Cụm công nghiệp Thanh An (xã Thanh An, Dầu Tiếng): Ước mơ còn dang dở!
Nói ước mơ cũng phải, bởi ở một huyện vùng xa như Dầu Tiếng mà đầu tư được một cụm công nghiệp (CCN) xem như là bước đột phá. Đã gần 8 năm trôi qua, kể từ ngày tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng, cho dù nhà đầu tư (NĐT) cũng như chính quyền sở tại đã rất nỗ lực nhưng đến nay dự án vẫn chưa thành hình, kéo theo những hệ quả làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, khiến họ vô cùng bức xúc.
“Nợ” dân hơn 100 sổ đỏ!
CCN Thanh An do Công ty TNHH Cửu Long làm chủ đầu tư trên quy mô 49 ha. Thực tế, ngay từ khi triển khai CCN này, NĐT và chính quyền đã gặp không ít vướng mắc. Năm 2003, khi UBND tỉnh cho triển khai dự án thì vẫn còn khoảng 30% hộ dân liên quan chưa đồng tình với đơn giá đền bù giải tỏa; vì vậy dự án phải ngưng thi công để giải quyết khiếu nại của người dân. Đến năm 2006, 2007 đơn giá đền bù được tăng lên nên người dân đều đồng ý nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho NĐT. Việc giải tỏa đền bù đối với CCN Thanh An vì thế kéo dài cả 5 năm trời. Bên cạnh việc nhận tiền đền bù, theo quy định mỗi hộ nếu có diện tích đất 1 ha bị thu hồi thì được mua lại 2 nền đất tái định cư (TĐC) nằm ở trung tâm dự án; giá mỗi nền TĐC là 185 triệu đồng/72m2. Trước chủ trương khá thông thoáng của NĐT nên đa số người dân đều mua lại từ 1 - 2 nền TĐC, có hộ vì đất bị thu hồi nhiều nên đã mua từ 3 - 4 nền. Người dân nghĩ rằng: mua đất TĐC ở trung tâm dự án - nơi gần chợ, gần đường sẽ tạo cơ hội để họ làm ăn kinh doanh khi dự án đi vào hoạt động. Có người vì đất bị giải tỏa hết nên đã mua lại đất của NĐT để cho con làm nhà ở... Thế nhưng, cho đến nay những dự tính của họ gần như lâm vào ngõ cụt. Nguyên nhân là do NĐT chưa giao đất và sổ đỏ cho người dân. Hơn 100 nền đất TĐC mà người dân mua lại của NĐT còn nằm trên giấy tờ và trên sơ đồ! Bà con phàn nàn: họ đã bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng để mua đất; nếu như không vì NĐT “hứa hẹn” thì mấy năm nay với số tiền đó họ đã làm rất nhiều việc, như: gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc mua rẫy làm ăn đều sinh lợi. Có hộ còn cho rằng: nếu chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, lẽ ra NĐT đừng sớm thu hồi đất của người dân. Tính ra, có cả hàng trăm ha cao su đang thu hoạch đã bị chặt bỏ rồi để hoang hóa đất đai mấy năm nay thì rất lãng phí. Người dân mong rằng, dự án sớm khắc phục khó khăn, triển khai xây dựng, nhanh chóng giao đất để họ ổn định cuộc sống.
Vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn gửi Công ty cổ phần Bảo Huy (của Đài Loan) về việc bố trí địa điểm xây dựng công ty. Trước đó, Công ty Bảo Huy đã được tỉnh chấp thuận đầu tư trên diện tích 80.000m2 đất tại CCN Thanh An; ngành nghề kinh doanh dệt, may. Dự định sau khi công ty này đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động ở địa phương. Nỗi khổ này không của riêng ai!
