Cuộc thi sáng tác tác phẩm VHNT chủ đề “Đất và người Bình Dương” lần thứ VIII năm 2024: Mang đậm hơi thở của một vùng đất phát triển

Thứ hai, ngày 09/09/2024

(BDO) Nhằm đánh giá phong trào sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm VHNT về chủ đề ‘Đất và người Bình Dương” lần thứ VIII năm 2024. Năm nay, số lượng tác giả và tác phẩm tham gia tăng, điều này cho thấy đây là sân chơi ngày càng có sức hút.

Sân chơi ý nghĩa và hấp dẫn

Bằng tình yêu, vốn sống và sự trau dồi, tìm tòi trong nghề nghiệp cùng sự gắn bó với thực tế cuộc sống tại Bình Dương, 91 tác giả đã tham gia cuộc thi với 466 tác phẩm. Qua những tác phẩm của mình, các tác giả đã thể hiện niềm đam mê và muốn đóng góp cho phong trào sáng tác VHNT tỉnh thêm đậm đà bản sắc Bình Dương.


Ban Tổ chức trao giải cho các tác giả đoạt giải ở bộ môn nhiếp ảnh

Tác giả Phan Thị Hai (hội viên chuyên ngành văn học, Hội VHNT tỉnh), cho biết bà sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, đã từng tham gia cuộc thi ở những năm trước và luôn mong muốn sân chơi này có ngày càng nhiều tác phẩm hay về quê hương mình. Lần này, với tác phẩm văn xuôi “Cha ghẻ”, bà Phan Thị Hai đã khắc họa chân dung những con người tuy lam lũ nhưng sống rất nghĩa tình gắn bó với làng nghề gốm truyền thống ở TP.Thủ Dầu Một.

Trong khi đó, nhạc sĩ Ngô Phạm Toán (giảng viên ngành âm nhạc, Khoa Công nghiệp Văn hóa, Trường Đại học Thủ Dầu Một), cho rằng: “Đây là cuộc thi có ý nghĩa rất lớn, có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút nhiều nhạc sĩ và những người đam mê âm nhạc của Bình Dương tham gia”.

Theo nhạc sĩ Ngô Phạm Toán, để tham gia cuộc thi, các nhạc sĩ phải tìm hiểu nhiều khía cạnh, những thành công và phát triển của Bình Dương để truyền tải qua ca từ của ca khúc. Riêng đối với ông, qua cuộc thi cũng được học hỏi nhiều về cách sáng tác của các nhạc sĩ đàn anh và luôn nung nấu, tìm kiếm những cảm xúc để chờ ra một tác phẩm hay về Bình Dương.

“Các tác phẩm tham dự cuộc thi lần này đa dạng về đề tài, mang đậm hơi thở của cuộc sống, thể hiện rõ nét về vùng đất và con người Bình Dương trong sự nghiệp đổi mới. Qua đó thể hiện những suy nghĩ, những trăn trở đậm tính nhân văn trước những vấn đề của cuộc sống hôm nay”.

(Nhạc sĩ PHẠM ĐẮC HIẾN, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh)

Đậm đà bản sắc Bình Dương

Sau thời gian phát động, cuộc thi đã nhận được 466 tác phẩm của 91 tác giả của các bộ môn nhiếp ảnh, văn học, sân khấu và âm nhạc. Ban Giám khảo đã tiến hành thẩm định các tác phẩm dự thi và đề nghị Ban Tổ chức trao 48 giải thưởng cho 48 tác phẩm đạt chất lượng cao.

Theo nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, các tác phẩm tham dự cuộc thi lần này phong phú, đa dạng về đề tài, mang đậm hơi thở của cuộc sống, thể hiện rõ nét về vùng đất và con người Bình Dương trong sự nghiệp đổi mới. Qua đó thể hiện những suy nghĩ, những trăn trở đậm tính nhân văn trước những vấn đề của cuộc sống hôm nay.

“Các tác phẩm đã nói lên được sự phát triển của Bình Dương. Hy vọng ở cuộc thi lần sau, các văn nghệ sĩ sẽ không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để sáng tạo ra nhiều công trình, tác phẩm VHNT có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật để phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sáng tạo và thưởng thức VHNT của cán bộ và nhân dân trong tỉnh”, nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến gửi gắm.

Kết quả: Giải nhất bộ môn nhiếp ảnh là tác phẩm “Thực hành công nghệ 4.0” của Trần Duy Tình. Ở bộ môn sân khấu, tác phẩm “Bài ca cho quê hương” của tác giả Minh Hải và tác phẩm “Tự hào Bình Dương” của tác giả Nguyễn Văn Du đoạt giải nhì (không có giải nhất). Ở bộ môn văn xuôi, tác phẩm “Cha ghẻ” của tác giả Phan Hai đoạt giải nhì (không có giải nhất).

Bộ môn âm nhạc, tác phẩm “Bình Dương ngời sáng tháng tư” của nhạc sĩ Nguyễn Long và tác phẩm “Lại nhớ Bình Dương” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Luân phổ thơ Thứ Lễ đoạt giải nhì (không có giải nhất).

Bộ môn thơ, tác phẩm “Mùa xuân quê mẹ đã về” của tác giả Bùi Thị Kim Loan đoạt giải nhì (không có giải nhất).

THỤC VĂN