Cuộc sống mới của người Chăm tại Bình Dương
(BDO) Trên địa bàn tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Chăm hiện có hơn 130 hộ, với khoảng 450 nhân khẩu, phần lớn sống tại xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) và phường Bình An, phường Dĩ An (TX. Dĩ An). Giúp ĐBDTTS Chăm ổn định cuộc sống, tỉnh đã có nhiều chính sách chăm lo. Sống trong sự quan tâm, người Chăm đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
ĐBDTTS Chăm đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; hướng dẫn nhau khoa học kỹ thuật trong trồng cây ăn trái Ảnh: T.LÝ
“Đất lành chim đậu”
Đối với người Chăm sống tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, họ đến với mảnh đất này từ những năm 1975. Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả, Ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo Minh Hòa cho biết, do cuộc sống tại quê nhà An Giang khó khăn, một số người Chăm đã đến Bình Dương lập nghiệp. Cứ như vậy, số hộ người Chăm tăng lên hàng năm. Đến nay, riêng ấp Hòa Lộc có khoảng 80 hộ người Chăm.
Với tinh thần “tương thân tương ái”, cũng như sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, đến nay đời sống ĐBDTTS Chăm đã dần ổn định. Giờ đây, đến với Làng Chăm (cách gọi của người dân nơi đây), con đường đất đã được bê tông hóa, mạng lưới điện kéo đến tận nhà. Người dân đã biết đầu tư làm ăn với mô hình mới như thay thế cây ăn trái, cây điều sang cây cao su; nuôi gia súc, gia cầm… Khẳng định sự đổi thay trong đời sống của người Chăm, ông Mach Nô, cán bộ nòng cốt làm công tác dân tộc tại xã Minh Hòa nói, trước đây người dân chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, trồng rau màu, cuộc sống của họ chỉ tạm có cái ăn, chứ chưa nói đến việc làm giàu. Khoảng 5 năm trở lại đây, người Chăm đã biết cách làm ăn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế. Giờ đây, nhiều hộ xây được nhà khang trang, mua sắm xe ô tô và có đầy đủ nội thất thiết yếu.
Nhiều chính sách chăm lo
“Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới” là nội dung chính của Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Chỉ thị 06, Bình Dương đã chú trọng quan tâm chăm lo ĐBDTTS Chăm từ vật chất đến tinh thần. Đối với người Chăm tại ấp Hòa Lộc, do đa số theo đạo Hồi nên tỉnh đã chú trọng triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức các hoạt động thu hút đồng bào người Chăm tham gia các phong trào ở địa phương như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa”... Chính quyền xã Minh Hòa cũng đã tạo điều kiện để cộng đồng người Chăm tổ chức lớp dạy tiếng Ả Rập do giảng viên là người trong Ban nghi lễ đảm trách theo chương trình sách giáo khoa tiếng Chăm do Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Tây Ninh biên soạn, chủ yếu để phục vụ sinh hoạt tôn giáo và đọc kinh Koran.
Đối với người Chăm sống rải rác trong tỉnh, cộng đồng người Chăm cũng được tạo điều kiện để tổ chức các lễ hội tín ngưỡng tôn giáo truyền thống như tháng chay Ramadal, Hadi và các nghi lễ tôn giáo tại thánh đường. Cụ thể mới đây, Hội LHTN phường Dĩ An đã tổ chức chương trình Tết người Chăm cho các thanh niên dân tộc đang sống và làm việc trên địa bàn phường Dĩ An. Chương trình có sự tham gia và giao lưu sôi nổi giữa các thanh niên địa phương và thanh niên ĐBDTTS Chăm với các nội dung ôn lại truyền thống; biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống của dân tộc Chăm; trình diễn giới thiệu các trang phục truyền thống của người Chăm.
Về chăm lo đời sống kinh tế, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, cây con giống… để người Chăm nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tính đến nay, ĐBDTTS Chăm không có hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương, chỉ còn 3 hộ nghèo theo tiêu chí địa phương. Theo ông Phan Ngọc Của, Phó trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh, nhìn chung, đồng bào Chăm chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, sống hòa hợp trong khối đại đoàn kết dân tộc. Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị trong đồng bào Chăm ổn định, chưa phát hiện vụ việc nào có liên quan đến an ninh trật tự và không có vụ khiếu kiện, tranh chấp xảy ra.
T.LÝ