Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968: Tinh thần chiến thắng vẫn còn vang mãi
Đã 45 năm trôi qua, nhưng tinh thần chiến thắng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn vang mãi. Ý nghĩa của thắng lợi này là cực kỳ to lớn về tinh thần chiến đấu anh dũng, oai hùng của quân và dân ta, buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, tạo thế và lực để quân và dân ta tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.
CUỘC CHIẾN ÁC LIỆT
Hôm chúng tôi công tác ở tại Hà Nội, rất nhiều tướng lĩnh là những nhân chứng sống của những trận chiến ác liệt hơn 40 năm trước đã so sánh: Nếu như Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng góp phần buộc Mỹ đặt bút ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam thì tinh thần chiến thắng của chiến dịch Mậu Thân 1968 đã buộc Tổng thống Mỹ Johnson chấp nhận thương lượng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), buộc họ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris 13-5-1968. Nhiều tướng lĩnh cho rằng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 được đánh giá là một thắng lợi có tầm vóc lớn về chiến thuật của quân và dân ta. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi cũng xin được sơ lược lại những lời kể của nhiều nhân chứng tại chiến trường tỉnh Thủ Dầu Một vào 45 năm trước.
Trung tướng Trần Đơn, Tư lệnh Quân khu 7 cùng Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung và lãnh đạo TX.Thuận An thăm Chiến khu Thuận An Hòa - biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng, khí phách kiên cường của quân và dân tỉnh Thủ Dầu Một năm xưa
Ngồi bên tách trà ở tuổi xế chiều, ông Nguyễn Văn Hữu (Một Hữu), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng, Chỉ huy trưởng tỉnh Thủ Dầu Một nhớ lại, cách đây 45 năm trước, ngày 31-1-1968 (tức vào ngày mùng hai Tết Mậu Thân 1968), quân và dân ta đã đồng loạt tiến công bất ngờ vào nhiều thành phố, trong đó có những thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế… Riêng ở khu vực tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ, rạng sáng ngày 31-1-1968 đến những ngày tết sau đó, cùng với toàn miền, quân và dân Phân khu 5 đồng loạt nổ súng tiến công và nổi dậy khắp địa bàn phân khu. Nếu như Tiểu đoàn 3 (K3) Dĩ An thuộc Trung đoàn Đồng Nai bất ngờ tiến công và đánh chiếm chi khu cảnh sát Hàng Xanh; sau đó, tiêu diệt luôn cả Tiểu đoàn 30 biệt động của địch, làm chủ tình hình thì tại TX.Thủ Dầu Một rạng sáng ngày 1-2-1968, Tiểu đoàn Phú Lợi (K4) cùng Đại đội Đặc công phân khu, Đội biệt động thị xã nổ súng chiếm thành Công binh và nhiều vị trí quan trọng khác.
Theo ông Một Hữu, những trận chiến của quân và dân ta thời đó anh dũng, oai hùng lắm, nhiều đồng chí đã hy sinh nhưng họ vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Họ đã đổi máu và nước mắt để chúng ta có ngày toàn thắng 30-4-1975 lịch sử. Ông nghẹn ngào: “Thời đó, cùng với lực lượng phân khu, những người lính của thị xã, Châu Thành đã tiến công tiêu diệt nhiều đồn bót của địch như Bà Lụa, Bến Thế, Bưng Cầu. Còn ở Lái Thiêu, Bến Cát, Dầu Tiếng, quân và dân ta đã chiến đấu oai hùng và giành được nhiều thắng lợi vang dội để viết nên một Chiến khu Thuận An Hòa oai hùng, một Tam Giác Sắt và một Chiến khu Đ ngoan cường, bất khuất. “Trong những trận đánh Tết Mậu Thân 1968 ở khắp chiến trường Phân khu 5, tương quan lực lượng địch mạnh hơn ta nhiều nhưng với quyết tâm cao, có nhiều trận đánh bất ngờ, mưu trí, dũng cảm, quân ta đã tiêu diệt và làm tiêu hao sinh lực địch, làm cho ý chí của chúng bị lung lay. Trong khi đó, người dân khắp nơi nổi dậy đấu tranh chính trị, binh vận, vận động trong hàng ngũ địch, thanh niên thì hăng hái tòng quân tham gia lực lượng vũ trang đánh giặc.
Ý NGHĨA CÒN VANG MÃI
Nhiều tướng lĩnh và cựu chiến binh cho rằng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 có nhiều ý nghĩa to lớn, đã giáng một đòn quyết định vào đế quốc Mỹ. Mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện phá hoại miền Bắc lần thứ nhất từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh xâm lược tại Việt Nam. Những ý nghĩa còn vang mãi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 còn thể hiện ở tầm vóc lớn về chiến lược, chiến thuật của quân ta, tài tiên đoán tài tình về chiến lược của Bộ Chính trị, Bác Hồ kính yêu của dân tộc, mở ra cho chúng ta những trận đánh vang dội sau đó, phá vỡ nhiều chiến lược quân sự của kẻ thù xâm lược, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn câu nói của đạo diễn Lê Phong Lan - người đã bỏ ra 10 năm để tìm hiểu về sự kiện “Mậu Thân 1968” để làm 12 tập phim có tựa đề “Mậu Thân 1968” đang phát trên VTV1 từ ngày 25-1-2013: “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có giá trị lịch sử vĩ đại và đáng tự hào của dân tộc ta. Nếu hiểu lịch sử thì ta sẽ yêu vô cùng những huyền thoại đã được viết bằng máu của đất nước mình. Máu đã viết nên huyền thoại về đất nước, nếu ai đã lắng nghe, đã thấu hiểu, cũng sẽ cúi đầu trước những huyền thoại ấy”. Vâng, thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Đặc biệt là bài học vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối quân sự của Đảng trong chỉ đạo tác chiến chiến lược, chiến dịch, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Ông NGUYỄN VĂN HỮU (Một Hữu), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng, Chỉ huy trưởng tỉnh Thủ Dầu Một: Trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng
Trong suốt thời gian cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta có nhiều tổn thất nhưng những thắng lợi toàn cục của chiến dịch này đã góp phần quan trọng nâng cao khí thế chiến đấu anh dũng, hy sinh chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta, góp phần quan trọng ở cục diện chiến trường, tạo tiền đề cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng, khí phách kiên cường và sức mạnh sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
HỒ VĂN