Cuối tháng 4 và đầu tháng 5, Tây nguyên và Nam bộ bớt khô hạn
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, không khí lạnh tăng cường đang suy yếu dần, vùng thấp phía tây có khả năng phát triển trở lại và mở rộng dần sang phía đông.
Dưới tác động của vùng áp thấp nóng phía tây, các tỉnh phía bắc trời chỉ còn se lạnh về đêm và sáng, ban ngày trời hửng nắng và nhiệt độ tăng nhẹ. Khu vực Nam bộ do nằm ở rìa nam hệ thống thời tiết phân tích trên, đồng thời khối khí nóng vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại, do vậy cuối tuần thời tiết khu vực này khá ổn định, ban ngày trời nắng, chiều tối và đêm có mưa rải rác.
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)Tại các tỉnh Bắc bộ, năm nay mùa mưa đến sớm hơn bình thường, tổng lượng mưa các tháng nửa đầu mùa (từ tháng 5 đến tháng 7) cao hơn một ít so trung bình nhiều năm; nửa cuối mùa (từ tháng 8 đến tháng 10) ở mức gần với trung bình nhiều năm. Các đợt mưa lớn sẽ tập trung từ tháng 5 đến tháng 7.
Tình trạng thiếu mưa và khô hạn tại Tây nguyên và Nam bộ có khả năng đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5 sẽ dần được cải thiện do mùa mưa đến sớm hơn so với bình thường. Lũ tiểu mãn trên các sông ở Bắc Bộ sẽ xuất hiện vào khoảng từ ngày 15 đến 20-5, sớm hơn trung bình nhiều năm (22-5), đỉnh lũ tiểu mãn trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng là 27,5 m; hồ Sơn La 3.500 m3/giây; hồ Tuyên Quang 1.200 m3/giây; trạm Phả Lại 2 m; các trạm Ðáp Cầu, Phủ Lạng Thương, Lục Nam khoảng 2,2 m.
Những tháng tiếp theo của mùa khô năm nay, dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận và Tây Nguyên tiếp tục giảm và luôn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ 10-30%. Riêng Bình Thuận thấp hơn 40-50%; tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra gay gắt hơn, rộng hơn ở Bình Thuận, Ðác Lắc, Ðác Nông, Gia Lai... và kéo dài tới cuối tháng 4.
Tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận, dòng chảy trên hầu hết các sông đều có xu thế giảm dần đến cuối tháng 8 và hụt hơn so TBNN 40-50% cùng kỳ, có nơi thấp hơn. Tình trạng thiếu nước, khô hạn tiếp tục xảy ra trên diện rộng và kéo dài đến cuối tháng 8. Xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển. Ngoài ra, mùa lũ năm 2013 trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm. Ðỉnh lũ năm 2013 trên hầu hết các sông đều cao hơn đỉnh lũ năm 2012, cần đề phòng lũ lớn có thể xảy ra trên một số sông, suối nhỏ.
Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, đầu năm 2013, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện rất sớm ở phía nam Biển Ðông. Vì vậy, trong mùa mưa, bão, lũ năm 2013, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp. Các địa phương cần chủ động đề phòng bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc bộ và Tây nguyên.
Ðến nay, Dự án Hợp phần di dân, tái định cư hồ chứa nước Nước Trong Quảng Ngãi đã giải phóng mặt bằng 1.296 ha khu vực lòng hồ và cụm công trình đầu mối, với tổng kinh phí bồi thường là 161,37 tỷ đồng. Ðã có sáu khu tái định cư và một điểm tái định cư cho các hộ dân di dời cơ bản hoàn thành; xây dựng hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 344 nhà ở kiên cố và 28 công trình phúc lợi... Năm 2013, chủ đầu tư và các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh công tác kiểm kê, lập và trình duyệt các phương án bồi thường còn lại của dự án; thu dọn 56 ha lòng hồ; tiếp tục xây dựng 121 nhà ở kiên cố... Dự kiến, nguồn vốn năm 2013 lên đến 381 tỷ đồng.
Năm 2013 - năm cuối cùng Quảng Ngãi phải hoàn thành toàn bộ dự án. UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu phải huy động tổng lực để thực hiện hoàn thành Dự án này trước mùa mưa, bão năm nay. Ðặc biệt, chú trọng hoàn thành xây dựng nhà ở, công tác tái định canh, tạo quỹ đất sản xuất cho các hộ dân trong vùng dự án sớm ổn định cuộc sống.
