Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và giải pháp đối phó của Trung Quốc

Thứ hai, ngày 16/07/2018

(BDO)  

Sản phẩm ống thép tại một nhà máy ở Sơn Đông, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung không ngừng gia tăng trong nửa đầu năm 2018. Từ ngày ngày 6/7, các mức thuế mới lên đến hàng chục tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ mỗi bên được áp dụng, báo hiệu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chính thức bắt đầu, gây nhiều ảnh hưởng đến kinh tế hai nước cũng như kinh tế toàn cầu.

Từ ngày 6/7/2018, Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với 34 tỷ USD giá trị hàng hoá nhập từ Trung Quốc, tập trung vào các mặt hàng động cơ, máy xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện, viễn thông và giao thông.

Tuy nhiên, 16 tỷ USD hàng hoá khác có thể bị đánh thuế sau 2 tuần nữa. Không chỉ vậy, giá trị đánh thuế bổ sung có thể lên đến 200 tỷ USD, thậm chí theo tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump là có thể lên đến 500 tỷ USD - tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ năm 2017.

Phản ứng trước những động thái quyết liệt của chính quyền Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này buộc phải đưa ra những biện pháp trả đũa đối đẳng cả về quy mô lẫn tiến độ thực hiện. Đợt đầu phía Trung Quốc nhanh chóng trả đũa bằng gói thuế quan 25% tương tự nhằm vào 545 mặt hàng của Mỹ - từ ôtô tới nông phẩm, thủy sản, cũng trị giá 34 tỷ USD.

Tác động tiêu cực

Cuộc chiến thương mại nổ ra gây nhiều tác động đến nền kinh tế hai nước, nhưng tác động đối với Trung Quốc được cho là lớn hơn so với Mỹ, được thể hiện chủ yếu qua một số mặt sau.

Một là, Trung Quốc phải giữ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) thấp để hỗ trợ xuất khẩu. Xung quanh thời điểm Mỹ áp mức thuế mới lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc lần này, đồng NDT đã giảm giá khoảng 3% so với đồng USD.

Việc phá giá đồng nội tệ cũng là một nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc suy giảm, theo dự báo là 0,1%-0,3%. Còn tăng trưởng xuất khẩu dự kiến giảm 1%. Theo tính toán thì những số liệu này với Mỹ sẽ nhỏ hơn.

Hai là, chiến lược trở thành nước tiên tiến về khoa học công nghệ vào năm 2015 do Trung Quốc đưa ra sẽ chịu tổn thất khá lớn trong cuộc chiến thương mại. Mục đích của Tổng thống Donald Trump khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không chỉ nhắm vào lĩnh vực thương mại, mà còn vào kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025," nhằm buộc Trung Quốc phải nhượng bộ nhiều hơn, hạn chế sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng thời có thể đòi Trung Quốc cởi mở hơn trong lĩnh vực tài chính tiền tệ.

Ba là, việc Mỹ nâng cao hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc làm gia tăng giá thành sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Các ngành nghề, doanh nghiệp liên quan lĩnh vực bị nâng thuế suất trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng, ngành nghề có lượng xuất khẩu càng lớn sẽ bị tác động càng mạnh, ví dụ như cơ điện, quần áo, đồ chơi.

Đặc biệt, trong bối cảnh ưu thế giá thành rẻ của ngành chế tạo Trung Quốc tại Mỹ dần bị mất đi thì việc Mỹ đưa ra kế hoạch tăng thuế nhằm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc sẽ tạo ra áp lực lớn cho ngành chế tạo của Trung Quốc.

Bốn là, chiến tranh thương mại sẽ gây tác động tiêu cực đối với vật giá tại Trung Quốc do các biện pháp đáp trả của nước này. Đòn đáp trả chính của Trung Quốc tập trung vào nông sản, mà lại là những mặt hàng thiết yếu Trung Quốc cần nhất như đậu tương. Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ các chế phẩm từ đậu tương, và cũng sử dụng nhiều đậu tương làm nguyên liệu chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn.

