Đa dạng hóa loại hình khu công nghiệp
(BDO) Hiện dòng vốn đầu tư vào công nghiệp vẫn rất lớn. Trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với hơn 4.247 dự án, tổng vốn gần 40,5 tỷ đô la Mỹ. Thu hút đầu tư trong nước cũng đáng chú ý với hơn 67.000 dự án của doanh nghiệp (DN), hơn 738.751 tỷ đồng.
Để tiếp tục thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển DN đầu tư trên địa bàn, Bình Dương đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, Bình Dương quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh, thu hút mạnh dòng vốn FDI… Việc xây dựng và phát triển hệ thống các khu công nghiệp (KCN) luôn được tỉnh quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện.
Năm 2024, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và phát triển đa dạng hóa các loại hình KCN sinh thái, cụm công nghiệp công nghệ cao, khu kinh tế, bảo đảm yêu cầu phát triển của tỉnh, vùng Đông Nam bộ và cả nước. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu phương án dịch chuyển các ngành công nghiệp nặng lên phía bắc. Tăng cường kết nối các khu, cụm công nghiệp để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp. Phát triển các KCN - dịch vụ - đô thị hiện đại và các KCN công nghệ cao, đồng thời nghiên cứu và phát triển khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, hướng đến xuất khẩu, tạo việc làm và thu hút đầu tư từ quốc gia khác trên thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, để thu hút nhiều “đại bàng” hơn, Bình Dương không chỉ cần có các KCN quy mô lớn mà còn phải làm tốt nhiều yếu tố về hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics, kho bãi, cảng cạn, thủ tục hành chính… Đặc biệt, địa phương cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, tay nghề cho các ngành nghề lĩnh vực công nghệ cao.
Hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN tại Bình Dương đa dạng và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Trong giai đoạn mới, Bình Dương định vị một phân khúc mới, đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong các KCN là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của tỉnh.
TRIẾT NHÂN