Đã tới thời điểm thay đổi cơ chế điều hành lãi suất?

Thứ hai, ngày 20/05/2013

Hiện số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn rẻ rất ít hoặc có vay được nhưng chưa phát huy hiệu quả. Chính vì vậy, làm thế nào để khơi thông được dòng tiền cho doanh nghiệp phát triển là vấn đề mấu chốt hiện nay.

Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tại hội thảo  “Ngân hàng và Doanh nghiệp - Giải pháp dòng tiền” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn tổ chức ngày 20-5 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI đặt ra một số vấn đề như tình trạng hàng tồn kho có được cải thiện nhưng không đáng kể vì doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào các dòng tiền bên ngoài và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn khó khăn. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động mà nguyên nhân cốt lõi là do vốn vay.

  Ảnh minh họa.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam khẳng định, nền kinh tế nước ta đang trong quá trình phục hồi nhưng chưa thể tăng trưởng như kỳ vọng, khi nợ xấu chưa được giải quyết và doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Thiên cho rằng, vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn rẻ rất ít. Để giải quyết khó khăn, doanh nghiệp cần phải thường xuyên có cách sử dụng dòng tiền hiệu quả để nguồn vốn vay từ ngân hàng phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn.

“Thực tế hiện nay không phải ngân hàng không muốn cho vay mà do rủi ro quá lớn khi chất lượng kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao. Vì vậy, nhiều chuyên gia đề xuất nên thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm để cứu các doanh nghiệp, thay vì hoàn toàn trông chờ vào dòng tiền từ ngân hàng như hiện nay,” ông Thiên lưu ý.

Đồng tình với quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Viết Mạnh cho rằng lãi suất không phải là khó khăn với một số doanh nghiệp. Nhưng đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, lãi suất 0% thì vẫn cao, khi đầu ra không có, cho vay 0% thì họ cũng không vay nổi vì không trả được khoản gốc.

Trả lời câu hỏi có nên bỏ trần lãi suất huy động hay không, ông Mạnh cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tiến tới bỏ trần lãi suất, tuy nhiên trong điều kiện hiện tại để ổn định kinh tế vĩ mô thì vẫn cần tới công cụ này.

"Hiện tại do cầu thị trường yếu và bản thân các doanh nghiệp cũng chưa đủ lực, do đó tăng trưởng tín dụng không cao chứ không phải hoàn toàn do khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng", ông Mạnh khẳng định.

Cùng với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay, ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cho biết, Ngân hàng này đang cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như: gói tài trợ vốn lưu động ưu đãi trị giá 2.000 tỷ đồng kéo dài đến hết ngày 31-12-2013 với lãi suất ưu đãi từ 9,9%năm, gói ưu đãi giao dịch tài khoản SeAPlus giảm 50% các mức phí chuyển tiền trong nước.

Theo ông Khánh, hiện thanh khoản của SeABank rất dồi dào, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Hình thức vay tín chấp hay thế chấp còn tùy thuộc vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp khu vực thành thị, SeABank hiện cũng đang chú trọng đến các hộ kinh doanh ở khu vực nông thôn với nguồn vốn vay nhỏ và chính sách lãi suất ưu đãi.

Để tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện trong thời gian tới, chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng, cần thay đổi ngay cơ chế điều hành lãi suất. Theo đó, nên áp trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động. Ngoài ra, phải tập trung nguồn tiền để giải quyết nợ xấu và phải đặt mục tiêu này lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, theo ông Thiên, cũng cần phải tập trung vào tái cơ cấu nhưng chỉ nên tập trung vào một vài tập đoàn chứ không nền dàn trải vì sẽ kém hiệu quả. Ông Thiên cũng nhấn mạnh việc tăng cường quản lý rủi ro và hệ thống quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực giám sát của các nhà quản lý và đưa ra một khuôn khổ pháp lý phù hợp.

Trong khi đó, bà Hằng lại cho rằng, các ngân hàng nên quan tâm hơn đối với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu cứ quan tâm tới doanh nghiệp lớn thì dòng tiền sẽ bị đi lệch. Bà Hằng lấy dẫn chứng, theo nghiên cứu của VCCI thì đa số những doanh nghiệp lớn đều chủ yếu dựa vào vốn của ngân hàng, còn những doanh nghiệp nhỏ do chưa được ngân hàng tin tưởng nên chủ yếu dùng vốn tự có hoặc vốn đi vay của người thân là chính.

Theo TTXVN