Cuộc trò chuyện với đồng chí Hồ Minh Phương về Bình Dương mở đường, làm công nghiệp…
(BDO) Nghe tin ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé, Bình Dương mất, tôi rất bất ngờ. Bởi cách đây không lâu, tôi còn có dịp được trò chuyện, nghe ông kể, chính xác là trải lòng về khoảng thời gian ông đương nhiệm trong thời kỳ đầu Bình Dương bước vào quá trình xây dựng và phát triển sau khi được chia tách ra từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997. Khi ấy, vẫn còn “rất nhiệt”, ông say sưa trò chuyện với tôi về câu chuyện mở Quốc lộ 13, về xây dựng các khu công nghiệp (KCN) và khát vọng làm thế nào để Bình Dương đi lên…
Ông Hồ Minh Phương (thứ 3, từ phải qua) tham dự lễ khởi công xây dựng Nhà máy Rinnai Việt Nam năm 1999. Ảnh: XUÂN LỘC
“Không để thua kém địa phương nào… ”
Trò chuyện về sự kiện lịch sử chia tách tỉnh Sông Bé cách đây 25 năm, ông bảo Sông Bé trước đây có diện tích lớn, khoảng 1 triệu ha, hơn 200km đường biên giới, địa bàn rộng, đồng bào dân tộc nhiều. Điều này gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, điều hành vì không sâu sát được thực tế, có người làm lãnh đạo hết nhiệm kỳ cũng chưa chắc biết hết được tình hình các xã. Lúc đó, khi có chủ trương của Trung ương về chia tách tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí cao. Bình Dương khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé, có điều kiện thuận lợi hơn vì địa bàn nhỏ lại, đặc biệt là một số vùng ở phía Nam đã có mầm mống phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đây là cơ hội để Bình Dương tham gia vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam một cách xứng đáng…
Tôi hỏi, khi đó Bình Dương đã đặt quyết tâm như thế nào để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Câu hỏi của tôi như chất xúc tác, đưa ông trở về một giai đoạn mà ông và cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đang vào cuộc quyết liệt, tìm mọi cách nhằm nâng cao vị thế và giá trị của vùng đất này. Bằng chất giọng sôi nổi, ông nói: “Bình Dương khi đó rất quyết tâm, đặt vấn đề không để thua kém địa phương nào ở trong vùng. Vấn đề đặt ra là gì? Đầu những năm 1990, tỉnh đã có một số KCN như Sóng Thần, Bình Đường; vào năm 1996 tỉnh đã bàn tới xây dựng KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) 1. Từ đó, tỉnh quyết định tập trung phát triển một số KCN, xác định những nhiệm vụ trọng tâm…”…
Nếu không làm Quốc lộ 13, không thể giải quyết được bài toán thu hút đầu tư. Cho nên nói đầu tư công trình trọng điểm là phải nhấn vào tính trọng điểm, không dàn đều ra, chỗ nào cũng làm thì sao gọi là trọng điểm. Lúc đó, Bình Dương quyết định làm một số công trình mang tính chất trọng điểm như vậy để mở ra con đường đi lên…”. (Ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) |
Cụ thể hóa mục tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ
Theo dòng chảy về quá khứ, ông chia sẻ với tôi về một kỷ niệm khá sâu sắc của ông khi còn đương nhiệm. Đó là hai lần ông tiếp ngài Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Chính phủ Singapore, bảo đảm lời hứa về quyết tâm triển khai KCN VSIP 1 của tỉnh. “Lúc mới đến tìm hiểu, còn nhiều điều ông ấy hoài nghi. Ông ấy hỏi mấy vấn đề thôi nhưng rất khó trả lời. Thứ nhất là làm sao Bình Dương bảo đảm được nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp; thứ hai là thực trạng giao thông của tỉnh như vậy, làm sao để phục vụ yêu cầu vận chuyển hàng hóa? Ngài ấy đặt vấn đề rằng, Quốc lộ 13, tỉnh có đầu tư xây dựng được không, vì quốc lộ là do Trung ương quản lý. Do đó, tỉnh phải bảo đảm đề xuất được với các cơ quan Trung ương để xây dựng con đường này. Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính cũng hứa giúp đỡ… Nhờ vậy, dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 13 đã được thực hiện. Thời điểm đó, chưa có tỉnh nào dám xin đầu tư xây dựng quốc lộ cả…”, ông Phương kể đầy tự hào…
Theo ông Hồ Minh Phương, yếu tố để Bình Dương đẩy mạnh phát triển công nghiệp là nhờ cách làm sáng tạo, với tinh thần tiên phong. Bối cảnh bấy giờ, việc phát triển các KCN tại Bình Dương cũng gặp phải một số ý kiến nhưng tỉnh quyết tâm làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển chung. 3 hình thức đầu tư xây dựng KCN khi đó là quốc doanh liên doanh với nước ngoài đầu tư (VSIP 1), quốc doanh đầu tư (KCN Sóng Thần I) và đặc biệt là mô hình kêu gọi kinh tế tư nhân đầu tư KCN (Đồng An).