Có thể nói, việc triển khai xây dựng CCN Thanh An được nhân dân địa phương rất đồng tình ủng hộ. Đây cũng là công trình tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo ở huyện Dầu Tiếng. Một dự án công nghiệp có quy mô và là mô hình sản xuất “sạch” - chỉ chấp nhận đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất không gây ảnh hưởng đến môi trường. Trong tương lai, khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương và cả nhân lực trong, ngoài tỉnh. Công nghiệp về đây sẽ kéo theo hoạt động dịch vụ, thương mại...; do đó, CCN Thanh An là công trình sẽ làm thay đổi diện mạo của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng hiện còn nghèo. Bên cạnh những thuận lợi của dự án như: ưu đãi về giá thuê đất, thuế, cơ sở hạ tầng tốt cho các DN đầu tư thì CCN Thanh An hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn khách quan; đặc biệt là vị trí địa lý và đường giao thông. Tính từ CCN đi đến các cảng cách xa hơn 100km. Con đường huyết mạch từ Thủ Dầu Một đi Dầu Tiếng vẫn chưa hoàn thành nên lưu thông vẫn còn khó khăn. Đường xa, cảng lại càng xa chính là nguyên nhân khiến cho các DN trong và ngoài nước rất ngại tìm về đây đầu tư, chỉ vì chi phí vận chuyển cao. Mặt khác, do chủ trương của dự án là chỉ cho phép đầu tư đối với các DN “sản xuất sạch” nên cũng chưa thu hút được đông đảo DN tham gia cho dù xây dựng “công nghiệp sạch” là chủ trương đúng đắn và mang lợi ích lâu dài.
Chính từ những trở ngại khách quan trên, nên đã 8 năm trôi qua CCN Thanh An chỉ mới có một DN về đầu tư, vẫn chưa có đơn vị thứ hai tìm đến đầu tư kinh doanh. DN không tìm về khiến chủ đầu tư là Công ty TNHH Cửu Long cũng lao đao! Hàng tỷ đồng bỏ ra khoản đền bù giải tỏa mặt bằng chưa thu hồi được thì lấy đâu ra vốn liếng và lòng phấn chấn để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng! Thành thử, cách làm của Công ty Cửu Long là: Khi có đơn vị đến đăng ký kinh doanh ở khu đất nào, diện tích bao nhiêu thì công ty sẽ làm cơ sở hạ tầng đến đó. Gọi đây là cách làm “da beo”, làm “cuốn chiếu”... vì không có vốn mạnh để làm một lần! Khác với nhiều dự án, trong quá trình kêu gọi đầu tư thì đã làm xong cơ sở hạ tầng. Do cơ sở hạ tầng của CCN Thanh An chậm hoàn thành nên NĐT cũng không thể giao đất TĐC cho người dân. Như vậy, từ những trở ngại khách quan đã gây ra nhiều khó khăn kéo dài cho người dân và cho NĐT trong nhiều năm qua. Thực tế, Công ty TNHH Cửu Long cũng đã có nhiều cố gắng song tình hình cũng chẳng thể thay đổi “một sớm một chiều”. Hiện nay, công ty đang triển khai thi công cơ sở hạ tầng ở một số vị trí trọng điểm và tiếp tục mời gọi DN đến đầu tư. Trao đổi với phóng viên (PV) về những vướng mắc ở CCN Thanh An khiến cho người dân khiếu nại, ông Võ Văn Á, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: “Việc người dân phản ánh là có thật. Hiện NĐT vẫn chưa hoàn thành các thủ tục giao đất cho dân. Sắp tới chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với công ty nhằm sớm giải quyết việc này cho bà con...”. Tiếp tục trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết: “Nói chung, việc giao đất cho người dân kéo dài là do NĐT gặp một số vướng mắc, huyện sẽ phối hợp với NĐT để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này. Hiện chỉ còn chờ NĐT hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nộp cho chính quyền là có thể ra sổ đỏ...”. Thiết nghĩ để công trình CCN Thanh An - một dự án mang tính đột phá sớm đi vào hoạt động thì NĐT, chính quyền cần tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc cho người dân, từng bước biến ước mơ đưa công nghiệp về vùng xa trở thành hiện thực.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Cửu Long, Trưởng Ban quản lý dự án CCN Thanh An Huỳnh Văn Hải: Sẽ giao đất, giao sổ cho người dân trong tháng 6 -2010
Những phản ánh của người dân là chính đáng và chúng tôi rất thông cảm với bà con. Mong rằng người dân thấu hiểu những khó khăn khách quan mà công ty đang đối mặt, trong đó có khó khăn chung từ đợt khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua. Hiện nay, để khởi động lại dự án, chúng tôi đã xây dựng xong chợ Thanh An với vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng; riêng việc giao đất TĐC cho người dân, chúng tôi cố gắng giải quyết xong trong tháng 6 tới đây.
KIẾN GIANG