Đậu tương hiện nằm trong danh sách hàng Mỹ bị phía Trung Quốc tăng thuế. Ngoài ra, trong động thái mới nhất, Trung Quốc đã giảm bớt cam kết mua 366.000 tấn đậu tương từ Mỹ trong mùa vụ kết thúc ngày 31/8/2018; giảm mua thêm 66.000 tấn trong năm tiếp theo.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ đậu tương, thịt lợn tại Trung Quốc, cũng như một số ngành chế biên liên quan đến mặt hàng này.

Năm là, chiến tranh thương mại tác động tiêu cực đến lĩnh vực tài chính tiền tệ. Vào thời điểm cuối tháng 6, thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi vào trạng thái suy giảm kéo dài do lo ngại nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ.

Sang tháng 7, hoạt động bán tháo trở lại trên diện rộng trong bối cảnh lo ngại về sự giảm giá của đồng NDT, những hạn chế đối với thị trường bất động sản Trung Quốc và ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

...và tác động tích cực

Trước những động thái bảo hộ thương mại của Mỹ, Trung Quốc sẽ buộc phải đẩy mạnh tự chủ sáng tạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ cơ bản. Điều này sẽ giúp Trung Quốc sớm thực hiện mục tiêu trở thành nước mạnh về sản xuất công nghiệp, khoa học công nghệ, nước mạnh về chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm nhập nhẩu của Trung Quốc cũng sẽ ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, trong khối lượng sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm của Trung Quốc sẽ có thêm nhiều lựa chọn, không nhất thiết phải nhập khẩu từ Mỹ.

Thị trường Trung Quốc cũng ưa chuộng các mặt hàng nông sản của Việt Nam, do vậy có thể xem xét nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng này từ Việt Nam.

Là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời là nước xuất siêu lớn nhất sang Mỹ, Trung Quốc cũng đáp trả mạnh mẽ đối với những động thái gây căng thẳng của Mỹ bằng những biện pháp mang tính tổng hợp. Trung Quốc có không ít công cụ để đối phó với việc gia tăng bảo hộ thương mại của Mỹ.

Là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc cũng có thể gây áp lực tài chính đối với Mỹ trong khi nước này đang đối mặt với khoản nợ trong nước lên đến hơn 20.000 tỷ USD.

Là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ đối với một số loại hàng hóa, Trung Quốc không chỉ nhằm vào hàng nông sản của Mỹ như đậu nành, bông, thịt bò, mà còn có thể tiến hành phản công toàn diện đối với hàng loạt sản phẩm ngành công nghiệp của Mỹ như máy bay, xe hơi.

Là nước đông dân nhất thế giới lại theo chế độ xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc có thể khiến cả nước trên dưới đồng lòng, dốc toàn lực ứng phó với cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động.

Là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp xếp hàng để xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều vô kể, Trung Quốc không thiếu đối tác thương mại để lựa chọn thay thế, còn Mỹ có thể mất đi thị trường có quy mô lớn nhất thế giới với số lượng tầng lớp trung lưu khổng lồ.

Giới chuyên gia cho rằng, trong đàm phán thương mại với Mỹ, Trung Quốc cần kiên trì bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách tiền tệ, tài chính, thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Trung Quốc cũng cần tiếp tục tăng cường phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại, kiên trì thương mại và đầu tư đa phương.

Có thể nói các động thái mới nhất của Mỹ và phản ứng của Trung Quốc đang đẩy quan hệ thương mại song phương sang một giai đoạn căng thẳng mới, xóa nhòa những "thành quả" mà hai bên phải hết sức nhượng bộ mới có thể đạt được trong các cuộc đàm phán nước rút gần đây.

Điều này cho thấy xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ còn tiếp diễn lâu dài giữa hai nước, qua đó có thể gây nhiều thiệt hại cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đe dọa đà phục hồi của kinh tế thế giới./.  

Theo TTXVN