Cuối năm, tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết
(BDO) Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết dự báo từ nay đến cuối năm bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn còn tăng cao. Thực tế, bệnh cũng đang được ghi nhận tăng tại các cơ sở y tế. Trong khi đó, việc phòng bệnh SXH quan trọng vẫn là ý thức người dân. Vì thế, để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và giảm ca bệnh trong cộng đồng, mỗi người, mỗi nhà nên tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng hiệu quả...
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Cuối năm, công việc bộn bề nhưng anh Trần Văn Đức ở khu phố 5, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một phải xin nghỉ cả tuần để ở nhà chăm 2 đứa con bị bệnh SXH phải điều trị tại bệnh viện. Anh cho biết, dù gia đình vẫn thực hiện vệ sinh nhà cửa thường xuyên, súc rửa các vật dụng chứa nước hàng tuần, ngủ mùng đầy đủ nhưng không biết vì sao con anh cũng bị bệnh. Cách đó một tuần, một người hàng xóm nhà anh cũng bị bệnh SXH mới hết thì đến 2 đứa con nhà anh. Anh nói, có thể đây chính là nguồn lây bệnh cho 2 đứa con của anh.
Tại Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất nhiều bệnh nhi đến khám, được chẩn đoán bị SXH nên phải nhập viện theo dõi, điều trị. Có những em bé chỉ mới mười mấy tháng tuổi đã bị bệnh nên người nhà hết sức lo lắng. Không giống như người lớn hay trẻ em đã biết nhận thức, việc chăm sóc các em nhỏ như thế này rất khó khăn. Người bệnh bị SXH thường chỉ điều trị hỗ trợ vì không có thuốc điều trị đặc hiệu và bao giờ bác sĩ cũng khuyên người nhà nên cho người bệnh uống nhiều nước, bù nước thường xuyên. Với trẻ nhỏ, khi bị bệnh thường mệt mỏi, quấy khóc và không chịu uống nước đầy đủ, nên các em dễ dẫn đến hạ tiểu cầu, gây khó khăn cho việc điều trị. Bà Hà Thị Nga, ở huyện Dầu Tiếng đang nuôi cháu nội 18 tháng tuổi bị bệnh SXH điều trị tại Khoa Nhi, cho biết: “Cháu nhà tôi bị SXH 2 hôm rồi mà mỗi lần cho cháu uống nước rất khó. Còn nhỏ nên mình nói cháu không biết nghe lời, bác sĩ nói uống ít nước tiểu cầu hạ rất nguy hiểm...”.
Bệnh SXH có thể phòng được bằng cách giữ gìn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi. Do vậy, ngành y tế luôn khuyến cáo người dân “phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh”. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà chia sẻ người nhà nên dành ra 15 - 30 phút mỗi ngày để thực hiện vệ sinh nhà cửa, súc rửa các vật chứa nước thường có lăng quăng trong nhà, đập bỏ những vật chứa nước không cần thiết quanh nhà... để muỗi không có điều kiện sinh sản, phát triển.
Ý thức phòng bệnh trong phòng, chống bệnh SXH luôn được nhắc đến bởi thực tế nhiều người biết nhưng vẫn không chịu thực hiện, không chịu hợp tác với ngành y tế để dập dịch. Mới đây, khi 2 đứa con nhà anh Đức và một người hàng xóm bị SXH, người dân ở đó đã báo cho ngành y tế biết để đến phun hóa chất diệt muỗi. Dù đã được báo trước thời gian họ đến phun thuốc, nhưng khi thấy xe của y tế đến và những người trong đội bắt đầu kéo máy phun thì một số hộ dân sát bên đã không ngần ngại ra đóng cửa. Khi được hỏi vì sao không mở cửa cho đoàn vào phun thuốc, chị chủ nhà cho biết nhà chị có 2 con nhỏ nên không muốn phun thuốc trong nhà vì “sợ thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe các con”.
“Không có lăng quăng - Không có SXH”. Từ nay đến cuối năm, thời tiết khá thuận lợi cho bệnh SXH phát triển, vì thế người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng...”. (Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế) |
HỒNG THUẬN