Cước vận tải tăng, doanh nghiệp gặp khó
(BDO) Do những biến động của tình hình địa chính trị thế giới, từ thá ng 5-2024, cước phí vận tải đường biển đang tăng cao. Doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu vì vậy đang đối diện với nhiều khó khăn.
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng tổng hợp Bình Dương (TP.Dĩ An)
Giá cước điều chỉnh hàng tuần
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH ván ép, cơ khí xây dựng Nhật Nam (TP.Bến Cát), cho biết hiện nay ngành gỗ đang trên đà phục hồi tốt. Tuy nhiên từ tháng 5 đến nay, giá cước vận tải đường biển được các hãng tàu điều chỉnh tăng liên tục đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng. Dù đa phần các DN ngành gỗ của Bình Dương đều xuất khẩu theo hướng trọn gói (DN chỉ vận chuyển hàng đến cảng) song cước vận tải đường biển “leo thang” sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, trong khi nhiều đơn hàng DN đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài từ đầu năm nên không thể điều chỉnh giá bán.
Ngoài gánh nặng giá cước tăng, DN còn có thêm nỗi lo thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài hơn trước từ 10-30 ngày. Như vậy, DN buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tìm nguồn nhân lực đẩy nhanh các đơn hàng để bảo đảm thời gian giao hàng cho đối tác. “Hiện nay, chúng tôi đã tăng lên 200% công nhân so với trước kia, cộng với tăng ca hết tiêu chuẩn để có thể đáp ứng được thời hạn giao hàng của DN đối tác. Tuy nhiên, chúng tôi khá lo lắng khi cước vận tải đường biển vẫn được điều chỉnh tăng từng tuần, chưa có dấu hiệu dừng lại”, ông Nguyễn Minh Nhật chia sẻ.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết sản xuất gỗ bao gồm nhiều chi phí, trong đó cước vận tải là chi phí rất lớn. Nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm đều bằng đường biển, trong khi chi phí liên tục tăng trong những năm qua tác động tiêu cực đến việc thực hiện những mục tiêu kinh doanh của DN. Điều này đang làm hạn chế khả năng phục hồi của ngành gỗ.
Với những nhóm hàng phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu lại thêm khó khăn về thời gian, chi phí về đầu vào cho sản xuất. Các vấn đề trên sẽ tác động làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty cơ khí Kim Chung (TP.Tân Uyên), cho biết: “Với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, việc tăng giá cước sẽ ảnh hưởng tới giá thành của sản phẩm đã ký hợp đồng trước đó, khiến hàng xuất đi nhiều nhưng DN không có lợi nhuận. Trong khi nguồn vốn chủ yếu của DN là vốn vay dẫn tới tình trạng đơn hàng nhiều mà vẫn rất khó khăn”.
Tìm cách để ứng phó
Theo các chuyên gia kinh tế, trước tình hình trên, DN buộc phải linh hoạt, kịp thời điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để bảo đảm các đơn hàng. Đồng thời, trong ký kết các đơn hàng nên có thêm những điều khoản khi giá nguyên liệu, cước vận tải tăng, thiên tai, dịch bệnh thì hai bên sẽ thương lượng điều chỉnh lại giá bán, thời gian giao hàng cho phù hợp. Các DN nên tìm các đại lý hãng tàu cấp 1, có uy tín trên thị trường để hạn chế tình trạng đặt chỗ qua tay nhiều đại lý, dẫn đến giá cước vận chuyển và phụ phí bị đẩy lên cao hơn so với giá công bố của hãng tàu. Đồng thời, DN cần nắm rõ và kiểm soát được cấu trúc chi phí vận chuyển theo từng tuyến, theo từng đơn vị hàng hóa để có lựa chọn tối ưu cho việc vận chuyển.
Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh, trong thời gian tới, tình hình thế giới biến động khó lường có thể ảnh hưởng đến xuất - nhập khẩu hàng hóa. Vì vậy, DN cùng ngành hàng cần liên kết lại để có số lượng hàng hóa lớn, tìm hãng tàu lớn, uy tín để ký hợp đồng vận tải trực tiếp, lâu dài sẽ có được giá cước vận tải rẻ hơn và ổn định. Để giảm thiểu tác động, các hiệp hội ngành hàng cần nâng cao vai trò, tập hợp DN thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Từ phía DN, ông Nguyễn Minh Nhật chia sẻ hiện giá đơn hàng giao cho khách vẫn phải tuân thủ hợp đồng đã ký từ trước. Trong tình hình trước mắt, DN chưa đề cập đến chuyện tăng giá mà chấp nhận giảm lợi nhuận, bù chi phí để giữ khách hàng và tăng lượng hàng cung ứng. Về lâu dài, DN cũng tiếp cận thêm nhiều thị trường khác gần hơn để xuất khẩu như ASEAN. “Chúng tôi cũng theo dõi sát tình hình chính trị, diễn biến thị trường thế giới để chủ động hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tìm cách hạ giá thành sản phẩm, bù lại cước vận tải tăng cao”, ông Nguyễn Minh Nhật nói.
TIỂU MY