Củng cố thị trường trước xu thế hội nhập

Thứ hai, ngày 12/10/2015

Như vậy, sau nhiều năm ròng rã đàm phán, Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. Với Việt Nam, đây là cơ hội mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế với các nước tham gia hiệp định này, trong đó có Mỹ, Canada, Mexico, Peru - những quốc gia Việt Nam chưa có Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Đón nhận thông tin này, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương khá hào hứng, có lẽ do chờ đợi thời gian đàm phán quá lâu. Tuy nhiên, các DN đều nhận ra những thuận lợi và khó khăn khi tham gia TPP. Theo các chuyên gia, với những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân ngay trên sân chơi trong nước cũng sẽ chịu cảnh “chia năm xẻ bảy” thị phần, bởi càng hội nhập mức độ cạnh tranh càng gay gắt và khốc liệt.

Tại Bình Dương, với thế mạnh những mặt hàng xuất khẩu là điện tử, may mặc, gỗ… sẽ có nhiều thuận lợi theo lộ trình giảm thuế suất xuống còn 0%. Nhưng theo ý kiến của nhiều DN tại Bình Dương, mở rộng thị trường là việc cần phải làm nhưng không phải ở “thì hiện tại”. Trước mắt, các doanh nghiệp cần tính toán việc củng cố thị trường truyền thống vì nhiều nước có những mặt hàng tương tự như Việt Nam cũng tham gia TPP; bên cạnh đó cần quan tâm nhiều hơn về chất lượng, giá cả và khâu hậu mãi khi tham gia thị trường.

Chủ một DN thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương cho biết, ngành chăn nuôi cũng phải chịu áp lực rất lớn như nhiều mặt hàng truyền thống khác. DN này nhận định, trước khi “đem chuông đi đánh xứ người” thì thị trường nội địa vẫn là thị trường bền vững bởi lợi thế “không ai hiểu người Việt bằng người Việt”. Củng cố và xây dựng vững chắc những thị trường truyền thống mới giúp DN an tâm xông pha “tiền tuyến” được.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới các DN cần củng cố thị trường nội địa, quan tâm nhiều hơn thị trường xuất khấu truyền thống trước khi mở rộng thị phần xuất khẩu. Thời gian này, các DN cũng cần tìm hiểu thật kỹ pháp luật, hàng rào kỹ thuật của những đối tác trong TPP, nhất là các nước khu vực châu Mỹ để giảm thiểu tối đa rủi ro chuẩn bị cho những bước phát triển sau này.

H.PHONG