Cựu Thủ tướng Italia, Silvio Berlusconi: Sa cơ, không nản chí
Nhà tài phiệt kiêm chính trị gia lừng danh Silvio Berlusconi ở tuổi 77 đã bị kết án lao động khổ sai. Từ năm 1994 tới nay, ông Berlusconi đã ba lần ngồi lên ghế Thủ tướng Italia (1994-1995, 2001-2006 và 2008-2011). Cú ngã ngựa ở tuổi “cổ lai hy” có lẽ là rất đau đớn đối với ông nhưng vẫn không hề làm ông nản chí. Ngày 9-5 ông bắt đầu thực hiện chức phận tù nhân của mình tại Trại dưỡng lão Cesano Boscone ở ngoại ô Milan.
Silvio Berlusconi là người sáng lập và cũng là cổ đông chính của Tập đoàn Fininvest năm 1978.
Đây là một trong mười công ty tư nhân lớn nhất Italia, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và tài chính. Fininvest hiện đang sở hữu ba trong số bảy kênh truyền hình ở Italia, tức là gần một nửa thị trường truyền hình của nước này. Từ năm 1986, ông đã trở thành chủ nhân của câu lạc bộ bóng đá lừng danh AC Milan, giúp cho đội bóng này giành được rất nhiều danh hiệu vẻ vang trên các đấu trường trong nước và quốc tế. Từ năm 1988, Berlusconi đã mua đứt mạng lưới cửa hàng tổng hợp lớn nhất nước La Stando. Từ năm 1999, ông trở thành đồng sở hữu Nhà xuất bản Arnoldo Mandadori Editore.. Trong đế chế của Berlusconi, ngoài các phương tiện truyền thông và các cửa hàng còn có các hãng bảo hiểm, các quỹ đầu từ và quỹ hưu trí... Theo Tạp chí Forbes, cựu Thủ tướng này là người giàu thứ hai ở Italia với lượng tài sản trị giá gần 10 tỉ USD...
Berlusconi đã thành lập tổ chức Forza Italia chỉ hai tháng trước cuộc bầu cử năm 1994 và nhờ thế, đã lần đầu tiên chiếm được ghế Thủ tướng Italia... Và cũng từ đó, đời ông đã phải trải qua không ít thăng trầm lên voi xuống đất... Sự cố vừa qua không phải là lần đầu tiên, khi ông Berlusconi bị trục xuất khỏi đỉnh Olympus chính trị của Italia. Là một trong những nhân vật có thế lực nhất quốc gia nhưng ông Berlusconi đã bị tới 50 lần khởi tố hình sự. Ông đã bị buộc tội gian lận, tham nhũng, hối lộ, những vụ phạm tội tình dục... Tuy nhiên, cho tới nay tòa án Italia vẫn chưa tìm được đủ chứng cớ để đưa ông vào tù...
Những xung đột đầu tiên của ông Berlusconi với hệ thống tư pháp Italia bắt đầu ngay từ năm 1994, khi Tập đoàn Fininvest, thuộc sở hữu của chính trị gia Italia này, bị nghi ngờ đã hối lộ các sĩ quan cảnh sát tài chính. Khi đó, Silvio Berlusconi đã bị kết án 33 tháng tù giam, nhưng rồi tòa phúc thẩm đã ra phán quyết tha bổng ông.
Năm 2006 đã bắt đầu phiên tòa xử Luật sư David Mills. Trong vụ án đó, ông Berlusconi bị cáo buộc đã hối lộ chính luật sư riêng của mình. Nhà chính trị gia này đã chuyển vào tài khoản của Luật sư David Mills 600 nghìn USD. Các nhà điều tra coi đó là khoản tiền hối lộ để luật sư khai man. Tuy nhiên, ngày 25-2-2012, tòa án Milan lại ra phán quyết về việc ông Berlusconi sẽ không bị trừng phạt bởi đã hết hạn thời gian đối với vụ phạm tội này...
Tháng 2-2011, tại tòa án ở Milan đã bắt đầu một trong những vụ xử gây nên nhiều chấn động nhất trong lịch sử, được ghi lại như “vụ tai tiếng Ruby”. Các điều tra cáo buộc cựu Thủ tướng Italia đã dan díu với một gái mại dâm kiêm múa bụng theo kiểu Arab ở độ tuổi vị thành niên người Marocco tên là Karima al-Maruga (biệt danh: nữ sát thủ đàn ông Ruby). Hồ sơ về các cuộc hoan lạc tại biệt thự ở Arcore với phong cách thoát y theo nhịp điệu Bunga - Bunga, đã được tô vẽ bởi rất nhiều chi tiết. Tòa án đã phải bắt đầu một vụ xét xử mới. Những người từng tham gia các tối vui tại biệt thự của ông Berlusconi đều đồng thanh tuyên bố rằng, đã không có gì quá đà diễn ra. Trong khi đó, hơn hai mươi cô gái, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên, đã không phủ nhận rằng, hằng tháng họ đều nhận được từ cựu Thủ tướng Italia những khoản tiền lớn. Các thẩm phán cho rằng những khoản tiền trả cho các cô gái để thanh toán công cho các dịch vụ ân ái và tới tháng 6-2013, đã kết án ông Berlusconi bảy năm tù giam...
