Cuộc đời cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Z.Brzezinski
(BDO) 26-5-2017 tại bang Virginia, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống Jimmy Carter, người từng được xem là kiến trúc sư hàng đầu tạo lập nên chính sách ngoại giao của Mỹ cuối thập niên 1970 Zbigniew Brzezinski đã qua đời ở tuổi 89. Bên trong con người của Zbigniew Brzezinski chất chứa nhiều tham vọng, toan tính thâm sâu và cả những mâu thuẫn khó lý giải.
Mối thù thâm căn đối với Liên Xô
Zbigniew Brzezinski sinh năm 1928 trong một gia đình quý tộc tại Warsaw, Ba Lan, là con của một nhà ngoại giao. Gia đình Z. Brzezinski di cư sang Canada vào năm 1938. Brzezinski tốt nghiệp thạc sĩ khoa chính trị- xã hội học Đại học McGill ở Montreal năm 1950. Ông tiếp tục lấy bằng tiến sĩ chính trị học ở Harvard và được mời về giảng dạy cho trường Đại học Columbia, sau đó làm giảng viên cho Havard, trường đại học nổi tiếng là cái nôi đào tạo tri thức cho các chính trị gia và các vị nguyên thủ.
Cựu Cố vấn Z. Brzezinski năm 2015.
Năm 1968, Z. Brzezinski làm cố vấn đối ngoại cho Phó Tổng thống đảng Dân chủ Hubert Humphrey, người ra tranh cử tổng thống nhưng thua trước Richard Nixon. Trong khi Henry Kissinger được Nixon bổ nhiệm làm cố vấn an ninh, Z. Brzezinski bay đi châu Á, nghiền ngẫm về chiến lược liên thủ giữa Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Chuyến đi này dẫn đến việc ông quyết định tham gia sáng lập Ủy ban Ba bên (Trilateral Commission) vào năm 1973, và qua đó ông kết thân với Jimmy Carter- tổng thống Mỹ tương lai.
Nếu so sánh giữa Z. Brzezinski và H. Kissinger thì người ta sẽ thấy giữa hai nhà chiến lược ngoại giao được đánh giá là sừng sỏ nhất của Mỹ có nhiều nét tương đồng: Cả hai cùng là di dân- Kissinger sinh trưởng ở Đức cùng gia đình di dân đến New York năm 1938 để trốn tránh việc phát xít Đức truy sát những gia đình gốc Do Thái; gia đình Brzezinski không về được Ba Lan vì đối nghịch chế độ cầm quyền.
Cả hai cùng lấy bằng tiến sĩ ở khoa chính trị học của Harvard. Kissinger sau đó trở thành giáo sư ở Harvard, còn Brzezinski đi dạy ở Đại học Columbia. Gần như cùng lúc, hai người bước vào chính trường; Kissinger theo đảng Cộng hòa, còn Brzezinski theo phe Dân chủ nhưng vì những thể hiện quan điểm mang tính chất "diều hâu" trong con người của Brzezinski nên nhà hoạch định chiến lược này có thể đứng chung hàng ngũ với phe Cộng hòa cùng các nhân vật khét tiếng như Kissinger và Tổng thống Richard Nixon, trước hết đó là mối hận thù thâm căn đối với Liên Xô.
Trong thời kỳ 4 năm ông ta phục vụ cho Tổng thống Carter, bắt đầu từ năm 1977, việc ngăn chặn Liên Xô mở rộng ảnh hưởng bằng bất cứ giá nào đã trở thành kim chỉ nam cho phần lớn chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính Brzezinski là người đi đầu trong chủ trương hỗ trợ hàng tỷ đôla cho lực lượng thánh chiến Hồi giáo Mujahedeen chiến đấu chống lại quân đội Liên Xô ở Afghanistan và cố gắng trì hoãn việc thực thi hiệp ước SALT II (về cắt giảm vũ khí chiến lược) vào năm 1979, bằng việc đưa ra các phản đối nhằm vào các động thái của Liên Xô ở Việt Nam, châu Phi và Cuba.
Khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan cuối năm đó, "SALT đã biến mất khỏi chương trình nghị sự Mỹ-Xô" như những gì Brzezinski viết trong hồi ký xuất bản 4 năm sau đó- năm 1983. Trong quyển hồi ký này, ông ta điểm lại một loạt các mục tiêu chính sách nằm ngoài việc kiềm chế Liên Xô với tôn chỉ "Điều quan trọng đầu tiên là cố gắng gia tăng ảnh hưởng ý thức hệ của Mỹ lên toàn thế giới, để Mỹ trở thành nguồn hy vọng của loài người, trở thành 'làn sóng của tương lai".
Quan điểm này được bao bọc bởi những mỹ từ cho rằng, bản thân mình "nhắm tới việc khôi phục sự hấp dẫn của nước Mỹ đối với thế giới đang phát triển thông qua các mối quan hệ kinh tế tốt đẹp hơn". Tuy nhiên ông ta cũng thừa nhận luôn là mình đã tập trung quá nhiều vào các nước mà ông ta luôn cảm thấy "mối đe dọa to lớn tiềm ẩn" là Liên Xô và Cuba.
