Liên khúc “Chiến sỹ biên thùy và Hành khúc Công an Nhân dân," sáng tác Tô Hải-Trọng Bằng; “Mười chín tháng Tám," sáng tác Xuân Oanh; “Giải phóng Điện Biên," sáng tác Đỗ Nhuận; “Tiến về Hà Nội," sáng tác Văn Cao; “Việt Nam ơi! Mùa Xuân đến rồi," sáng tác Huy Du…
Đêm nhạc “Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” khép lại với bài hát “Mừng ngày Âm nhạc Việt Nam," do nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân sáng tác.
Chương trình “Sóng nhạc Hồ Gươm xanh” do Phó Giáo sư, Tiến sỹ-Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chỉ đạo nghệ thuật; Thiếu tướng-Nhạc sỹ Đức Trịnh tổng đạo diễn với sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Phương; các Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Tạ Minh Tâm, Quốc Hưng; các ca sỹ Anh Thơ, Trọng Tấn, Diệu Thảo; nghệ sỹ cello Hà Miên… và Dàn nhạc Dân tộc-Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Big band-Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
Cùng với chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Thủ đô Hà Nội, Ngày Âm nhạc Việt Nam năm nay được Chi Hội Nhạc sỹ Việt Nam ở nhiều địa phương trong cả nước tổ chức tại: Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Bình Phước, Bình Dương, Phú Yên, Đồng Tháp, Cà Mau, Đắk Lắk…/.
Theo TTXVN