Cùng chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội
(BDO) Theo chân cán bộ Ban Thương binh - Xã hội xã Định Thành (Dầu Tiếng), chúng tôi đến thăm gia đình bà Phan Thị Nhạn. Trong căn nhà bà Nhạn, 3 con người, một già, một chưa đủ tuổi lao động, một khuyết tật luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền, địa phương để có cuộc sống ổn định. Và cũng rất nhiều đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) ở Bình Dương được chăm lo...
Niềm vui qua nụ cười, ánh mắt
Kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của mình, bà Nhạn cho biết, trước đây, bà sống tại Thuận An. Năm 1982, bà lên Định Thành lập nghiệp. Bà lập gia đình cùng với người đàn ông đã có vợ con nhưng vợ ông đã mất do bệnh tật. Cuộc sống khó khăn, bà quyết định không sinh thêm mà dồn tất cả tình thương cho con riêng của chồng. Con lớn khôn lập gia đình, bà hạnh phúc khi thấy con trưởng thành. Thế nhưng, không chịu được cảnh nghèo khó, con gái bỏ đi để lại cho ông bà 2 đứa cháu nhỏ. Hết chăm con, giờ gồng gánh nuôi cháu. Tuổi cao, sức yếu, chồng bà mất, mọi gánh nặng dồn lên vai bà. Hiện nay, 2 đứa cháu của bà, đứa lớn Nguyễn Kim Hương mới 14 tuổi đã phải nghỉ học đi làm thuê, đứa nhỏ Điệu Kim Thảo bị khuyết tật ống thần kinh. Bà nói: “Nếu không được địa phương quan tâm xây dựng, sửa chữa nhà có lẽ bà cháu không có căn nhà kiên cố để ở. Không được trợ cấp hàng tháng, không biết cuộc sống sẽ ra sao”.
Cùng với công tác trợ giúp tại cộng đồng, tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành có liên quan chăm lo tốt đối tượng BTXH tại các trung tâm BTXH. Hiện toàn tỉnh có 11 cơ sở BTXH đang chăm sóc, nuôi dưỡng 908 đối tượng BTXH. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc, phục vụ các đối tượng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, tập thể cán bộ và người lao động ở trung tâm, cơ sở đã đoàn kết, tận tình chăm lo cho các đối tượng từ bữa ăn đến giấc ngủ, hướng nghiệp. Những việc làm đó không chỉ để thực hiện đúng trách nhiệm, nhiệm vụ của mình đối với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước mà còn bằng cái tâm của những người yêu nghề.
Cán bộ LĐ-TB&XH huyện Dầu Tiếng đến thăm, tặng quà cho gia đình
bà Phan Thị Nhạn
Bà Nguyễn Thị Toàn (70 tuổi) ở xã Phước Sang, huyện Phú Giáo chia sẻ: “Vợ chồng tôi không có con, nên sau khi chồng mất, tôi không còn ai nương tựa, bản thân lại hay đau ốm nên không có sức khỏe để lao động. Năm 2014, tôi được cơ quan chức năng đưa vào Trung tâm BHXT tỉnh. Ở đây tôi được ăn uống, sinh hoạt điều độ, được khám chữa bệnh định kỳ hàng tháng”. Niềm vui, hạnh phúc trong từng câu nói, nụ cười của các đối tượng BTXH khi nhận được sự quan tâm của địa phương là minh chứng cho những định hướng, việc làm đúng đắn nhằm “sưởi ấm” những mảnh đời còn nhiều bất hạnh.
Chung tay đem niềm vui
Thực hiện công tác chăm lo đối tượng BTXH, hàng năm, tỉnh trích kinh phí hàng trăm tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, thăm, tặng quà những dịp lễ, tết. Riêng năm 2016, các huyện, thị, thành phố đã chi trả trợ cấp cho 28.089 đối tượng với kinh phí khoảng 114 tỷ đồng; thực hiện cấp thẻ BHYT cho 28.089 đối tượng đang hưởng trợ cấp tại cộng đồng với kinh phí hơn 16 tỷ đồng; tặng 2.420 phần quà cho người khuyết tật với kinh phí 935 triệu đồng; thực hiện cứu trợ đột xuất với trị giá 4,4 tỷ đồng cho các đối tượng xã hội gặp khó khăn…
Công tác chăm lo đối tượng BTXH không chỉ là trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH mà còn có sự chung tay của các sở, ngành, đoàn thể. Điển hình như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Nhằm đem niềm vui cho người khuyết tật, năm 2016, Sở VH-TT&DL và sở, ngành liên quan tổ chức hội thao văn nghệ - thể thao người khuyết tật với 304 vận động viên và thí sinh tham gia. Sở Y tế tổng hợp danh sách gửi Bệnh viện Răng hàm mặt TP.Hồ Chí Minh thực hiện phẫu thuật miễn phí hở hàm ếch cho trẻ em; phối hợp cùng Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.Hồ Chí Minh tổ chức khám sàng lọc cho 345 người khuyết tật nghèo, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở 9 huyện, thị, thành phố.
Hội Bảo trợ Người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo trong năm 2016 đã thực hiện xây, sửa chữa 22 căn nhà tình thương với kinh phí 1,2 tỷ đồng; tặng 1.255 suất học bổng trị giá 1,5 tỷ đồng; 211 xe đạp cho trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; phối hợp vận động tặng quà lễ tết cho 18.754 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo; phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 157 người mù với số tiền 230 triệu đồng; thực hiện các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo.
Để hỗ trợ các đối tượng BTXH hiệu quả, ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, chăm lo tốt cho các đối tượng BTXH, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vốn giúp các đối tượng BTXH và gia đình họ có điều kiện tăng thu nhập. Đối với người khuyết tật được tạo điều kiện học nghề để tự nuôi sống bản thân. Riêng những trường hợp mất sức lao động sẽ được đưa vào Trung tâm BHXH tỉnh để được chăm sóc.
UBND phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) phối hợp cùng Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh vừa tổ chức trao tặng xe lắc tay cho anh Nguyễn Anh Hào (SN 1977 tại khu phố 8, phường Phú Hòa) bị bệnh bại não, liệt 2 chân từ nhỏ, thuộc diện bệnh nhân nghèo của phường (ảnh).
Nhận được xe lắc tay giúp anh Hào có phương tiện đi lại thuận lợi và mưu sinh.
Tin, ảnh: T.VY
THIÊN LÝ