Mặt trái tấm huân chương
Từ năm 1977, khi Mỹ - Trung Quốc chủ động xích lại gần nhau, có thể nói hai chính khách quan trọng nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung là Z. Brzezinski, cố vấn an ninh cho Tổng thống Mỹ và ông Đặng Tiểu Bình.
Cố vấn Z. Brzezinski, Tổng thống Jimmy Carter và Ngoại trưởng Cyrus Vance.
Trong một buổi tiệc ngoại giao diễn ra vào tháng 11-1977 tại Washington, nhân viên ngoại giao Trung Quốc tiếp cận Brzezinski với câu hỏi ông cố vấn có ý định thăm Trung Quốc hay không. Brzezinski lập tức rút sổ tay ghi chú và đề nghị người đối diện đưa ra thời gian cụ thể. Ngay sau đó, viên cố vấn lại gửi thư cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, nhắc lại mong muốn viếng thăm nước này.
Biết tin, Ngoại trưởng Cyrus Vance lập tức phản đối, như lời kể của Tổng thống Carter trong hồi ký: "Ngoại trưởng Vance khăng khăng đòi mọi hình thức đàm phán phải được thực hiện qua ông ấy. Người ở Bộ Ngoại giao đương nhiên rất khó chịu trước hành vi 'vượt mặt' của Brzezinski vì trước đây từng xảy ra việc Ngoại trưởng William Rogers bị 'bỏ xó' khi Henry Kissinger, trong cương vị Cố vấn An ninh quốc gia của Nixon, đóng vai trò quan trọng để chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của người đứng đầu nước Mỹ và thương thảo tuyên bố chung Thượng Hải".
Trong nước cờ này, Brzezinski một lần nữa thể hiện rõ tham vọng và tính cách lấn lướt người khác cũng như không ngại va chạm để đạt mục đích. Trong khi Ngoại trưởng Cyrus Vance từng nhất trí với chính sách của tổng thống tiền nhiệm Nixon và H. Kissinger về thế cân bằng quyền lực giữa bộ ba Mỹ-Trung Quốc- Liên Xô thì Brzezinski lại chế nhạo xem đó là trò "đu dây", rồi ông ta ra sức tuyên truyền cho cái mà ông ta gọi là "việc làm xấu đi ở cấp chiến lược" quan hệ với Moscow và tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu Brzezinski bộc lộ "quyền lực trong bóng tối" của mình.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ làm cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Jimmy Carter, Brzezinski đã có tiếng là người "chém đinh chặt sắt" và thích đấu đá qua việc giành cho mình độc quyền cung cấp thông tin tình báo hàng ngày cho Tổng thống mà trước đó vốn là đặc quyền của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Brzezinski còn thường xuyên gọi cánh báo chí tới văn phòng mình để tự trình bày quan điểm về nhiều vấn đề trước sự khó chịu của Ngoại trưởng Vance. Nếu có phóng viên nào dám vặn lại quan điểm của Brzezinski, ông ta sẽ dằn mặt phóng viên đó ngay. Brzezinski từng cao giọng nói thẳng với một phóng viên bằng câu: "Tôi sẽ cắt đầu anh".
Brzezinski đã liên tục tác động lên Tổng thống Jimmy Carter để được phép sang Bắc Kinh vào tháng 5-1978 với toan tính về thời điểm Cyrus Vance đang ở Moscow, làm vị Ngoại trưởng dù có phản đối cũng không làm gì được.
Brzezinski còn mạnh dạn khẳng định với phía Trung Quốc: "Tổng thống của chúng tôi quyết tâm hợp tác với các bạn để vượt qua những trở ngại còn lại trên con đường bình thường hóa hoàn toàn. Hoa Kỳ đã có quyết định về vấn đề này". Và còn một chi tiết là phái đoàn Mỹ trước khi đến Bắc Kinh luôn có "hảo ý" dành cho "đối tác chiến lược": thường xuyên cung cấp tin tình báo về các đợt chuyển quân của Liên Xô dọc đường biên giới Xô-Trung.
Tại Bắc Kinh, Brzezinski khởi động ngay cuộc đàm phán dẫn tới việc khôi phục quan hệ ngoại giao bình thường giữa Mỹ và Trung Quốc vào tháng 7 sau đó.
Chưa hết, trên đường quay về, Brzezinski tự ý dừng lại ở Tokyo mà không hỏi trước ý kiến Tổng thống để thúc giục chính phủ Nhật ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị với Trung Quốc. Món quà dành cho "tình bằng bằng hữu mới thiết lập" ấy được hình thành bằng một hiệp ước Trung - Nhật được ký vào tháng 8.
Năm 1981, trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, như một cách ghi nhận công trạng cho người đã giúp mình tạo dấu ấn trên vũ đài quốc tế, Tổng thống Jimmy Carter đã trao cho Brzezinski Huân chương Tự do vì vai trò trong việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung.
