Cùng hành động vì chất lượng môi trường
Ô nhiễm từ nước thải, chất thải rắn…
Theo con số thống kê mỗi ngày, toàn tỉnh có tổng lượng nước thải công nghiệp khoảng 129.000m3, trong đó lượng nước thải từ các KCN khoảng 49.000m3/ngày và lượng nước thải từ các CCN, các doanh nghiệp (DN) nằm ngoài KCN khoảng 80.000m3/ngày. Một số cán bộ phụ trách môi trường ở Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, đánh giá trong số 24 KCN đã đi vào hoạt động thì có 20 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 3 KCN đang xây dựng, đạt tỷ lệ 86% và 1 KCN chưa triển khai xây dựng. Và kết quả quan trắc nước thải của các KCN thời gian qua, cho thấy tỷ lệ các KCN còn thải nước thải vượt quy chuẩn cho phép khoảng 38%. Việc chưa xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường cùng với một số DN chưa đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung đã gây tình trạng ô nhiễm môi trường tại nguồn tiếp nhận nước thải của một số KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay. Làm việc trong môi trường trong lành sẽ góp phần tăng năng suất, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cho người lao động
Không chỉ thế, vấn đề xử lý nước thải cho các CCN đang hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế. Cán bộ môi trường phân tích thêm trong 10 CCN hình thành, chỉ có CCN Thành Phố Đẹp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, các CCN còn lại chưa xây dựng, thậm chí chưa tách riêng hệ thống nước mưa và nước thải mà các DN trong CCN này tự xử lý nước thải trong nhà máy rồi thải vào hệ thống thoát chung.
Điều đó cho thấy, công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm ngoài KCN còn rất hạn chế, trong đó đa số là các DN có quy mô vừa và nhỏ, được hình thành từ những năm 1990- 1995 nhưng công nghệ lạc hậu, lại nằm đan xen trong các vùng dân cư không có hạ tầng kỹ thuật về cấp thoát nước. Tính đến nay có khoảng 75% số cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN, CCN đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thế nhưng chỉ có khoảng 20% xử lý đạt hiệu quả.
Cũng theo con số thống kê, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 883 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải nguy hại 169 tấn/ ngày. Cán bộ môi trường cho biết tại các DN, tình trạng thu gom, thải bỏ chung chất thải nguy hại với rác sinh hoạt còn phổ biến, nhất là các DN có quy mô sản xuất nhỏ, hình thức hộ gia đình. Ngoài ra, ý thức trách nhiệm của nhiều chủ nguồn thải về an toàn lao động trong khâu phân loại rác tại nguồn chưa cao. Đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe của người lao động.
Không thu hút những ngành có nguy cơ ô nhiễm cao
Để góp phần hạn chế ô nhiễm, Bình Dương cũng đã ban hành Chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp tỉnh Bình Dương 2006-2010 và Quy định bố trí các ngành sản xuất công nghiệp theo hướng ưu tiên đầu tư vào KCN và không thu hút các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao như dệt nhuộm, thuộc da, xi mạ… Việc xem xét, đánh giá các dự án đầu tư gắn với việc đáp ứng, phù hợp với quy hoạch và bảo đảm các điều kiện về môi trường cũng được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN, nhất là hệ thống thoát nước chưa được xây dựng một cách đồng bộ, nước thải của một số KCN không có chỗ thoát làm gia tăng thêm các điểm nóng về môi trường, một số CCN, nhất là các CCN không có chủ đầu tư chưa có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; không ít DN xây dựng hệ thống xử lý nước thải chỉ mang tính chất đối phó; tỷ lệ cơ sở sản xuất xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định còn thấp (16,5%); tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở một số khu vực có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị nhanh.
Vì thế, một trong những giải pháp quan trọng hơn hết để hạn chế ô nhiễm môi trường công nghiệp đó là 2 năm 1 lần, Bình Dương tiến hành phân hạng và công bố Sách xanh nhằm biểu dương, khen thưởng các DN trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt yêu cầu về BVMT. Cùng với các giải pháp khác, hy vọng trong tương lai gần DN ở Bình Dương sẽ khắc phục hạn chế về môi trường để hành động vì chất lượng môi trường và phát triển bền vững.
MAI HUY