Sau nhiều ngày có mưa liên tục tại lâm phần rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) làm cho rừng từ nguy cơ cháy ở mức báo động cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) xuống ở mức báo động cấp 3. Nhiều nơi mưa to, mực nước dưới chân cây rừng lên tới 0,3 m. Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng theo chế độ trực 24/24 giờ vẫn tiếp tục duy trì. Hiện nay, trong lâm phần rừng tràm U Minh Hạ có 700 người dân địa phương tình nguyện trực chữa cháy rừng, hơn 300 nhân viên kiểm lâm làm vai trò nông cốt.
Tại tỉnh Hà Nam, hiện nay trên một số giống lúa đã xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại, cục bộ có những diện tích bị bệnh 10-15% số lá. Dự báo mức độ gây hại của bệnh đạo ôn sẽ gia tăng mạnh trong thời gian. Ðể hạ thấp nhất tỷ lệ thiệt hại, các huyện và nông dân cần chủ động kiểm tra, giám sát đồng ruộng; những diện tích lúa bón phân mất cân đối, lúa có mầu xanh đậm, nếu thấy xuất hiện các vết bệnh hình thoi, mầu xám tro thì phải tranh thủ thời tiết tạnh, khô, tổ chức phun trừ bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu theo phương châm "4 đúng"...
Theo Chi cục BVTV tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này đã có gần 200 ha lúa đông xuân bị bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại, với mật độ trung bình 100-200 con/m2, nơi cao 800-1.000 con/m2, cục bộ 1.500-2.500 con/m2. Chi cục chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh như dùng các loại thuốc đặc trị; đồng thời khuyến cáo nông dân thời điểm phun thuốc thích hợp nhất là chiều mát hoặc sáng sớm. Trước khi phun thuốc, nếu có điều kiện nên cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao, dễ trúng thuốc hơn. Ðặc biệt, là không phun thuốc lúc cây lúa đang nở hoa thụ phấn.
Hiện nay, bệnh phấn trắng đang bùng phát mạnh và lây lan trên diện rộng tại hầu hết các vườn cây cao-su của tỉnh Quảng Bình, với hơn 1.100 ha trong tổng số 17 nghìn ha cao-su bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ bệnh phổ biến 10-15%, nơi cao 20-25%, cục bộ 40-50%. Nguyên nhân bệnh phấn trắng bùng phát là do ảnh hưởng của kiểu thời tiết ngày nắng nóng, đêm và sáng sớm lại có sương mù, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu, bệnh trên cây cao-su phát triển và lây lan nhanh.
Sau gần hai tháng tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, đến nay dịch lợn tai xanh đã được khống chế trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị. Trước đó, đại diện lãnh đạo Cơ quan Thú y vùng 3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi tỉnh, Chi cục Thú y và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Triệu Phong, Hải Lăng đã đi kiểm tra kết quả công tác phòng, chống dịch lợn tai xanh. Kết quả kiểm tra cho thấy dịch lợn tai xanh được khống chế vì đã qua 21 ngày, trên địa bàn không còn lợn bị bệnh tai xanh.
Tỉnh Bạc Liêu tăng cường quản lý đàn vịt chạy đồng tại vùng trồng lúa đông xuân vừa thu hoạch để có kế hoạch tiêm phòng vắc-xin. Ngay trong tuần đầu tháng 4, đã tiêm phòng 22 nghìn liều vắc-xin cho đàn gia cầm; kiểm dịch vận chuyển gần 5.000 gia súc, hơn 28.000 con gia cầm; 487.000 trứng gia cầm; tổ chức phun xịt tiêu độc khử trùng chuồng trại được 145.000 m2. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, hiện người dân Bạc Liêu còn rất chủ quan với dịch, vẫn buôn bán gà, vịt tràn lan tại các chợ.
UBND thành phố Cần Thơ tổ chức quán triệt đến chính quyền cấp huyện, xã không được chủ quan, lơ là đối với sự tái phát của dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; kiện toàn và duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp để chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Hiện thành phố đã tiêm vắc-xin phòng cúm H5N1 cho thêm 250 nghìn con gà, vịt, nâng số lượng gia cầm được tiêm phòng lên 1,6 triệu con. So tổng đàn, tỷ lệ gia cầm được tiêm phòng đạt gần 80%.
Theo Báo Nhân Dân