Cuộc thi khoa học kỹ thuật: Sự sáng tạo đã thăng hoa

Thứ sáu, ngày 29/12/2017

(BDO) 4 năm nay, cứ vào dịp cuối năm, học sinh (HS) trung học lại hội tụ về trường THPT Võ Minh Đức (TP.Thủ Dầu Một) để thể hiện tài năng, sự sáng tạo qua cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT). Cuộc thi năm học 2017-2018 vừa được Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức thêm một lần nữa chứng minh năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học của HS qua các dự án mà các em dự thi.

Cuộc thi KHKT cấp tỉnh năm nay có 124 dự án dự thi, gồm 77 đề tài của HS thuộc 53 trường THCS và 47 đề tài của HS ở 24 trường THPT. Các đề tài thuộc 17 lĩnh vực, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, hệ thống nhúng, khoa học xã hội hành vi và phần mềm hệ thống. Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT đánh giá, các đề tài dự thi năm nay phong phú, HS đầu tư công phu và chất lượng hơn, các em thể hiện sự hiểu biết tường tận về đề tài và phản biện tốt trước những câu hỏi của ban giám khảo.

Em Nguyễn Thành Đạt giới thiệu dự án “Thiết bị hỗ trợ bệnh nhân xơ cứng cơ tay sau tai biến”

Các dự án dự thi của HS tuy có sự hướng dẫn của giáo viên, nhưng quan trọng là ý tưởng do HS đưa ra có tính khả thi và thiết thực. Và đúng với nhận xét của ban tổ chức, qua theo dõi quá trình chấm thi, chúng tôi nhận thấy HS đã thể hiện sự tự tin cao và tâm huyết với đề tài mình đưa ra. Trong số 11 dự án đoạt giải, tập trung nhiều nhất là của HS ở các trường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Không hổ danh là HS trường chuyên Hùng Vương, năm nay các em tiếp tục dẫn đầu về giải thưởng, với 1 giải nhất và 2 giải nhì. Tại cuộc thi này, một lần nữa chúng tôi đã gặp lại em Nguyễn Thành Đạt, HS đã đoạt các giải thưởng ở những cuộc thi những năm trước. Năm 2017 dự án của em đoạt giải ba cấp quốc gia, em đã cầm chắc chiếc vé tuyển thẳng vào đại học, nhưng đam mê nghiên cứu nên em tiếp tục đưa ra những ý tưởng sáng tạo mới. Dự án dự thi năm nay của em là “Thiết bị hỗ trợ bệnh nhân xơ cứng cơ tay sau tai biến”, đã đoạt được giải nhì. Em tâm sự, thiết bị của em giúp người dùng phục hồi chức năng vùng tay bằng vật lý trị liệu một cách hiệu quả và tiện dụng, tránh làm mất thời gian cho người bệnh và người giúp tập luyện. Bên cạnh đó giúp người dùng tập cử động với từng ngón tay riêng lẻ, cũng như cả bàn tay, để người dùng có thể tùy biến sao cho tương thích với nhu cầu của mình.

Với phương châm đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của HS, các thầy cô đã thắp lên niềm đam mê sáng tạo cho HS. Theo bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GDĐT, một trong những hoạt động trọng tâm của ngành là đa dạng hóa các hình thức dạy học, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đối với HS trung học. Tinh thần của cuộc thi là góp phần tích cực vào đổi mới giáo dục trung học, đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động dạy học, cũng như phát triển năng lực và phẩm chất nghiên cứu khoa học của HS, khuyến khích HS trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; thúc đẩy các nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, đào tạo những HS có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, biết giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

Cuộc thi KHKT đã tạo cơ hội để HS trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT của mình; qua đó cùng trao đổi, giao lưu, chia sẻ các ý tưởng khoa học, các dự án khoa học với các bạn bè trong tỉnh. Mục tiêu của cuộc thi ngoài việc khuyến khích sự tham gia rộng khắp của các trường trung học trong tỉnh, bên cạnh đó còn muốn khơi dậy sự nhiệt tình, tính chủ động sáng tạo, sự say mê với nghiên cứu khoa học của HS.

Cuộc thi KHKT ngày càng được nâng tầm chất lượng. Qua các năm cho thấy, kết quả cuộc thi ở cấp quốc gia của HS trong tỉnh ngày càng được nâng cao, chất lượng giải tăng dần từ giải khuyến khích vào năm 2015, giải ba vào năm 2016 và năm 2017 đạt giải nhì.

 

H.THÁI