Đa dạng vật nuôi để bổ sung nguồn thịt

Thứ hai, ngày 10/06/2019

(BDO) Bệnh dịch tả heo châu Phi ngày càng lan rộng, nguy cơ thiếu nguồn cung thịt heo đang dần hiện hữu và giá cả thịt heo cũng đang nhích lên từng ngày. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) kêu gọi các địa phương có điều kiện hãy chuyển sang nuôi bò, từng bước hạ giá thành sản phẩm thịt bò để thay thế dần nguồn thịt heo trong bữa ăn hàng ngày. Đây là hướng đi tất yếu của người chăn nuôi ở các địa phương có điều kiện. Tuy nhiên, trong khi chờ phát triển đàn bò, việc trước mắt là phải đa dạng các loại vật nuôi để bổ sung nguồn thịt cho thị trường.

 Để khuyến khích người chăn nuôi phát triển đa dạng các loại vật nuôi nhằm bổ sung nguồn thịt cho thị trường, ngay từ cuối năm 2017, Bộ NN-PTNT đã có tờ trình đề nghị Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 theo hướng tập trung phát triển sản phẩm chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh như heo, bò, gia cầm, đồng thời phát triển sản phẩm chăn nuôi đặc sản vùng miền, địa phương. Căn cứ vào Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều địa phương đã đẩy mạnh phát triển các vật nuôi có lợi thế, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp tại địa phương để hình thành những mô hình chăn nuôi hiệu quả, như: Mô hình trang trại trồng tiêu kết hợp nuôi dê ở Bình Phước; mô hình nuôi cừu thả rông ở Ninh Thuận; mô hình nuôi bò vỗ béo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương…

Tại Bình Phước, đa số các trang trại trồng tiêu hiện nay đều chọn cây keo làm cây trụ sống cho tiêu bám vào. Tận dụng cành lá keo được cắt tỉa hàng ngày, người trồng tiêu dựng chuồng nuôi dê. Từ mô hình thử nghiệm ban đầu đem lại hiệu quả, đến nay đa số các trang trại trồng tiêu tại Bình Phước đều kết hợp nuôi dê. Hiệu quả đem lại từ mô hình này là ngoài việc xuất bán dê thịt, dê giống, nhà vườn còn tận dụng được nguồn phân dê để bón cho vườn cây. Hiện Bình Phước là địa phương cung cấp nguồn thịt dê lớn nhất các tỉnh miền Đông Nam bộ. Còn tại Ninh Thuận, người dân tận dụng những khu vực hoang hóa để chăn nuôi dê, cừu thả rông. Nhiều đàn dê, cừu thả rông theo kiểu du mục tại đây lên đến cả ngàn con, đem lại nguồn lợi lớn cho người dân địa phương.

Riêng tại Bình Dương và Đồng Nai, thời gian gần đây người dân đã biết tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, nguồn thức ăn dư thừa từ các bếp ăn công nghiệp để hình thành mô hình nuôi bò vỗ béo và bước đầu đem lại hiệu quả khá cao. Cùng với mô hình nuôi bò vỗ béo, tận dụng những khu vực đất quy hoạch đang bỏ hoang, nhiều hộ có kinh nghiệm chăn nuôi cũng phát triển đàn trâu, bò lên đến hàng chục con. Tuy nhiên, do diện tích chật hẹp, lại nuôi nhốt trong khu dân cư dễ gây ô nhiễm môi trường, nên những mô hình này không được khuyến khích mở rộng. Dẫu vậy, thành công từ những mô hình này sẽ là hướng mở cho những hộ chăn nuôi nếu biết chọn khu vực phù hợp để phát triển mô hình, góp phần đa dạng, bổ sung thêm phong phú nguồn thịt cho bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng.

LÊ QUANG