Cứu giới trẻ trước tác hại của thuốc lá

Thứ năm, ngày 25/08/2022

(BDO) Hiện nay đối tượng  ngành công nghiệp thuốc lá hướng tới là giới trẻ. Nhằm ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị của ngành công nghiệp thuốc lá tác động đến giới trẻ Việt Nam, công tác truyền thông được đẩy mạnh nhưng kết quả của quá trình nhận thức đến hành động thì cần thời gian, hành trình dài. 


Các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi, phát nổ và gây ra các chấn thương

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp thuốc lá đã cố tình sử dụng các chiến thuật tinh vi, dùng nguồn lực lớn để quảng cáo thu hút giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá và nghiện chất nicotine. Các tập đoàn công nghiệp thuốc lá trên thế giới đã chi các khoản tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu, thiết kế sản phẩm hấp dẫn nhằm thu hút giới trẻ sử dụng. Cụ thể, ngành công nghiệp thuốc lá giới thiệu các sản phẩm thuốc lá điện tử với nhiều kiểu dáng thiết kế bắt mắt, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi, hương vị mới lạ làm cho giới trẻ coi nhẹ các rủi ro đối với sức khỏe và bắt đầu sử dụng. Đặc biệt, các tập đoàn công nghiệp thuốc lá còn quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) là sản phẩm thay thế các loại thuốc lá thông thường và ít có tác hại hơn. Bên cạnh đó, những tập đoàn này còn tài trợ cho người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên các trang mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm thuốc lá mới cho thanh niên; Tiếp thị, cung cấp các tài liệu và hộp trưng bày thể hiện thương hiệu sản phẩm thuốc lá tại các điểm bán hàng, nơi thanh thiếu niên thường lui tới để dễ dàng tiếp cận như quán café, quán bar… 

Với chiêu bài khác nhau các tập đoàn lừa dối người dùng bằng cách quảng cáo thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá, khói thuốc thải ra không độc hại, không chứa nicotine. Tuy nhiên, thực tế thuốc lá điện tử hay bất cứ loại thuốc lá nung nóng, shisa... đều chứa chất gây nghiện là nicotine. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng nghiện chất nicotine chỉ sau khi hút vài điếu và trở thành người nghiện khi bước vào tuổi trưởng thành. Trong khi đó, thanh thiếu niên thường chưa nhận thức đầy đủ tính chất gây nghiện của thuốc lá cũng như các nguy cơ bệnh tật từ việc hút thuốc nên thường đánh giá thấp nguy cơ nghiện nicotine của mình. 


Tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá tại công ty trên địa bàn TX.Tân Uyên 

Hút thuốc càng sớm, bệnh tật càng sớm và gây hậu quả càng nặng nề. Hút thuốc ở trẻ em là nguyên nhân làm tăng khả năng nhiễm các tệ nạn xã hội khác như ma túy, rượu… Các chuyên gia y tế cảnh báo, thuốc lá liên quan tới 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, liên quan đến các căn bệnh như: phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, ung thư... Có đến trên 90% người bệnh ung thư phổi hút thuốc lá. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 26 lần so với người không hút thuốc. Khảo sát trong 15 năm nay cho thấy số người hút thuốc lá ở Việt Nam có giảm, nhưng mức giảm khá thấp. Bộ Y tế, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đã có rất nhiều hoạt động nhằm làm giảm dần số người hút thuốc lá, nhưng số lượng giảm rất ít. Nhờ những hoạt động truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá, 50% số người hút thuốc được hỏi cho biết họ đã nhận được lời khuyên bỏ thuốc lá từ các thành viên gia đình mình trong vòng 6 tháng trở lại đây, 70% số người hút thuốc nói rằng họ đã cố gắng bỏ thuốc và 61% người không hút thuốc nói rằng họ đã khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc. Kết quả của quá trình nhận thức đến hành động và kết quả của hành động lại là một hành trình dài. 

Khói thuốc lá điện tử có chứa các chất độc hại: gồm aceton, acrolein, acetaldehyde, formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA) và kim loại (nồng độ chì, crom, niken và fomandehit được tìm thấy trong khói của một số sản phẩm thuốc lá điện tử ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu truyền thống). Đặc biệt, các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và phát nổ gây ra các chấn thương, bỏng nghiêm trọng (miệng, mặt, cổ, mắt mũi, xương hàm, cổ). Thống kê tại Hoa Kỳ từ năm 2015 đến 2017, ước tính có khoảng 2.035 vụ nổ thuốc lá điện tử và các tổn thương do bỏng tại các khoa cấp cứu của bệnh viện Hoa Kỳ. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015, trong đó nam giới tăng 14 lần, nữ giới tăng 10 lần và tập trung chủ yếu ở thanh, thiếu niên và tuổi bắt đầu hút thuốc đang ngày càng trẻ hóa.

HOÀNG LINH –QUỲNH TRANG