Củng cố niềm tự hào dân tộc trong mỗi người Việt Nam ở nước ngoài

Thứ ba, ngày 24/11/2020

(BDO)

 

Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 36-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, gia tăng về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Vai trò, vị thế, uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được nâng cao.

Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước.

Nguồn lực quan trọng của đất nước

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị cho biết, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, tiếng Việt, hội nhập với sở tại và đóng góp xây dựng đất nước.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, gia tăng về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn; vai trò, vị thế, uy tín ngày càng được nâng cao.

Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước phát triển.

Đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại, trên các lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; có tiềm lực đáng kể về trình độ khoa học-kỹ thuật.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, là một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD.

Trong 5 năm gần đây (từ 2015-2019), với mức tăng trưởng trung bình 6%/năm, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD, chiếm khoảng 44% tổng kiều hối đạt được trong vòng 26 năm (từ năm 1993 đến năm 2019).

Riêng năm 2020, Ngân hàng Thế giới dự báo kiều hối về Việt Nam đạt 15,686 tỷ USD, tương đương 5,8% GDP.

Bên cạnh đó, kiều bào luôn đồng hành, hưởng ứng tích cực, tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai và phòng chống dịch bệnh.

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp khoảng 35 tỷ đồng cùng nhiều vật tư y tế, ủng hộ cho công tác phòng chống dịch trong nước.

Trong đợt lũ lụt ở miền Trung vừa qua, kiều bào đã quyên góp khoảng 34 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa để hỗ trợ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Ông Lương Thanh nghị khẳng định, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước, niềm tự hào dân tộc trong mỗi kiều bào ngày càng được củng cố, tăng cường.

"Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, thành công của đất nước trong việc khống chế, kiểm soát dịch COVID-19, sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài khiến kiều bào càng cảm nhận rõ hơn về sự ưu việt của chế độ, qua đó củng cố mạnh mẽ niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với Đảng, Nhà nước," Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết.

Kết nối cộng đồng, hướng về đất nước

Thực hiện tinh thần chỉ đạo phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, trong 5 năm qua, các sáng kiến tập hợp, kết nối trí thức người Việt tại địa bàn được đề xuất, triển khai.

Các tổ chức của trí thức, doanh nhân đóng vai trò lớn trong việc kết nối, quy tụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đóng vai trò đầu tàu trong hoạt động cộng đồng ở một số địa bàn. Các hội đoàn tiêu biểu như Nhóm Sáng kiến Việt Nam (Mỹ), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global (Pháp), Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, Liên hiệp các Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu… đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, ý kiến đóng góp cho phát triển đất nước gắn liền với bối cảnh quốc tế.

Tiếp nối thành công của các nhóm trí thức, doanh nhân kiều bào thời gian qua, trong những năm gần đây, nhiều hội đoàn mới thành lập như Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA), Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt-Đức (VGI Network), Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tại Phần Lan (VietES), Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ), Câu lạc bộ Ái Việt (AVC), Mạng lưới Khởi nghiệp Việt Nam tại châu Âu (VSNE), Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ (VENUSA), Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sỹ (AVIES)…

Trong đó, hầu hết các hội đoàn quy tụ các kiều bào trẻ (dưới 40 tuổi, thuộc thế hệ kiều bào thứ 2, thứ 3 hoặc du học sinh ở lại nước sở tại), bước đầu có nhiều hoạt động kết nối cộng đồng, hướng về đất nước.

"Xu hướng này góp phần thể hiện vai trò ngày càng lớn của kiều bào trẻ trong sinh hoạt cộng đồng cũng như tiềm năng đóng góp của lực lượng này cho đất nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi các trí thức, doanh nhân trẻ đang phấn đấu, xây dựng sự nghiệp ở nước ngoài nhưng vẫn tâm huyết, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước," ông Lương Thanh Nghị cho biết.

