Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp khoa học - công nghệ cần tận dụng tốt cơ hội
(BDO) Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), theo đánh giá của các chuyên gia là làn sóng mới tác động đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN) nói chung và các DN khoa học và công nghệ (KHCN) nói riêng. Bên cạnh thách thức, CMCN 4.0 là cơ hội để các DN KHCN nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ sản xuất.
Cơ hội lớn
Trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra hiện nay, công nghệ, tri thức và sáng tạo trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của quốc gia cũng như của từng DN. Theo đó, trong chuỗi giá trị của một sản phẩm, giá trị cao nhất nằm ở ý tưởng, thương hiệu, kết quảnghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế, cung ứng…
Với cuộc CMCN 4.0, DN KHCN sẽ có điều kiện tiếp cận với công nghệ của các nước có nền KHCN tiên tiến và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trong ảnh: Dây chuyền nhúng men tự động trong sản xuất các sản phẩm dân dụng của Công ty TNHH Minh Long I. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, cho rằng với CMCN 4.0, các DN KHCN sẽ có nhiều thuận lợi trong việc học tập kinh nghiệm, tiếp thu những thành tựu KHCN trên thế giới phục vụ cho sự phát triển của DN. Từ cuộc CMCN 4.0, DN KHCN có nhiều cơ hội nhận chuyển giao các dây chuyền công nghệ, khoa học tiên tiến của thế giới vào từng ngành nghề.
Lãnh đạo các DN KHCN trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, CMCN 4.0 diễn ra là bước ngoặt quan trọng để DN tiếp cận được thị trường công nghệ của các nước tiên tiến. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, chia sẻ là một công ty chuyên về sản xuất gốm sứ, do đó việc thay đổi công nghệ là cần thiết đối với công ty và đòi hỏi cần phải có thời gian thực hiện. Với cuộc CMCN 4.0, Minh Long I sẽ có điều kiện tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc áp dụng công nghệ nung một lần lửa, cải tiến hệ thống sản xuất tự động phù hợp với công nghệ mới trong sản xuất gốm sứ.
Ngoài ra, với việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN KHCN không chỉ tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng, có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, mà còn tạo ra làn sóng khuyến khích các DN nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Trong thời gian qua, công ty đã có nhiều cải tiến trong sản xuất lò sấy năng lượng mặt trời và các sản phẩm sử dụng nhiệt. Thông qua CMCN 4.0, công ty sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với công nghệ sấy hiện đại của các nước phát triển, giúp DN hạ giá thành sản phẩm để có thể cạnh tranh tốt trong điều kiện hội nhập. Hiện công ty đã đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị cho phù hợp với công nghệ sấy mới”, bà Hứa Thị Huần, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ Nhiệt và Môi trường CAXE, nói.
Chủ động giải quyết thách thức
Các chuyên gia khẳng định, với CMCN 4.0, bên cạnh những thuận lợi, các DN KHCN cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn trước hết, sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt bởi các nước tiên tiến trên thế giới; cùng với đó là vấn đề bản quyền, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực thi hành... “Bên cạnh việc được tiếp cận công nghệ của các nước tiên tiến trên thế giới thì vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… các DN hiện nay thường mắc phải. Nếu DN không chú ý sẽ dẫn đến tình trạng tranh chấp, kiện bản quyền”, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của các DN KHCN được đánh giá cao, có chất lượng tốt nhưng không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại do sự e ngại của người tiêu dùng; công tác truyền thông, quảng bá của DN còn hạn chế... “Điển hình như trường hợp dòng sản phẩm từ cây trinh nữ hoàng cung của Công ty TNHH Thiên Dược (Bình Dương), sản phẩm lò đốt rác thải y tế công nghệ cao của Công ty TNHH Nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long (Bắc Kạn)… mặc dù đây đều là những sản phẩm KHCN mới, được các cơ quan KHCN đánh giá cao nhưng còn khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường và thương mại hóa sản phẩm”, đại diện Cục Phát triển thị trường và DN KHCN (Bộ KHCN), nói.
Khó khăn nữa là việc đổi mới công nghệ của DN trong nước so với mặt bằng chung của thế giới vẫn còn chậm. Có thể thấy, trong điều kiện nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, việc đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ bị hạn chế khiến cho các sản phẩm KHCN của DN chậm lại, làm giảm năng lực cạnh tranh.
Theo ông Lý Ngọc Minh, mặc dù đã thành công trong việc áp dụng công nghệ nung một lần lửa nhưng việc đưa công nghệ này vào chương trình tự động hóa DN phải tốn nhiều thời gian, chi phí đầu tư. “Đây chỉ mới là bước đầu cho công cuộc đổi mới KHCN tự động hóa trong chiến lược sản xuất của Công ty Minh Long I. Chúng tôi ước tính, quá trình này nếu nâng cấp tự động hóa toàn xưởng như đã đề ra thì phải nâng cấp, đầu tư thêm thiết bị và thời gian ít nhất cũng 3 - 5 năm”, ông Minh khẳng định.
HOÀNG PHẠM