Đa dạng hóa phương thức xuất nhập khẩu

Thứ hai, ngày 15/01/2024

(BDO) Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cho biết đã nhận được đơn hàng mới ngay từ đầu năm 2024. Tuy vậy, dự đoán thời gian tới, xuất nhập khẩu (XNK) của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những hỗ trợ thiết thực, linh hoạt đồng hành từ chính quyền, DN cũng đang tranh thủ tận dụng cơ hội, mở rộng phương thức vận chuyển hàng hóa bằng nhiều hình thức để thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí tối ưu.

 Cả đường sắt, đường bộ và đường thủy đều đang được Bình Dương quan tâm, thúc đẩy để nâng cao năng lực cạnh tranh logistics của tỉnh. Trong ảnh: Hàng hóa tập kết nhiều tại Cảng tổng hợp Bình Dương

 Lợi thế vận chuyển đường sắt

Theo Cục Hải quan Bình Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3.483 DN có hoạt động XNK thường xuyên, đứng thứ 4 cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, dệt may, máy móc, thiết bị phụ tùng… Hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động XNK của tỉnh được đầu tư tương tối đồng bộ, hiện đại, kết nối với các cảng biển lớn thông qua hệ thống giao thông đường bộ và cảng sông quốc tế (Cảng tổng hợp Bình Dương).

Với các lợi thế vận chuyển nhanh chóng, giá thành rẻ, dễ dàng kết nối, các nước đều chú trọng phát triển đường sắt phục vụ phát triển kinh tế. Tận dụng lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, đồng thời trên địa bàn tỉnh có ga liên vận quốc tế Sóng Thần - ga hàng hóa lớn nhất phía Nam, Bình Dương đang nâng cao năng lực, phát huy tiềm năng phục vụ vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế.

Vừa qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Cục Hải quan Bình Dương tổ chức hội nghị xúc tiến hoạt động XNK hàng hóa qua ga liên vận quốc tế cho 150 DN XNK trong tỉnh. Trước đó hai đơn vị cũng đã tổ chức lễ ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc. Sau hơn 3 tháng hoạt động, phương thức xuất khẩu, nhập khẩu mới này đã mang lại hiệu quả, an toàn hơn, tiết kiệm chi phí, có thể dễ dàng tiếp cận các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phụ trợ… của Trung Quốc và các nước thứ ba.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, với các lợi thế vận chuyển nhanh chóng, giá thành rẻ, dễ dàng kết nối, ga liên vận quốc tế Sóng Thần đang nhận được sự quan tâm của nhiều DN. Việc xúc tiến XNK hàng hóa qua ga liên vận quốc tế Sóng Thần giúp DN thêm một phương thức vận chuyển, giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa và bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như khi vận chuyển bằng đường bộ trong thời gian qua, đặc biệt đối với hàng hóa là nông sản, có thời gian bảo quản ngắn, cần thời gian vận chuyển nhanh…

Tăng sức cạnh tranh

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh năm 2022 được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam với thời gian khảo sát hơn một năm, từ tháng 8-2022 đến tháng 11-2023, Bình Dương đứng thứ 3. LCI là chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố về ngành kinh doanh dịch vụ logistics.

Bình Dương hiện là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước với sự hình thành và phát triển 33 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp tập trung gắn kết với việc thu hút các DN, đặc biệt là các DN FDI. Năm 2023, tổng kim ngạch XNK của tỉnh đứng vị trí thứ 4 trên cả nước. Từ lợi thế đó đã tạo điều kiện cho các DN kinh doanh dịch vụ logistics của Bình Dương cũng phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các DN trong tỉnh.

Để ngành logistics phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh, Bình Dương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, nâng cấp các cảng thủy nội địa, đường sắt, hệ thống kho, bãi… Tất cả đang được quy hoạch xây dựng phát triển hợp lý, có khả năng kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga, sân bay quốc tế trong khu vực nhằm bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics được thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đang quyết liệt triển khai, bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với phát triển ngành dịch vụ logistics, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Cả đường sắt, đường bộ và đường thủy trên địa bàn đều đang được Bình Dương quan tâm, thúc đẩy triển khai trong nỗ lực kết nối với các cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia trong vùng.

 Hoạt động XNK năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm nhu cầu ở các thị trường quốc tế, nhất là những đối tác lớn với ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh (gỗ, dệt may, da giày), nhiều nước gia tăng tiêu chuẩn, hàng rào mới đối với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với với sự nỗ lực của các DN xuất khẩu, năm 2023 ước tính xuất siêu 8,8 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 2,5 tỷ USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 6,3 tỷ USD.

 NGỌC THANH