Cùng với đó, từ năm 2015 đến nay, nhiều hội nghị, diễn đàn được tổ chức trong và ngoài nước như: Diễn đàn Chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Hội nghị thường niên các nhà kinh tế học Việt Nam VEAM 2017, Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 để đóng góp ý kiến trong việc xây dựng chiến lược của Việt Nam nhằm thích ứng với những chuyển biến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng năm 2019, Hội nghị "Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam" năm 2020…

Đại diện các hiệp hội doanh nhân Việt kiều và đại diện EuroCham tham gia chương trình tọa đàm“Phát huy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp kiều bào vì sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh-nâng tầm sản phẩm Việt”, tháng 10/2020. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố, phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ, lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, trở thành cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Theo thống kê, hiện có hàng nghìn hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trên khắp thế giới, trong đó có khoảng 500 hội đoàn thường xuyên liên hệ và có quan hệ chặt chẽ với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Từ thành lập nhỏ lẻ, đến nay, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đã phát triển về cả số lượng, thành phần tại nhiều khu vực với hình thức tổ chức, tính chất hoạt động đa dạng, phong phú, cơ cấu tổ chức tiếp tục được kiện toàn, củng cố; đã bắt đầu hình thành tổ chức hội liên khu vực.

Trong những năm qua, nhiều cơ sở tôn giáo của người Việt Nam ở nước ngoài được thành lập, duy trì đều đặn hoạt động sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng.

Ngày càng có nhiều kiều bào là nhà khoa học, doanh nhân, văn nghệ sỹ, vận động viên về nước sinh sống, làm việc, đầu tư kinh doanh, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao...

Lưu giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Bên cạnh đóng góp về phát triển kinh tế, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chú trọng giữ gìn và giáo dục con cháu về những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam.

Ông Lương Thanh nghị cho biết, hầu hết các gia đình người Việt Nam ở nước ngoài vẫn giữ nếp sinh hoạt truyền thống như ăn Tết Âm lịch; thờ tổ tiên, ông bà với không gian thờ cúng được bài trí theo phong tục, tập quán Việt Nam; duy trì truyền thống kính trên, nhường dưới; tổ chức các lễ hội truyền thống; nấu, phổ biến ẩm thực mang đậm hương vị quê nhà...

Trong những năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, góp phần khơi dậy, nuôi dưỡng, phát huy truyền thống Việt Nam đến người Việt Nam ở nước ngoài như chương trình Xuân Quê hương; đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ cộng đồng nhân dịp Tết Nguyên đán; đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1; trại hè Việt Nam…

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt từ khi Chỉ thị 45-CT/TW ra đời, nhiều chính sách, biện pháp đã được ban hành, thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Hằng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào.

Đến nay, hơn 300 giáo viên kiều bào đã được tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ở sở tại.

Để phục vụ công tác dạy và học tiếng Việt, từ năm 2015, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chương trình hỗ trợ sách giáo khoa, học liệu với tổng số hơn 70.000 cuốn sách giáo khoa cấp I, sách Tiếng Việt Vui, Quê Việt, truyện tranh lịch sử và dân gian... cho thiếu nhi; cung cấp trang thiết bị giảng dạy, học tập; đáp ứng phần nào nguyện vọng của kiều bào ở khắp năm châu, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.

Lớp học tiếng Việt tại thành phố Ostrava, Bắc Morava trong ngày khai giảng. (Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+)

Thông tin về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, ông Lương Thanh Nghị cho biết, ở trong nước, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu kiều bào đã trực tiếp đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết.

Do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh ở nước ngoài, các Cơ quan đại diện Việt Nam tổ chức lấy ý kiến đóng góp của kiều bào thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Đến nay, kiều bào tại Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Australia, Mỹ, Canada, Đức, Ba Lan, Ukraina, Đan Mạch, Nauy, Belarus, Algeria, Angola... đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu vào dự thảo văn kiện.

Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá cao, thể hiện sự đồng tình với nội dung dự thảo cũng như sự chuẩn bị công phu, khoa học, có tính kế thừa, phản ánh toàn diện tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 5 năm qua, cũng như sau gần 35 năm đổi mới.

Các ý kiến đóng góp tập trung vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

"Kiều bào đánh giá cao Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong nước đã quan tâm, ghi nhận đóng góp của cộng người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời đề xuất cần tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực khoa học nghệ của kiều bào, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới," ông Lương Thanh Nghị nêu rõ./.

Theo TTXVN