Cuộc thi tìm hiểu “Bình Dương - 20 năm xây dựng và phát triển”: Tự hào đất và người Bình Dương

Thứ tư, ngày 21/12/2016

Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh (1.1.1997 - 1.1.2017), chào mừng ngày kỷ niệm này, cuộc thi tìm hiểu “Bình Dương - 20 năm xây dựng và phát triển” đã được Ban tổ chức (BTC) phát động, thu hút đông các thành phần dự thi. Mỗi bài viết có cách thể hiện khác nhau nhưng đã nêu lên được quá trình xây dựng, đổi mới của quê hương Bình Dương. Đặc biệt, các tác giả còn viết ra trăn trở, mong muốn để Bình Dương tiếp tục phát triển.

(BDO)

 Tổ thư ký cuộc thi xem và phân loại bài viết của các đối tượng dự thi

 Đa dạng thành phần dự thi

Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, cuộc thi được phát động từ ngày 21-6 đến ngày 30-12-2016. Cuộc thi đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trên toàn tỉnh tham gia, không phân biệt thành phần, nghề nghiệp, từ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ hưu trí đến các em học sinh, sinh viên. Cuộc thi đã tạo nên phong trào đọc sách, báo tra cứu hình ảnh tìm hiểu thông tin về tình hình phát triển của Bình Dương trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… của tỉnh sau 20 năm ngày tái lập và phát triển. Kết quả, BTC đã nhận được 30.109 bài, trong đó đoàn viên thanh niên, chiếm tỷ lệ 28,47%; cán bộ, công chức 21,79%; công nhân 21,35%; học sinh, sinh viên 12,38%; lực lượng vũ trang 8,16%; quần chúng nhân dân 5,15% và cựu chiến binh (CCB), cán bộ hưu trí 2,69%.

Số lượng bài dự thi lớn, để chấm điểm minh bạch, chọn chính xác tác phẩm xuất sắc, BTC đã thành lập Ban Giám khảo (BGK) với đầy đủ thành phần là đơn vị tổ chức (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT&DL, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn và Báo Bình Dương). BGK triển khai chấm qua 3 vòng: Vòng loại, bán kết và chung kết. Trong đó, chung kết chọn ra 75 bài xuất sắc nhất, với hình thức chấm vòng tròn của các cặp đôi BGK chọn ra 71 bài xếp hạng; chọn 10 bài điểm cao nhất xếp giải nhất, nhì, ba.

Theo đánh giá của BGK, hầu hết các thí sinh dự thi đều nắm rõ mục đích, yêu cầu, thể lệ cuộc thi. Họ đã có sự nghiên cứu, tìm hiểu “Bình Dương qua 20 năm xây dựng và phát triển” nêu được sự đổi mới của Bình Dương qua cảm nhận rất sâu sắc. Các thí sinh đã trình bày mở rộng nội dung, minh họa hình ảnh đúng theo yêu cầu của từng câu hỏi. Đa số bài dự thi được đầu tư, viết tay rất công phu, nhiều bài đầu tư như một “công trình nghệ thuật”; có bài sưu tầm được những hình ảnh có giá trị về lịch sử để minh họa cho từng nội dung câu hỏi và từng phần bài dự thi, có tư liệu dẫn chứng đi kèm phong phú. Một số bài viết tay trên 500 trang giấy, liệt kê 1.790 tên họ, năm sinh và nguyên quán của các bà mẹ Việt Nam anh hùng được vinh dự Nhà nước phong tặng, truy tặng minh họa cho câu trả lời.

Cuộc thi ý nghĩa

Gặp và trao đổi với các tác giả tham dự cuộc thi, chúng tôi đã nghe họ tâm sự khá nhiều về quá trình nghiên cứu, hoàn chỉnh bài dự thi. Qua quá trình viết bài, họ khẳng định đây là cuộc thi vô cùng ý nghĩa. Từ cuộc thi này họ càng tự hào hơn khi là người con của mảnh đất Bình Dương, hay được sống và làm việc trên vùng đất này.

Đơn cử, tác giả Nguyễn Thị Lanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, tham dự cuộc thi với 2 quyển viết tay hoàn toàn. Cô còn sưu tầm những hình ảnh từ lúc tái lập tỉnh đến nay. Cô Lanh cho biết: “Đây là cuộc thi ý nghĩa bởi từ đó cô đã biết thêm về đất và người Bình Dương, những chủ trương chính sách của Đảng để quê hương ngày càng phát triển. Đặc biệt, qua cuộc thi cô cũng đã gửi gắm được những tâm tư, nguyện vọng để góp sức xây dựng quê hương Bình Dương giàu đẹp”.

Đối với tác giả Phùng Văn Cải, Chi hội CCB khu phố 14, phường Phú Cường tâm sự: “Cuộc thi là dịp để tôi đi sâu tìm hiểu về lịch sử Bình Dương sau 20 năm tái lập. Qua đó sẽ giáo dục con cháu mình trong việc giữ gìn những giá trị truyền thống của các thế hệ cha ông. Từ đó nâng cao lòng tự hào, niềm tin và ý thức trách nhiệm của bản thân khi còn ngồi trên ghế nhà trường và các con phải học thật tốt, thật giỏi để sau này góp phần xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng văn minh hiện đại”.

Từ cảm nhận của tác giả, nhiều bài có những cảm xúc rất chân thật và qua đó những vấn đề còn bất cập trong các lĩnh vực đời sống đã được các tác giả đề cập đến bằng sự nhận thức từ thực tiễn cuộc sống, nêu lên những giải pháp là những ý kiến quý báu xoay quanh lĩnh vực về ngành nghề mình đang công tác nhằm góp ý để BTC nghiên cứu nội dung phù hợp thực hiện, góp phần phát triển Bình Dương trong thời gian tới. Tác giả Nguyễn Thị Tuyết Mai, cán bộ hưu trí, Chủ tịch Hội Khuyến học TX.Thuận An viết: “Để phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là đường sá, trường học, bệnh viện… để điều kiện sống của người dân hiện đại hơn, phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa và bảo đảm an ninh quốc phòng toàn dân. Muốn kinh tế không ngừng phát triển, cơ sở hạ tầng hiện đại thì đòi hỏi con người phải “văn minh, hiện đại”. Do đó, công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ kế cận, bồi dưỡng thế hệ trẻ vừa hồng, vừa chuyên có đức có tài để sau này kế tục sự nghiệp chung cần phải được quan tâm. Đảng bộ và chính quyền tỉnh phải có những chủ trương, chính sách động viên, khích lệ phát huy chất xám của mọi tầng lớp nhân dân”.

 THIÊN LÝ