Cuộc thi sáng tạo trẻ dành cho thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Dương năm 2011-2012: Ngày càng nhân rộng

Thứ sáu, ngày 06/07/2012
Đây là năm thứ 8 diễn ra cuộc thi sáng tạo trẻ dành cho thanh thiếu niên nhi đồng nhưng thu hút đông đảo các bạn trẻ tham dự. Tổng kết cuộc thi đã có 7 huyện, thị, thành phố với 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông gửi các sản phẩm, mô hình dự thi về cho Ban tổ chức...Nhờ làm tốt công tác vận động nên chỉ trong thời gian ngắn, Ban tổ chức đã nhận được 831 sản phẩm dự thi (cao nhất từ trước đến nay). Hầu hết sản phẩm tham dự thi chủ yếu trên lĩnh vực đồ dùng học tập; đồ chơi trẻ em và đồ dùng phục vụ giải trí; dụng cụ sinh hoạt gia đình; các giải pháp phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường; phần mềm tin học. Là cuộc thi sáng tạo nên mỗi sản phẩm chứa đựng chiều sâu tư tưởng và mang tính ứng dụng thực tế cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị trao giấy khen cho cá nhân đoạt giải xuất sắc trong cuộc thi Cuộc thi do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện. Cuộc thi không chỉ có ý nghĩa phát huy, bồi dưỡng tiềm năng về tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên nhi đồng mà còn giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, khơi gợi ước mơ hoài bão của các bạn trẻ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai. Kỳ thi năm nay có 11 sản phẩm đoạt giải chính thức (1 giải nhì, 3 giải ba, 7 giải khuyến khích) và 5 giải phong trào, Ban tổ chức sẽ chọn ra 4 sản phẩm xuất sắc tham dự cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 8 tại Hà Nội.Trực tiếp được nghe các bạn thuyết trình về những mô hình sản phẩm, chúng tôi khâm phục trước tinh thần sáng tạo, sự thông minh của các em nhỏ. Bạn Hoàng Xuân Quyết, học sinh trường THCS Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một đã xuất sắc giành giải nhì (không có giải nhất) của cuộc thi. Sản phẩm thuộc lĩnh vực đồ dùng học tập với mô hình “Vòng xoay lịch sử” được đánh giá là sản phẩm có nhiều tiềm năng. Để gây hứng thú cho học sinh trong tiết học lịch sử, Quyết đã đưa ra ý tưởng dùng bìa carton tạo thành 5 vòng tròn xếp tầng lên nhau, trên các vòng tròn ghi những sự kiện lịch sử. Những vòng tròn có bán kính khác nhau không chỉ có chức năng xoay tròn mà còn kích thích người học, rèn luyện trí nhớ, khơi gợi tư duy sáng tạo. Sản phẩm được thiết kế dành cho 1 đến 6 người chơi, người chơi sẽ đi từ vòng ngoài cùng vào vòng trong, ai nhớ nhiều sự kiện sẽ chiến thắng. Với ý nghĩa “học mà vui, vui mà học”, mô hình đã có nhiều ứng dụng trong việc học, giúp các em ôn bài, hệ thống kiến thức theo trình tự nhất định.  Hay mô hình sản phẩm “Hệ thống đèn đường cảm ứng” của nhóm tác giả Nguyễn Thành Đạt, Ngô Quốc Thịnh, Trần Trọng Tín, học sinh trường THCS Minh Hòa, Dầu Tiếng đã xuất sắc nhận giải ba của cuộc thi và vinh dự được chọn tham dự giải toàn quốc. Sản phẩm là ý tưởng chiếu sáng cho hệ thống đèn đường dựa trên tính năng cảm ứng tự động của ánh sáng để bật đèn mà không cần tới công tắc điện. So với thế giới, ý tưởng này không mới nhưng Hội đồng chấm thi đánh giá cao bởi sản phẩm có thể tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các sản phẩm, mô hình đoạt giải khác cũng đạt chất lượng khá cao, có ứng dụng thực tế. TRỊNH HOÀNG