Song song với vụ tai tiếng Ruby này, cơ quan tư pháp Italia còn tiến hành một cuộc điều tra nữa về những gian lận tài chính trong Công ty Mediaset cũng thuộc quyền sở hữu của ông Berlusconi. Rốt cuộc là cựu Thủ tướng Italia đã phải nhận thêm bản án bốn năm tù giam. Các tờ báo cánh tả ở Italia khi đó đã đua nhau giật tít: “Thời đại Berlusconi đã chấm dứt!”.
Tuy nhiên, theo pháp luật Italia, một bị cáo ở độ tuổi cổ lai hy chỉ có thể bị kết án tù thực nếu vì duy nhất tội sát nhân. Và hình phạt tối đa có thể đe dọa sự an nguy của ông Berlusconi chỉ có thể là một năm chịu án tù treo hoặc phải đi lao động khổ sai công ích. Và nếu phải chịu loại hình phạt thứ hai thì còn có thể được dịch chuyển khá thoải mái. Các luật sư của ông Silvio Berlusconi đã chuyển tới các thẩm phán mong muốn từ vị khách hàng danh giá của họ: “Tôi muốn lấy lại tinh thần bằng cách giúp đỡ người khuyết tật về thể chất...”. Tòa án Milan đã đáp ứng nguyện vọng của ông Berlusconi bằng cách phán quyết cho ông hình phạt là phải xuống nhà dưỡng lão dành cho những người khuyết tập lớn tuổi lao động khổ sai trong vòng mười tháng. Khi hay biết thông tin này, các cơ quan dịch vụ xã hội ở Italia đã tổ chức một cuộc thi các đề xuất. Họ đã gửi phiếu thăm dò ý kiến tới nhiều nhà dưỡng lão, trung tâm phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy, cũng như tới các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hay các trung tâm phục vụ người tị nạn và người vô gia cư...
Trong giấy mời tới làm việc từ linh mục Antonio Mazza, lãnh đạo Trung tâm Phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy ở Milan, có ghi: “Tôi thực sự mong muốn để Silvio đến với chúng tôi - không phải vì ác ý, mà để giúp ông ấy cứu chuộc tội lỗi của mình. Ông ấy sẽ thức dậy vào buổi sáng, dọn giường, làm sạch nhà vệ sinh và đi hái cà chua. Tất cả những việc này sẽ diễn ra trong im lặng, tránh xa những người hâm mộ quen thuộc. Một cái gì đó trong sâu thẳm tâm hồn ông ấy vẫn có thể được cứu rỗi và ông ấy sẽ phải làm việc vì nó...”. Đồng thời, vị linh mục cũng nhận xét rằng, ông sẽ không để cho cựu Thủ tướng được tiếp cận với những cô gái bán hoa cũ hiện đang trải qua quá trình phục hồi nhân phẩm trong trung tâm. Linh mục Antonio Mazza giải thích: “Biết rõ mức độ háo hức mà Silvio có thể tạo nên ở mọi người thì cũng rất dễ hiểu rằng, ông ấy có thể trở thành một uy tín quá lớn ở những người phụ nữ như thế...”.
Cuối cùng thì địa điểm cải tạo và có thể cải tạo tốt cựu Thủ tướng Italia đã được lựa chọn là nhà dưỡng lão ở Lombardy, gần Milan. Tuy nhiên, người Italia tin rằng, ông Berlusconi kiểu gì thì cũng tránh được cảnh phải phục vụ trực tiếp những người cao tuổi và những người tàn tật. Bởi lẽ, một cự phú ở tầm cỡ cựu Thủ tướng Italia thì ông hoàn toàn có thể không cần phải tới trực tiếp bón thức ăn hoặc dọp dẹp vệ sinh phòng ốc mới giúp được những người khốn khổ mà sẽ sử dụng những đồng tiền mà ông có cho mục tiêu này...
Thắng lợi chính của ông Berlusconi trong tất cả những rắc rối hình sự vừa qua chính là việc ông đã không bị cấm hoạt động chính trị. “Người bất bại” đã ngay lập tức đưa ra lời hứa hẹn với lực lượng ủng hộ ông là: “Tôi sẽ quay trở lại và giành chiến thắng!”. Giovanni Toti, cố vấn chính trị của cựu Thủ tướng Italia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Unita rằng, trong cuộc bầu cử sắp tới 25-5 vào Nghị viện châu Âu, dẫn đầu danh sách các ứng cử viên của tổ chức Forza Italia sẽ chính là ông Berlusconi. Toti nói: “Sẽ chẳng thể có ai ngăn được điều đó đâu!”.
Ở thời điểm hiện tại vẫn chưa ai rõ là làm thế nào mà một ứng cử viên đang là người bị kết tội gian lận tài chính, lại có thể làm việc được trong Nghị viện châu Âu? Bởi vì trong khi thi hành án phạt, ông bị cấm rời khỏi lãnh thổ Italia. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chính trị lại tin rằng, với bản thân ông Berlusconi, câu hỏi này mang ý nghĩa lý thuyết nhiều hơn là thực tế vì cơ hội giành chiến thắng của Forza Italia trong cuộc bầu cử ngày 25-5 là không lớn. Với cá nhân cựu Thủ tướng Italia, việc tham gia có ý nghĩa quan trọng hơn là chiến thắng...
Theo cand