Đã qua những ngày gian khó…

Thứ sáu, ngày 05/11/2021

(BDO) “Phong tỏa, cách ly”, “đông cứng, khóa chặt”, hơn 235.000 F0, hơn 2.400 ca tử vong… những cụm từ không muốn nghe, những con số không muốn biết, nhưng là thực tế đã diễn ra tại Bình Dương trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4, tính đến thời điểm hiện tại. Khó khăn, thách thức, mất mát là vô cùng lớn, nhưng Bình Dương vẫn vững vàng đối mặt, từng bước khống chế, đẩy lùi, kiểm soát, đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới” đã là thành công, thật sự vui mừng, không của riêng ai.


Bước qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh, kỳ vọng Bình Dương tiếp tục vững vàng bước tới, gặt hái thành công trên lộ trình, mục tiêu đã đặt ra. Trong ảnh: Dòng chảy kinh tế sôi động trở lại trên tuyến đường huyết mạch Mỹ Phước - Tân Vạn. Ảnh: PHƯƠNG AN

Nền tảng vững chắc

Năm 2021 đã đi hết hơn 10 tháng, Bình Dương đã phải mất hơn 4 tháng để tập trung toàn lực cho phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân - đó là nhiệm vụ trên hết, trước hết, là mệnh lệnh từ trái tim với sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực cao độ của các cấp, các ngành, địa phương, toàn thể người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) đứng chân trên địa bàn. Cùng với chống dịch, Bình Dương cũng không quên nhiệm vụ thứ hai trong “mục tiêu kép” của Chính phủ đặt ra, giao phó, đó là duy trì sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, dù gặp phải muôn vàn khó khăn.

Thật đáng mừng, kết thúc 3 quý đầu năm 2021, với chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành đầy trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, dù tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế của Bình Dương vẫn đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế vẫn cho thấy nền tảng vững vàng, “chống chịu” bền bĩ trước ảnh hưởng nghiêm trọng, tiêu cực từ dịch bệnh. Trong 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 2,93%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 1,9%, kim ngạch xuất khẩu tăng 26,7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, dù dịch bệnh “rào cản” tứ phía, khó khăn từ trong nước đến toàn cầu, nhưng Bình Dương vẫn thu hút trên 1,5 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng. Không chỉ là số vốn mới đăng ký, nhiều DN đặt nhà máy tại Bình Dương vẫn tăng thêm vốn để mở rộng ngay trong thời điểm dịch bệnh. Đó chính là sự tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư tại Bình Dương.

Ngoài những chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh khó khăn “bủa vây” bởi dịch bệnh, tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm của Bình Dương, cũng cho thấy bức tranh kinh tế đầy lạc quan. Theo đó, tổng thu ngân sách trên toàn địa bàn tỉnh ước thực hiện 47.900 tỷ đồng, đạt 82% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 10% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thu nội địa 32.800 tỷ đồng, đạt 77% dự toán, bằng so với cùng kỳ, thu thuế xuất nhập khẩu 15.100 tỷ đồng, đạt 95% dự toán, tăng 39% so với cùng kỳ.

Đóng góp lớn cho nền kinh tế của tỉnh bao năm qua cũng như trong năm 2021 cần phải đề cập đến vai trò của DN trong cũng như nước ngoài đứng chân trên địa bàn. Trên mặt trận chống dịch, cộng đồng DN tại Bình Dương đã cống hiến vô cùng lớn, từ sức người đến sức của, cơ sở vật chất để cùng với tỉnh đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Để góp phần duy trì, thúc đẩy kinh tế Bình Dương tiếp tục tăng trưởng, ngay trong dịch bệnh với khó khăn bội phần, rất nhiều DN ở tất cả các ngành sản xuất, xuất khẩu vẫn nỗ lực hoạt động, bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động, không để đứt gãy từ sản xuất đến cung ứng.

Lạc quan bước tới

Hình ảnh, thương hiệu Bình Dương trong xây dựng, phát triển nhiều năm qua đã được định hình, gây ấn tượng mạnh trong lòng bạn bè, đối tác trong nước và quốc tế. Nói đến Bình Dương của gần 25 năm tái lập đã qua là nói đến một vùng đất năng động, thuận hòa, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đô thị phát triển ở tốc độ cao.

