Củng cố hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở

Thứ sáu, ngày 02/12/2016

Cùng với việc tái lập tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo Sở Y tế gấp rút xây dựng phương án phân chia tài sản và sắp xếp nhân sự cho bộ máy 2 Sở Y tế của 2 tỉnh mới. Ban Giám đốc Sở Y tế Bình Dương mới được thành lập đã khẩn trương bắt tay vào việc ổn định bộ máy, củng cố hệ thống y tế, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân trên địa bàn…

(BDO)

 Những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận bằng khen của UBND tỉnh

 Củng cố hệ thống

Phát huy những thành quả đạt được trong những giai đoạn trước, giai đoạn 1997-2005, ngành y tế Bình Dương tiếp tục được định hướng phát triển theo hướng hiện đại hóa. Nguồn lực con người được xác định là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là mục tiêu ngành y tế phải hướng tới, trong đó sức khỏe là vốn quý nhất của xã hội. Từ đó, ngành y tế Bình Dương đã cố gắng để mọi người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế thông qua mạng lưới y tế rộng khắp trong tỉnh.

Để thực hiện điều đó, đội ngũ nhân lực y tế được quan tâm phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và ngày càng hoàn thiện. Thực hiện Chỉ thị 06/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã ban hành Chỉ thị 15/CT-TU ngày 24-5-2002 về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”. UBND tỉnh sau đó đã ban hành Kế hoạch số 2362/UB-VX ngày 24-6-2002 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06/ CT-TW của Trung ương và Chỉ thị 15/CT-TU của Tỉnh ủy. Để triển khai thực hiện những chỉ thị, kế hoạch trên, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh giai đoạn 2002-2010. Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, ngay sau đó Sở Y tế đã phối hợp với các Thị ủy, Huyện ủy tổ chức triển khai quán triệt chỉ thị của Đảng, kế hoạch của chính quyền cho các đối tượng chủ chốt và trạm trưởng các trạm y

 tế xã, phường trong toàn tỉnh. Từ năm 2003, các địa phương đều xây dựng kế hoạch thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã và đăng ký tỷ lệ phấn đấu đạt chuẩn. Kết quả, cuối năm 2003, toàn tỉnh có 60/89 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia y tế (đạt 67,41%); 504/504 khu, ấp có một nhân viên y tế (đạt 100%). Để giúp trạm y tế từng bước tự mình thực hiện tốt các kỹ thuật chuyên môn theo phân cấp, Sở Y tế đã tổ chức điều động luân phiên bác sĩ tuyến tỉnh, huyện về công tác tại trạm y tế từ 6 tháng đến 1 năm nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân từ tuyến cơ sở ngày càng tốt hơn. Đến năm 2005, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có trạm y tế và cán bộ y tế; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi công tác; toàn tỉnh có 76/89 trạm y tế xã, phường có bác sĩ công tác thường xuyên; 76/89 trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

 Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ y tế luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám bệnh nhân ở phòng hậu phẫu (ảnh: minh họa)

Ngoài y tế cơ sở, mạng lưới y tế tuyến tỉnh và huyện cũng được cải tạo, nâng cấp. Ở tuyến tỉnh, nhiều đơn vị mới được thành lập. Các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất, trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại, như: máy chạy thận nhân tạo, máy X.quang toàn cảnh, máy CPAP, máy monitoring, máy oxy tự tạo, máy xét nghiệm sinh hóa… nên đã phục vụ tốt nhu cầu KCB của nhân dân trên địa bàn. Song song đó, ngành y tế còn đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ y tế, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tính đến cuối năm 2005, tỷ lệ cán bộ y tế/vạn dân là 47 người; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 6,05 người; tỷ lệ dược sĩ/vạn dân là 1,11 người.

Vượt qua khó khăn

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Y tế, sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị đầu ngành cũng như của các ban ngành trong tỉnh, ngành y tế Bình Dương đã không ngừng nỗ lực, vượt qua những khó khăn, thử thách và thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân mà Đảng và Nhà nước giao phó. Bác sĩ Nguyễn Thị Hà Sinh, nguyên Giám đốc Sở Y tế (giai đoạn 1994-2000), cho biết sau tái lập tỉnh, cũng như nhiều ngành khác, ngành y tế cũng đối mặt với không ít khó khăn. Hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, trang thiết bị y tế, thuốc men phục vụ KCB còn hạn chế, thiếu thốn. Nhưng, với tinh thần trách nhiệm mới được giao phó, đội ngũ cán bộ y tế tỉnh nhà đã cố gắng khắc phục khó khăn, luôn động viên nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Sau này, dù nghỉ hưu nhưng tôi vẫn luôn theo dõi sự phát triển của ngành y tế Bình Dương. Tôi thấy, cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, ngành y tế cũng từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ được quan tâm đào tạo nâng cao trình độ. Các tiến bộ khoa học cũng được ứng dụng nên chất lượng y tế từng bước được nâng lên. Đặc biệt, hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở luôn được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động đã góp phần đáng kể trong việc phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn”, bác sĩ Hà Sinh nói.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hợp tác của các ban ngành, đoàn thể, cũng như sự đầu tư từ nhiều nguồn, cộng với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ viên chức toàn ngành, ngành y tế Bình Dương đã vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chất lượng mọi mặt trong công tác phục vụ sức khỏe nhân dân cũng được nâng cao, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 CẨM LÝ