Cuộc đua Mỹ-Trung ở Nam Thái Bình Dương
(BDO) Với việc đảo quốc Palau ở Nam Thái Bình Dương lên tiếng mời gọi Mỹ đến thiết lập các căn cứ quân sự, cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực này đang bắt đầu “dậy sóng”.
Cụ thể, Tổng thống Palau Tommy Remengesau Jr cho báo chí biết trong chuyến thăm đảo quốc này hồi cuối tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mnark Esper đã có cuộc hội đàm với ông về một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh vấn đề an ninh quốc phòng trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng áp lực gây ảnh hưởng tại khu vực Nam Thái Bình Dương.
Và trong cuộc hội đàm đó, ông Remengesau đã cất tiếng mời gọi rằng quân đội Mỹ được chào đón đến đóng căn cứ trên đảo quốc Palau. Ông Remengesau cũng gợi ý rằng việc các tàu tuần duyên của Mỹ xuất hiện tại vùng biển xung quanh Palau có thể giúp nước ông tuần tra bảo vệ nguồn lợi hải sản to lớn.
Tổng thống Palau Tommy Remengesau và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.
Palau là một đảo quốc nhỏ với chỉ 20.000 dân, nằm trong vùng biển Tây Nam Thái Bình Dương, cách Philippines khoảng 1.500km về phía Đông. Quốc gia này mới giành được độc lập cách đây chưa lâu. Palau không có quân đội, do đó khi giành được độc lập, đảo quốc này đã ký kết với Mỹ Hiệp ước Liên kết tự do (CFA) vào năm 1994. Theo đó, Mỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho quốc gia nhỏ bé này, đồng thời quân đội Mỹ được phép tiếp cận tự do các hòn đảo thuộc Palau nhưng cho đến nay Mỹ vẫn chưa đưa quân đến trú đóng tại đây.
Đối với Mỹ, CFA có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do hàng hải trên các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc, là một bộ phận quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington. Vì thế, chuyến công du một vòng các quốc gia Nam Thái Bình Dương của Bộ trưởng Quốc phòng Esper được nhìn nhận là một động thái nhằm duy trì trạng thái hiệu lực của các CFA mà Mỹ đã ký với một số đảo quốc trong khu vực, trong đó có Palau.
Cũng tại khu vực này, Trung Quốc trong những năm qua đã gia tăng các nỗ lực ngoại giao lẫn kinh tế nhằm phá vỡ các liên kết của Mỹ trong khu vực, đồng thời lôi kéo các đảo quốc trong Liên bang các nhà nước Micronesia (FSM) nhằm xây dựng ảnh hưởng cạnh tranh quyết liệt với Mỹ và Australia.
Bắc Kinh đã tung ra hàng tỷ USD đầu tư, viện trợ cho các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, kể cả một số quốc gia nhỏ trong châu Đại Dương, để mua chuộc đồng minh. Bắc Kinh đã áp dụng chính sách cho vay đổi tiền lấy ảnh hưởng chính trị, với các món vay đầu tư tuy không lớn nhưng kém hiệu quả, thiếu bền vững. Các đảo quốc nhỏ trong khu vực Nam Thái Bình Dương phần lớn cũng đang gặp khó khăn về kinh tế nên dễ rơi vào bẫy viện trợ của Trung Quốc, đặc biệt là việc tham gia các dự án Vành đai và Con đường.
Cho đến nay, đã có vài đảo quốc Nam Thái Bình Dương chấp nhận ngả về phía Trung Quốc. Gần đây nhất là 2 quốc đảo Solomon và Kiribati. Tháng 9-2019, quần đảo Solomon tuyên bố cắt quan hệ với Đài Loan và xây dựng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Sau chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 12-2019, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã ký một loạt biên bản ghi nhớ (MOU) với Truntg Quốc, trong đó có cả một MOU về các dự án trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
Kiribati cũng cắt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang Trung Quốc vào tháng 9-2019. Đầu tháng 1-2020, đảo quốc này đã ký MOU tham gia dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tổng thống Kiribati Taneti Maamau được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đó nồng nhiệt tại Đại lễ đường Nhân dân trong chuyến thăm của ông tới Bắc Kinh, như một biểu hiện của sự thắt chặt các mối quan hệ ngoại giao với Kiribati và các quốc gia Nam Thái Bình Dương nói chung.
Tuy nhiên, ngay trong nội bộ các đảo quốc Solomon và Kiribati cũng không hoàn toàn đồng thuận về việc bỏ Đài Loan để theo Trung Quốc. Một bộ phận chính khách và quan chức chính quyền không đồng tình với hành động của Thủ tướng Sogavare đã bị sa thải hoặc buộc phải từ chức. Một bộ phận không nhỏ dân chúng trên đảo quốc này cũng đã bày tỏ sự lo lắng và thất vọng khi Solomon theo Trung Quốc. Còn tại Kiribati, tình hình chưa đến nỗi gay gắt nhưng giới chức đối lập vẫn bày tỏ quan ngại về các khoản nợ khó trả mà Kiribati sẽ phải gồng gánh một khi các dự án Vành đai và Con đường được triển khai.
Riêng đối với đảo quốc Palau, hầu như toàn bộ người dân trên đảo đều không muốn có sự xuất hiện của Trung Quốc và xem việc Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thời gian gần đây là mối đe dọa đang đến rất gần. Từ nhiều năm qua, Palau đã bác bỏ các đề nghị “cho vay ưu đãi” của Trung Quốc và kiên quyết không tham gia Vành đai và Con đường. Sự cứng cỏi của Palau đã khiến quốc đảo này phải trả giá bằng kinh tế. Tháng 11-2017, Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho các nhà điều hành du lịch Trung Quốc phải dừng việc đưa khách du lịch đến Palau, nếu không tuân thủ sẽ bị phạt nặng.
Lệnh cấm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch, ngay lập tức kéo giảm gần một nửa lượng du khách Trung Quốc đến Palau. Cần biết rằng ngành du lịch chiếm tỉ trọng đến 42,3% GDP của Palau, trong đó nguồn thu từ khách du lịch Trung Quốc chiếm tỉ lệ lớn, cho nên việc Bắc Kinh tung độc chiêu có tác động không nhỏ, đã thật sự gây khó khăn cho kinh tế Palau.
Khó khăn càng chồng chất khi đại dịch COVID-19 bùng phát làm cho ngành du lịch gần như tê liệt hoàn toàn. Trong một cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hồi năm 2019, Tổng thống Palau Remengesau đã thúc giục Mỹ cần có sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong khu vực. Palau là một trong số ít quốc gia còn lại chưa chịu khuất phục trước sức ép quan hệ từ Trung Quốc.
Vì vậy, việc ông Remengesau lên tiếng mời gọi có thể được xem là cơ hội cuối cùng cho Nhà Trắng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt với Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Theo CAND