Nhưng tấm huân chương nào cũng có mặt trái của nó. Brzezinski là nhân vật chủ đạo đằng sau quyết định dùng lực lượng đặc nhiệm để giải cứu các con tin Mỹ bị lực lượng của Giáo chủ Iran Ruhollah Khomeini bắt giữ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 lật đổ Quốc vương Mohammed Reza Pahlavi được Mỹ hậu thuẫn. Động cơ thúc đẩy Brzezinski tiến hành cuộc giải cứu xuất phát từ sâu trong mối bận tâm của ông ta về ảnh hưởng của Liên Xô. Brzezinski lập luận rằng, việc áp đặt lệnh trừng phạt hoặc biện pháp ngoại giao để buộc Iran thả con tin sẽ chỉ khiến "Iran ngả về Liên Xô".
Brzezinski còn tính toán rằng, nếu chiến dịch giải cứu thành công thì điều này sẽ tạo ra sự khích lệ lớn cho Mỹ nhằm gột rửa quá khứ Mỹ đã vướng vào "bãi lầy chiến tranh Việt Nam" trong suốt 20 năm. Nhưng rồi tháng 4-1980, cuộc giải cứu đã trở thành thảm họa với 8 người thiệt mạng và nhóm giải cứu đã không đặt chân đến được Tehran. Vài ngày trước khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ hành động, Ngoại trưởng Vance thậm chí còn không hề được thông báo. Thảm họa này đã khiến ông Vance phải từ chức trong tức giận và cay đắng.
Con người bất nhất và nhiều mâu thuẫn
Brzezinski không phải lúc nào cũng nhất quán trong quan điểm chính trị của mình. Khi được bổ nhiệm về Ủy ban Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 1966, ông ta luôn hăng hái cổ súy cho việc Mỹ nhất định phải can thiệp vào chiến tranh Việt Nam.
Năm 1968, sau một loạt cuộc biểu tình bạo lực phản chiến ở Columbia và những nơi khác, Brzezinski cho đăng trên tờ The New Republic bài viết nói rõ: cần phải có biện pháp mạnh đối với các sinh viên tham gia biểu tình: "Nếu đám lãnh đạo sinh viên đó không bị bắt bỏ tù thì ít nhất cũng phải bị trục xuất khỏi đất nước này". Tuy nhiên cùng năm đó, Brzezinski lại rút lui khỏi Ủy ban Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ để phản đối việc mở rộng sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến ở Đông Dương dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson.
Và rồi sau đó, Brzezinski lại làm cố vấn chính sách đối ngoại cho Phó Tổng thống Hubert H. Humphrey, người bảo vệ việc mở rộng sự can thiệp này! Liên quan đến việc Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003, Brzezinski khi đó đã phản đối và dự báo rằng "một nước Mỹ tự ý hành động sẽ trở nên cô độc khi phải đương đầu với các chi phí và gánh nặng do hậu quả chiến tranh, chưa nói tới sự thù địch ngày càng gia tăng ở nước ngoài".
Trong một cuốn sách ấn hành năm 2007, Brzezinski đánh giá hậu quả của Chiến tranh Iraq 2003 và chỉ trích các chính quyền của các vị Tổng thống kế tiếp là George Bush, Bill Clinton và George W. Bush là đã không biết tận dụng cơ hội để nước Mỹ "lãnh đạo thế giới" từ thời khắc Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989.
Cũng chính vì tính cách nhiều mâu thuẫn mà Brzezinski có lần đã không góp tay với Lầu Năm Góc gây ra một cuộc đối đầu quân sự căng thẳng với "đối thủ truyền kiếp". Câu chuyện xảy ra vào rạng sáng ngày 9-11-1979, Brzezinski đang yên giấc thì bị William Odom, trợ lý quân sự đánh thức bằng cú điện thoại báo "hung tin" rằng, nửa phút trước, 250 quả tên lửa của Liên Xô đã được phóng về phía Mỹ!
Theo quy trình, ông Brzezinski có 2 phút để xác minh thông tin và có thêm 4 phút nữa để đánh thức tổng thống và đưa ra biện pháp phản ứng. Brzezinski nhớ lại: "Mỗi khi ngồi trên máy bay, lúc đi vào vùng nhiễu động tôi thường rất hồi hộp. Tuy nhiên lần này tôi lại hoàn toàn bình tĩnh".
Brzezinski trong cuộc gọi thứ hai cho William Odom truyền lệnh rằng, phải đảm bảo các máy bay ném bom của Bộ Tư lệnh không quân chiến lược (SAC) đã cất cánh, các hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa được đặt trong tình trạng báo động. 1 phút trước khi Brzezinski định gọi cho Tổng thống Carter, trợ lý Odom gọi lại lần thứ ba và thông báo: Đó là báo động giả! Một người nào đó đã bỏ cuốn băng diễn tập vào máy tính của Bộ Tư lệnh Phòng thủ không gian Bắc Mỹ khiến hệ thống cảnh báo sớm bị kích hoạt.
Brzezinski đã bình tĩnh nói với trợ lý rằng "phải đảm bảo các máy bay của SAC đã được gọi quay trở về". Nỗi lo sợ mơ hồ về "kẻ thù" đã không khiến Brzezinski ra một quyết định đánh vào vận mệnh của đất nước mà cả cuộc đời mình đã tận trung cống hiến.
Theo CAND