Cũng vùng đất thuận hòa, đáng sống đó không may ở vào tấm xoáy của đợt dịch bệnh thứ 4. ‘Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Từ một vùng đất vốn dĩ nghèo khó nếu trở ngược với thời gian khoảng 25 năm về trước, người Bình Dương đã đoàn kết một lòng, vươn lên mạnh mẽ, xây dựng quê hương ngày một mạnh giàu. Cũng chính từ sức mạnh đoàn kết, từ Đảng bộ, chính quyền, người dân đến cộng đồng DN vào trận chống dịch quyết liệt, nhanh chóng kiểm soát, trở về với trạng thái “bình thường mới” đã hơn 1 tháng qua.

Hình ảnh, thương hiệu Bình Dương trong xây dựng, phát triển nhiều năm qua đã được định hình, gây ấn tượng mạnh trong lòng bạn bè, đối tác trong nước và quốc tế. Nói đến Bình Dương của gần 25 năm tái lập đã qua là nói đến một vùng đất năng động, thuận hòa, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đô thị phát triển ở tốc độ cao”.

Còn nhớ trong lần gặp gỡ báo chí mới đây, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói rằng, dù dịch bệnh vẫn chưa dứt, công tác phòng, chống vẫn tiếp tục, nhưng áp lực lớn nhất đối với tỉnh nhà hiện tại có lẽ chính là khôi phục, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, lấy lại hình ảnh năng động, phát triển vốn có của Bình Dương. Khó, nhưng vẫn vững tin, không chỉ vì Bình Dương sau gần 25 năm gầy dựng nên một nền tảng vững vàng về mọi mặt, mà đó còn là sự năng động, linh hoạt thích ứng trong mọi hoàn cảnh, với quyết tâm cao, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng DN.

Từ thực tế sản xuất, kinh doanh sau một tháng mở cửa trở lại có thể tin tưởng vào đà hồi phục nhanh chóng. Thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng cho biết đã có hơn 90% DN trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào hoạt động với nhiều phương án phù hợp. Nên biết, Bình Dương có tới hơn 50.000 DN, hơn 1,2 triệu công nhân lao động, trong đó không thiếu những tên tuổi lớn, những thương hiệu mạnh đa ngành, đa quốc gia. Dù chưa khôi phục hoàn toàn, nhưng 90% DN trở lại cũng là nguồn lực rất lớn để đóng góp tăng trưởng chung cho kinh tế tỉnh nhà.

Khởi động lại các hoạt động kinh tế trong điều kiện cho phép, Bình Dương đã bắt nhịp ngày, tận dụng mọi cơ hội có thể. Hỗ trợ, đồng hành với DN, nhà đầu tư đã được Bình Dương thể hiện xuyên suốt bao năm qua, đặc biệt là ngày trong thời gian cao điểm của dịch bệnh. Tinh thần đó đã được DN, nhà đầu tư trong ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao. Và, ngay khi trở lại sau giãn cách, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN, trực tiếp đến tận nhà máy để nắm bắt tình hình, lắng nghe nguyện vọng, đề xuất để xử lý, hỗ trợ kịp thời nhất.

Trong tháng 10 vừa qua, Bình Dương tiếp tục cho thấy sự năng động vốn đã thành thương hiệu mạnh trên chặng đường phát triển đã qua cũng như giai đoạn kế tiếp. Với kết cấu hạ tầng, công trình trọng điểm, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng khởi công trở lại cùng lúc hai đoạn tuyến để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành, phát huy công năng khai thác, phục vụ tốt nhất cho kinh tế - xã hội các địa phương công trình đi qua. Mới đây, Becamex IDC - đơn vị mạnh của kinh tế tỉnh nhà đã xúc tiến ký kết, thúc đẩy hợp tác đầu tư, triển khai xây dựng các dự án thành phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương với các đối tác Nhật Bản, Anh quốc…

Nhịp sản xuất, kinh doanh trở lại, xuất khẩu tăng tốc, dòng chảy đầu tư tiếp tục đổ vào, doanh nhân, nhà đầu tư đặt niềm tin, người dân, công nhân lao động phấn khởi, tất cả chính là sự lạc quan có cơ sở, để Bình Dương tự tin bước tới những mục tiêu văn minh, hiện đại, thông minh đã đặt ra.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bình Dương cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN khôi phục sản xuất, kinh doanh sớm đưa Bình Dương trở lại ổn định và ngày càng phát triển. Cộng đồng DN hãy bỏ lại phía sau những khó khăn, vất vả, nhìn về phía trước, gắn kết với chính quyền để cùng đưa sản xuất đi lên, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.


TRIỆU PHONG