Đa dạng hóa cây trồng, tăng nguồn thu
(BDO) Với sự nhạy bén về thị trường tiêu thụ, lại sẵn có quỹ đất, nhiều nông dân (ND) ở huyện Bàu Bàng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, xây dựng nhiều mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả. Trong đó, mô hình trồng tre Điền Trúc không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn góp phần đa dạng cây trồng, tận dụng tốt những diện tích đất kém màu mỡ trên địa bàn.
Trồng tre lấy măng
Mấy năm trở lại đây, trên địa bàn xã Cây Trường II, hình ảnh những vườn tre xanh ngắt nằm xen lẫn giữa các vườn cây ăn trái có múi đã trở nên quen thuộc với người dân. Từ những vườn tre ban đầu như của ông Trần Lê Châu, ông Trần Trường Sơn... đến nay đã có nhiều hộ chuyển đổi những diện tích đất bạc màu sang trồng tre lấy măng. Do măng tre là loại thực phẩm sạch, an toàn và chế biến được nhiều món ăn nên thị trường tiêu thụ khá rộng. Ông Trần Lê Châu cho biết với giá bán dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg măng tươi, một ha tre mỗi năm trừ chi phí cũng thu được trên 100 triệu đồng. Hiện gia đình ông có tổng cộng 8 ha tre, mỗi năm thu được gần cả tỷ đồng.
Với đầu ra khá ổn định và quá trình chăm sóc, thu hoạch không quá vất vả như các loại cây trồng khác nên mô hình trồng tre lấy măng thu hút nhiều gia đình tham gia. Hiện nay Hợp tác xã (HTX) Măng tre Điền Trúc đã được thành lập ở xã Cây Trường II với 15 xã viên. Toàn HTX có tổng diện tích khoảng 100 ha, trong đó xã viên ít nhất là 1 ha, nhiều nhất là 8 ha.
Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Măng tre Điền Trúc, cho biết ưu điểm của trồng tre lấy măng là có thể cho thu nhập quanh năm. Đặc biệt, 3 tháng trước và 3 tháng sau Tết Nguyên đán, giá măng trên thị trường luôn cao hơn các tháng còn lại. “Hiện nay có 5 hộ đang làm hồ sơ thủ tục để được chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Đây là một trong những bước đi nhằm khẳng định thương hiệu măng tre Điền Trúc của xã Cây Trường II...”, ông Trần Trường Sơn chia sẻ.
Mô hình trồng tre lấy măng mang lại thu nhập khá cho nhiều nông dân tại huyện Bàu Bàng
Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Bàu Bàng, cho biết thời gian qua, nhiều hộ ND trên địa bàn huyện đã nhạy bén và sáng tạo trong đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã có chỗ đứng trên thị trường và mang lại thu nhập ổn định cho người dân nông thôn như bưởi da xanh, dưa leo rừng muối, tổ yến sạch tinh chế, măng tre... Những mô hình kinh tế như trồng tre lấy măng ở xã Cây Trường II không những xanh hóa nguồn đất bạc màu mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy phong trào ND sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang.
Theo UBND huyện Bàu Bàng, đến nay trên địa bàn huyện có 13 HTX với 96 thành viên, vốn điều lệ gần 64 tỷ đồng; trong đó có 3 HTX nông nghiệp, tổng doanh thu năm 2022 ước đạt 8,308 tỷ đồng. Nhìn chung, các HTX hoạt động ổn định, một số HTX đã vươn lên tổ chức sản xuất, kinh doanh với mô hình hoạt động đa dạng hơn.
Ngoài ra, toàn huyện hiện có có 6 tổ hợp tác (THT), với 57 tổ viên, vốn đầu tư ban đầu là 2,714 tỷ đồng. Các THT trên địa bàn huyện chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với ngành nghề chủ yếu là trồng trọt, được thành lập từ các tổ chức chính trị - xã hội của xã như Hội ND, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Các THT đã tạo việc làm cho một bộ phận lao động ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho các thành viên.
Trong thời gian tới, huyện Bàu Bàng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, huyện thực hiện tốt việc chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con khác có hiệu quả cao hơn; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung quy mô lớn gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP) và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp.
ĐÌNH HẬU - PHÚ HÀO