Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Góp phần xây dựng thương hiệu Việt

Thứ năm, ngày 30/05/2019

(BDO)  Hôm qua (29-5), Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là CVĐ) tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện CVĐ, giai đoạn 2009-2019. Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh; đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 Người dân chọn mua hàng tại một phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tổ chức ở TX.Bến Cát . Ảnh: THANH HỒNG

 Chiếc cầu nối 10 năm

Theo báo cáo, hiện nay toàn tỉnh có trên 2,2 triệu dân, trong đó có hơn 1,2 triệu lao động và trên 41.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là lực lượng sử dụng, tiêu thụ sản phẩm lớn trên thị trường. Vì vậy, việc tuyên truyền cho mọi người về CVĐ là hành động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế tỉnh nhà hiện nay.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, CVĐ đã có sức lan tỏa, góp phần thay đổi nếp nghĩ của hầu hết cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa hàng về nông thôn, nhiều công ty bán hàng giá gốc cho cán bộ, công nhân viên trong công ty giúp người lao động mua và sử dụng được những sản phẩm tốt của chính công ty mình sản xuất, điển hình như Công ty May 3-2, Công ty Trumph, Công ty P&G… Ngoài ra, công nhân lao động trên địa bàn tỉnh còn thường xuyên được tham gia các hoạt động “Phiên chợ vui”, “Phiên chợ công nhân” được tổ chức tại các khu, cụm công nghiệp như Mỹ Phước, Việt Nam - Singapore, Sóng Thần…

 Tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao tặng bằng khen cho 25 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2009-2019.

Là đơn vị chủ lực trong công tác triển khai thực hiện CVĐ, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động một cách khá toàn diện. Hiện sản phẩm hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, hợp tác xã, hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh, qua đó từng bước chiếm được thị phần và đã tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã, giá cả... Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 106 chợ truyền thống phần lớn bán hàng Việt Nam, 7 siêu thị có băng rôn tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với hơn 80% quầy hàng mang thương hiệu Việt.

Ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương I, cho biết việc cụ thể hóa của chiến lược nội địa hóa thành các chính sách hỗ trợ điển hình mà Co.opmart Bình Dương dành cho các doanh nghiệp Việt thời gian qua được thể hiện như ưu tiên các doanh nghiệp hàng Việt trong chính sách mua hàng; ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày cho các doanh nghiệp hàng Việt; hỗ trợ quảng bá sản phẩm mới hoặc các chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp hàng Việt... Bằng việc bền bỉ với chiến lược nội địa hóa, từ tỷ lệ khiêm tốn ban đầu, đến nay hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã chiếm tỷ trọng 90 - 95% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại Co.opmart Bình Dương.

Theo đánh giá của bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CVĐ, đây là cuộc vận động mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân. Bằng sự nỗ lực chung, Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực, kiên trì, sáng tạo... góp phần xây dựng nên những thương hiệu hàng Việt có uy tín.

Trong 10 năm triển khai CVĐ, nhiều ý kiến trong xã hội đã ghi nhận, đánh giá tích cực về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CVĐ. Các yếu tố như niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt Nam chất lượng cao; việc thực hiện ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách Nhà nước; việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của các địa phương… là những nội dung được dư luận đánh giá có sự chuyển biến tích cực ở mức cao nhất.

Cụ thể, CVĐ đã có tác động tích cực đến toàn xã hội, tạo sựchuyển biến tích cực góp phần nâng cao nhận thức, thái độ, trách nhiệm và định hướng tiêu dùng của người dân đối với hàng Việt; ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt... Người tiêu dùng cũng đã ýt hức và trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn hàng Việt trong tiêu dùng cho gia đình.

Nỗ lực quảng bá hàng Việt

Hiện nay, hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, sức cạnh tranh hàng hóa dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng khốc liệt, nhất là Việt Nam đang thực hiện thỏa thuận, hiệp định song phương, đa phương thông qua các mức thuế suất bằng 0%... Điều này sẽ tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Vì vậy, để giữ vững thị trường nội, vươn tầm quốc tế, theo đại diện các ngành cần có những giải pháp thiết thực hơn, nỗ lực hơn để chinh phục người tiêu dùng.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, các ngành, đơn vị liên quan cần thiết thường xuyên đổi mới, đa dạng công tác tuyên truyền về nội dung và hình thức, quảng bá chất lượng hàng Việt Nam qua các phong trào văn hóa văn nghệ, thi tiểu phẩm, tập huấn, hội thi, tuyên truyền trên chuyên mục “Phụ nữ ngày nay” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi khi tuyên truyền đúng trọng tâm, trọng điểm sẽ mang lại hiệu quả to lớn về mặt nhận thức.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, tại các địa phương trong tỉnh hiện vẫn còn nhiều sản phẩm đặc trưng có thương hiệu, đối tượng sản xuất lại là các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, sản xuất theo phương pháp thủ công nên việc kiểm định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó. Điều này khiến các đơn vị phân phối, nhà bán lẻ băn khoăn khi muốn đưa sản phẩm vào kênh phân phối, tiếp cận với thị trường. Để nâng tầm những sản phẩm đặc trưng này, các cơ quan chức năng tại các địa phương cần có những giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ chế biến phù hợp, đầu tư về mẫu mã, bao bì để sản phẩm trở nên chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng sản phẩm Việt...

Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh, cho biết Bình Dương hiện có nhiều nhãn hàng nổi tiếng trong cả nước như Minh Long, Vinamit, Vinamilk, các sản phẩm làng nghề truyền thống... Hiện các doanh nghiệp này đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn trên thị trường bằng chất lượng sản phẩm, giá cả... Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ giúp các doanh nghiệp cải tiến, ứng dụng công nghệ mới nhằm sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, từ đó giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống nhằm phục vụ người dân Bình Dương, nhân dân cả nước.

 Ông Trần Thanh Liêm, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Cần những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn
Trong thời gian tới, đề nghị Ban chỉ đạo CVĐ tiếp tục có những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức; tổ chức đánh giá sự hài lòng của người tiêu dùng đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Các ngành liên quan cần tìm giải pháp xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững và tăng cường giới thiệu các sản phẩm Việt có uy tín, chất lượng để nhận biết và lựa chọn.
 Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vinamit:Người tiêu dùng cần niềm tin về hàng Việt
Người tiêu dùng hiện rất cần niềm tin về hàng Việt. Có lòng tin người tiêu dùng mới yêu hàng Việt. Vậy trách nhiệm hàng đầu của doanh nghiệp là phải đặt mục tiêu, đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm được Việt Nam, quốc tế thừa nhận.
Hiện nay doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, ban vận động các hiệp hội trong công tác truyền thông. Đó là cơ sở, điểm tựa để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, nỗ lực làm ra sản phẩm tốt, đầu tư công nghệ và gieo niềm tin hiệu quả vào khách hàng.

 THANH HỒNG