Đa số người hút thuốc chưa biết có luật
Sau khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) chính thức có hiệu lực vào ngày 1-5, rất nhiều ý kiến nghi ngại về tính khả thi và sự khó khăn khi triển khai thực hiện. Trong khi đó, tại những nơi cấm hút thuốc được quy định trong luật, người dân vẫn vô tư hút thuốc lá mà không bị phạt, thậm chí họ cũng không hề biết rằng hành vi hút thuốc lá đã được đưa vào luật. Làm thế nào để luật đi vào cuộc sống là câu hỏi đang được đặt ra.
Nhiều người chưa quan tâm đến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.Góc phố Hai Bà Trưng - Quán Sứ, Hà Nội hôm nào cũng là nơi tụ tập đông người. Đây là điểm dừng chân của những bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện K. Một vài người bán hàng rong dựa lưng vào cửa sắt bệnh viện bán nước. Trong lúc chờ đợi, nhiều người chọn chén trà nóng để giải tỏa căng thẳng. Có người vừa uống nước vừa rít thuốc lá liên tục. Mặc dù Bệnh viện K là nơi điều trị cho những bệnh nhân ung thư, trong đó có không ít bệnh nhân ung thư phổi có nguyên nhân từ hút thuốc lá. Nhưng dường như khi hút thuốc trên vỉa hè cổng bệnh viện, người ta quên mất điều này.
Ông Thanh quê ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngồi chờ vợ vào khám bệnh cầm trên tay điếu thuốc lá cháy dở, ông khá ngạc nhiên khi chúng tôi nói về Luật PCTHTL. Ông bảo: “Tôi hút bao nhiêu năm nay rồi, chẳng bỏ được. Mà cũng có thấy ai nhắc nhở không được hút đâu”.
Theo quy định của Luật PCTHTL, những nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn là cơ sở y tế, giáo dục, điểm vui chơi cho trẻ em, nơi làm việc trong nhà, phương tiện giao thông công cộng… Nhưng xem ra, ở các cơ sở y tế và điểm vui chơi cho trẻ em chính là nơi có tình trạng vi phạm nhiều nhất. Đối với quy định cấm bán thuốc cho người dưới 18 tuổi và bày bán duy nhất một bao thuốc cũng đương nhiên chưa được thực hiện. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các điểm bán thuốc lá ở mặt phố vẫn bày bán nhiều bao thuốc lá như mọi khi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay, Thanh tra Sở Y tế đang cùng với các bệnh viện kiểm tra việc cấm hút thuốc lá. Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện triển khai các biện pháp cấm hút thuốc lá trong khuôn viên như: làm biển cấm, nhắc nhở người vi phạm. Để việc cấm hút thuốc cũng như xử phạt có hiệu quả, Thanh tra y tế còn phối hợp với các cơ quan liên ngành để thực hiện.
“Bệnh viện không có chức năng xử phạt hành chính mà chỉ được tuyên truyền, nhắc nhở. Lực lượng liên ngành sẽ phối hợp để phát hiện, xử phạt những người hút thuốc lá sai quy định”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Chánh Thanh tra, việc kiểm tra độ tuổi của người dưới 18 tuổi trong việc mua, bán, hút thuốc lá gặp nhiều khó khăn. Tới đây, lực lượng liên ngành, trong đó có Quản lý thị trường sẽ kiểm tra tại các điểm bán thuốc lá để làm rõ về nguồn gốc, giấy phép kinh doanh...
Sau khi Luật PCTHTL có hiệu lực, nhiều ý kiến bày tỏ sự nghi ngại về tính khả thi và hiệu quả xử phạt. Tuy nhiên, với vai trò là cán bộ quản lý dự án phòng chống tác hại thuốc lá, bà Lê Việt Hoa, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada (Health Bridge Canada) thì cho rằng, Luật sẽ đi vào cuộc sống, nhưng cần phải có thời gian nhất định: “Tôi cho rằng, Luật PCTHTL rất có tính khả thi chứ không phải là khó khả thi. Hút thuốc lá đã trở thành thói quen “thâm căn cố đế” của nhiều người Việt Nam. Dù Luật PCTHTL đã ra đời nhưng hiện nay nếu xử phạt vi phạm, các cơ quan chức năng có thể căn cứ vào quy định xử phạt cũ như: Nghị định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quy định xử phạt trong lĩnh vực y tế. Chúng ta còn phải chờ những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Nhưng tôi cho rằng, quan trọng nhất là phổ biến luật như thế nào. Vì mục đích của luật là giáo dục và răn đe để mọi người sống có ý thức hơn chứ không phải là cố gắng phạt được nhiều. Nếu tuyên truyền tốt thì tính khả thi của luật sẽ cao hơn”.
Bà Hoa cũng cho rằng, từ tháng 8 trở đi, hình ảnh cảnh báo sức khỏe trên bao thuốc lá chiếm 50% sẽ có hiệu quả lớn trong việc tác động đến tâm lý người hút thuốc.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư (Bệnh viện K), hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Mặc dù còn 4% bệnh nhân bị ung thư phổi mà không hút thuốc, nhưng vài người trong số họ đã hít một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hít khói của người hút thuốc lá). 90% bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong 20 năm. Đây là một trong những lý do để người dân từ bỏ dần thói quen hút thuốc lá và các cơ quan chức năng cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực thi Luật PCTHTL.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải có trách nhiệm: Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
(Điều 6, Luật PCTHTL)
Các hành vi bị nghiêm cấm:
1. Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.
2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
3. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.
4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.
5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.
6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
7. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
8. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.
9. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.
(Điều 9, Luật PCTHTL)
Theo CAND