Yếu tố quan trọng nữa, theo ông là trong chỉ đạo điều hành, tỉnh đã chọn những khâu đột phá, chọn những công trình trọng điểm để đầu tư, mở ra sự phát triển cho các lĩnh vực khác. Và, tỉnh quyết định xây dựng Quốc lộ 13, vì làm con đường này, các doanh nghiệp mới đến đầu tư vào VSIP 1, kế đến là các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3… sau này.
Tôi hỏi, nhìn lại Bình Dương 25 năm xây dựng và phát triển, đâu là những điều ông thấy tâm đắc nhất? Ông bảo, đó chính là quyết tâm cụ thể hóa mục tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ. Từ quyết tâm này, tính đến năm 2005 (thời điểm ông nghỉ hưu) đã thấy Bình Dương có dáng dấp của tỉnh công nghiệp, dịch vụ khi trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp chiếm hơn 60%, dịch vụ hơn 30%, nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ. Ông cho rằng, Bình Dương hiện giờ có thuận lợi rất lớn, thu ngân sách cao, đóng góp nhiều cho ngân sách Trung ương; kinh tế - xã hội phát triển; cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ, được đào tạo bài bản, tiếp cận khoa học công nghệ nhanh… Vì thế, con đường, điều kiện để Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn là rất lớn…
Câu chuyện giữa tôi và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Minh Phương đáng kính chỉ diễn ra mới đây thôi. Tâm tư của ông về sự phát triển của tỉnh vẫn còn nóng hổi tính thời sự mà người thì đã đi xa. Nhưng tôi tin, mong muốn của ông về sự phát triển lên tầm cao mới, văn minh, thông minh, đáng sống đối với quê hương Bình Dương sẽ sớm trở thành hiện thực…
Theo ông Hồ Minh Phương, yếu tố để Bình Dương đẩy mạnh phát triển công nghiệp là nhờ cách làm sáng tạo, với tinh thần tiên phong. Bối cảnh bấy giờ, việc phát triển các KCN tại Bình Dương cũng gặp phải một số ý kiến nhưng tỉnh quyết tâm làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển chung. 3 hình thức đầu tư xây dựng KCN khi đó là quốc doanh liên doanh với nước ngoài đầu tư (VSIP 1), quốc doanh đầu tư (KCN Sóng Thần I) và đặc biệt là mô hình cho kinh tế tư nhân đầu tư KCN (Đồng An). Yếu tố quan trọng nữa, theo ông là trong chỉ đạo điều hành, tỉnh đã chọn những khâu đột phá, chọn những công trình trọng điểm để đầu tư, mở ra sự phát triển cho các lĩnh vực khác. Và, tỉnh quyết định xây dựng Quốc lộ 13, vì làm con đường này, các doanh nghiệp mới đến đầu tư vào VSIP 1, kế đến là các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3… sau này. |
THÀNH SƠN