Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Nâng cao vị thế hàng Việt
(BDO) Với sự nỗ lực trong công tác phối hợp tổ chức thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiệm kỳ qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp tổ chức các phiên chợ vui đưa hàng Việt về nông thôn cùng với các hoạt động quảng bá khác đã góp phần làm cho CVĐ có tác động tích cực đến đời sống xã hội, nâng cao vị thế của hàng Việt trên thị trường.
Phiên chợ vui - đưa hàng Việt về nông thôn tại thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: CAO SƠN
Kiên trì tuyên truyền
Thời gian qua, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều nội dung, chương trình nhằm thúc đẩy CVĐ phát triển sâu rộng, trong đó phải kể đến công tác tuyên truyền, vận động. Thực hiện nội dung này, MTTQ Việt Nam các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép việc thực hiện CVĐ gắn với các phong trào thi đua yêu nước như CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với các ngành chức năng triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền về CVĐ sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn dân cư như hội thảo, hội thi đội tuyên truyền, thi các tiểu phẩm tuyên truyền; tổ chức các phiên chợ vui - đưa hàng Việt về nông thôn tại các khu, cụm công nghiệp, địa bàn nông thôn; các phiên chợ nông sản an toàn... Các hoạt động trên đã tạo ra sự lan tỏa và tác động tích cực đến đời sống xã hội, giúp nâng cao nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa, giảm nhập khẩu hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội.
Nâng cao vị thế
Trong 10 năm qua, trong quá trình thực hiện CVĐ, MTTQ đã phối hợp tổ chức thành công 108 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các khu vực nông thôn và khu, cụm công nghiệp, với tổng doanh thu đạt 50,325 tỷ đồng. Bình quân mỗi phiên chợ có từ 20 - 25 doanh nghiệp (DN) tham gia với khoảng 40 - 45 gian hàng. Các gian hàng của các DN đã góp phần tích cực trong việc tổ chức truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông sản sạch, an toàn, sản phẩm chuỗi cho người tiêu dùng.
Trong công tác phối hợp với MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Công thương đã giữ vai trò chủ lực phối hợp cùng các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện bình ổn giá và dự trữ hàng hóa các mặt hàng thiết yếu cho cả tỉnh. Từ 4 DN năm 2010 với 12 điểm bán hàng, đến nay tỉnh đã tăng lên 11 DN với 85 điểm bán hàng. Cùng với tác động từ CVĐ mang lại, các DN, cơ sở sản xuất được tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích phát triển, mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm đặc trưng và dần hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu cho hàng Việt.
Đồng thời, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng vật tư nông nghiệp, công nghiệp… đối với các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp. Các ngành chức năng đã xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục vận động các DN, nhà sản xuất nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành thấp; vận động nông dân, chủ trang trại thực hiện tốt các cam kết về chất lượng hàng hóa trong sản xuất và kinh doanh, ưu tiên sử dụng vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị sản xuất trong nước. Cũng trong quá trình thực hiện CVĐ, MTTQ đã phối hợp nhân rộng và phát huy hiệu quả các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, chú trọng triển khai thực hiện đưa hàng Việt về chợ truyền thống. Vận động và hỗ trợ DN trong tỉnh tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước nhằm tạo điều kiện các DN quảng bá sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối, nâng cao thị phần nội địa để tiêu thụ hàng hóa và hưởng ứng CVĐ.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh cho biết thêm, đây là CVĐ mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân. Bằng sự nỗ lực chung, Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực, kiên trì, sáng tạo... góp phần xây dựng nên những thương hiệu hàng Việt có uy tín. CVĐ luôn có sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về tâm lý người tiêu dùng; ngày càng có nhiều hơn các DN quan tâm đến xây dựng thương hiệu, chú trọng đưa hàng Việt về nông thôn, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng và có những giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt, đồng thời chú trọng việc khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa. Liên tục trong thời gian dài, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tiếp tục được MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện có hiệu quả trong nhân dân, nhất là trong lực lượng công nhân và người lao động....
“CVĐ đã tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến đời sống xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa, giảm nhập khẩu hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội”, bà Hạnh nói.
CAO SƠN