Đa dạng sân chơi cho công nhân lao động
(BDO) Cùng với các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, trong năm 2023, công đoàn các cấp trong tỉnh liên tục tạo ra các sân chơi cho công nhân lao động (CNLĐ) tỉnh nhà. Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, hiện các khu vui chơi cho CNLĐ, con em công nhân còn thiếu, chưa tương xứng với thành quả lao động. Nhưng bù lại, nhờ sự linh động trong hoạt động công đoàn, các sân chơi đã phần nào đáp ứng đời sống tinh thần cho người lao động (NLĐ).
Hội thi tiếng hát NLĐ tỉnh Bình Dương năm 2023 là sân chơi hấp dẫn cho CNLĐ
Nâng cao chất lượng các hội thi
Trong 3 tháng gần đây, công đoàn các cấp trong tỉnh liên tục tạo ra các sân chơi cho CNLĐ ở các địa phương, cũng như tại công đoàn cơ sở (CĐCS). Trong đó, có nhiều sân chơi lớn đã và đang được LĐLĐ tỉnh tổ chức, thu hút hàng ngàn lao động tham gia, mang lại ý nghĩa to lớn với CNLĐ về đời sống tinh thần sau giờ làm, như: Hội thi tiếng hát NLĐ tỉnh Bình Dương năm 2023; giải cầu lông - bóng bàn công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh Bình Dương năm 2023; giải bóng đá nam CNVCLĐ tỉnh năm 2023; giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc năm 2023 - khu vực Đông Nam bộ vừa được tổ chức tại Bình Dương.
Tại các giải đấu, hội thi, số lượng các thí sinh, vận động viên tham gia rất đông. Tại mỗi giải, số cổ động viên đến xem, cổ vũ luôn chật kín, tạo ra những ngày hội cuồng nhiệt. Điển hình như hội thi tiếng hát NLĐ tỉnh Bình Dương năm 2023 với chủ đề “Điểm hẹn sau giờ tan ca” đang tiến đến vòng chung kết đã để lại dấu ấn, nhiều kỷ niệm đẹp với CNLĐ. Năm nay, hội thi thu hút trên 200 CĐCS tham gia với gần 400 tiết mục dự thi, bao gồm các thể loại tân nhạc, cổ nhạc, chèo, tuồng... được tổ chức vào tối chủ nhật hàng tuần.
Hay giải thi đấu cầu lông - bóng bàn CNVCLĐ tỉnh có sự tham gia của 1.500 lượt vận động viên đến từ hơn 400 CĐCS trực thuộc cũng vậy. Mỗi ngày chủ nhật hàng tuần, giải thu hút hang trăm lao động từ các huyện, thị về Trung tâm Văn hóa Lao động tỉnh vui chơi, cổ vũ cho đội nhà, tạo nên một sân chơi hấp dẫn. Anh Nguyễn Khắc Dũng (Công ty TNHH Chân Thành), người vừa đạt giải nhất bộ môn cầu lông, nhận định: “Ban tổ chức giải rất chu đáo trong khâu tổ chức từ mặt sân cho đến tổ trọng tài chuyên nghiệp, làm việc công tâm. Bản thân tôi nhận thấy chất lượng các giải đấu cho CNLĐ ngày càng được nâng cao, chuyên nghiệp, tạo ra động lực thi đấu tích cực. Việc này không chỉ tạo sức hút cho các thí sinh dự thi năm sau, tạo ra một sân chơi lớn cho CNLĐ trên toàn tỉnh mà còn thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong CNLĐ”.
Cùng với đó, LĐLĐ các huyện, thị, thành phố, các CĐCS ở các khu, cụm công nghiệp trên toàn tỉnh cũng liên tục tạo ra các sân chơi dành cho CNLĐ như LĐLĐ TP.Tân Uyên, LĐLĐ TP.Thuận An vừa bế mạc giải bóng đá mini nam - nữ CNVCLĐ tại địa phương; LĐLĐ TX.Bến Cát cũng vừa tổ chức thành công giải bóng đá mini nam - nữ Cúp LĐLĐ TX.Bến Cát; hội thi “Tiếng hát cán bộ, công chức NLĐ” năm 2023.
Quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm đến đời sống NLĐ cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện về quỹ đất và kinh phí để tổ chức công đoàn xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cho CNLĐ; qua đó giúp NLĐ gắn bó lâu dài với tỉnh Bình Dương”. Là địa phương có trên 1,3 triệu lao động, trong đó có khoảng 85% là lao động ngoài tỉnh nên nhu cầu được quan tâm chăm lo về đời sống văn hóa tinh thần, các thiết chế văn hóa dành cho công nhân và con em công nhân Bình Dương là rất lớn, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, các mô hình, khu vui chơi cho công nhân và con em công nhân hiện vẫn còn thiếu chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác chăm lo đời sống, nhất là nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ, LĐLĐ tỉnh đề ra các giải pháp, như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cấp công đoàn nghiên cứu hình thức tuyên truyền, thường xuyên đổi mới và đa dạng hình thức, nội dung phù hợp với đặc điểm của cơ sở và tình hình công nhân; phối hợp với ngành văn hóa chỉ đạo các cấp công đoàn tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp và khu vực có đông CNLĐ.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết thêm, các cấp công đoàn cũng nghiên cứu, triển khai các mô hình, phần việc cụ thể về xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ bảo đảm tính thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình để tập trung tổ chức thực hiện, phổ biến và nhân rộng, tạo điểm nhấn và sức lan tỏa. Các đơn vị nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch CĐCS trong việc tham mưu, phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; xây dựng các tiêu chí biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân điển hình, tập thể tiêu biểu, tạo sức thuyết phục của phong trào thi đua trong đoàn viên, CNVCLĐ.
Song song đó, các đơn vị nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn trực tiếp làm công tác phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; chọn lựa cán bộ có trình độ chuyên môn, đủ năng lực, có nhiều ý tưởng, sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa để quy hoạch, cơ cấu, bố trí tương xứng, đáp ứng tốt yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới...
Là địa phương có trên 1,3 triệu lao động, trong đó có khoảng 85% là lao động ngoài tỉnh nên nhu cầu được quan tâm chăm lo về đời sống văn hóa tinh thần, các thiết chế văn hóa dành cho công nhân và con em công nhân Bình Dương là rất lớn, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, các mô hình, khu vui chơi cho công nhân và con em công nhân hiện vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. |
QUANG TÁM