Cục Thống kê Bình Dương: Đưa thông tin chính xác nhất, nhanh chóng nhất
(BDO) Hôm nay (3-6), Cục Thống kê Bình Dương tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (19.6.1976 - 19.6.2016). 40 năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên Cục Thống kê Bình Dương qua các thời kỳ đã làm tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Đội ngũ cán bộ Cục Thống kê tỉnh quyết tâm hoàn thành mọi công tác được giao. Trong ảnh: Đại diện các tổ chức, cá nhân tham khảo và tìm kiếm thông tin tại Cục Thống kê tỉnh Ảnh: PHÙNG HIẾU
Những cột mốc đáng nhớ
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), cơ quan Kế hoạch và Thống kê tỉnh Thủ Dầu Một được hình thành với tên gọi là Ban Kinh tế tỉnh Thủ Dầu Một (tháng 11-1975 hợp nhất hai tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước với tên gọi là tỉnh Sông Bé). Tháng 1-1976, Ban Kinh tế tỉnh đổi tên là Ủy ban Kế hoạch và Chi cục Thống kê tỉnh Sông Bé; đồng chí Nguyễn Đức Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch và Chi cục Thống kê.
Ngày 19-6-1976, Chi cục Thống kê tỉnh Sông Bé được thành lập theo Quyết định số 146/QĐ của UBND tỉnh Sông Bé. Đội ngũ cán bộ thống kê của Chi cục Thống kê lúc bấy giờ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau gồm nguồn đi B (chi viện cho chiến trường miền Nam trước và sau ngày giải phóng), nguồn từ bộ đội sang và nguồn lấy tại chỗ. Ngày 9-12-1996, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê ra Quyết định số 591/TCTK-TCCB thành lập Cục Thống kê tỉnh Bình Dương và Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, bắt đầu hoạt động từ ngày 1-1-1997. Tiếp đó, tỉnh Bình Dương đã thực hiện các Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính, tái lập các huyện của tỉnh; thành lập thêm các Chi cục Thống kê huyện theo Quyết định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, đến nay, Cục Thống kê tỉnh có 9 Chi cục Thống kê huyện, thị, thành phố trực thuộc.
Ông Ngô Văn Mít, Cục trưởng Cục Thống kê cho biết, đối với một tỉnh công nghiệp năng động như Bình Dương, những thông tin chính xác và nhanh nhạy rất hữu ích cho việc quản lý nhà nước, cũng như góp phần tạo ra thông tin đa dạng, phong phú cho các doanh nghiệp khi quyết định đầu tư vào tỉnh nhà. Công tác này đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên trong ngành phải thận trọng, chính xác với từng con số thống kê ở mỗi lĩnh vực.
Góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà
Đến nay, Cục Thống kê tỉnh đã phát hành các ấn phẩm như Niên giám thống kê; Hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu tỉnh Sông Bé - 20 năm xây dựng và phát triển, Hệ thống số liệu kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương 12 năm (1997-2008); các ấn phẩm “Bình Dương - Số liệu thống kê chủ yếu 3 năm 2006- 2008”, “Bình Dương - 5 năm xây dựng & phát triển 2006- 2010”, “Bình Dương - 5 năm xây dựng & phát triển 2011-2015”. Từ các ấn phẩm này đã giúp cơ quan Nhà nước và các cá nhân, tổ chức có được cái nhìn toàn diện hơn về sự phát triển mọi mặt của tỉnh nhà. Những số liệu thống kê này còn là cơ sở giúp cho công tác quản lý và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, bên cạnh những thành quả mà Cục Thông kê đã đạt được, ông Mít cũng còn trăn trở, đó là mức độ đáp ứng thông tin kinh tế - xã hội cho các đối tượng dùng tin chưa thật sự đầy đủ, kịp thời; chất lượng số liệu thống kê còn hạn chế; trong khi đó hoạt động phân tích, dự báo thống kê chưa đáp ứng được yêu cầu. Về đội ngũ công chức thống kê, đến nay tuy đã được củng cố, đào tạo và bổ sung song so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới vẫn còn thiếu và yếu.
Theo lãnh đạo Cục Thống kê, trong giai đoạn tới, đơn vị sẽ tập trung thực hiện tốt một số công tác trọng tâm như: Bảo đảm tốt nhất thông tin kinh tế - xã hội định kỳ và đột xuất phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin thống kê cho các đối tượng dùng tin. Củng cố và đẩy mạnh hoạt động thanh tra thống kê, bảo đảm các hoạt động thống kê trên địa bàn tỉnh được thực thi theo đúng pháp luật; thường xuyên chăm lo củng cố bộ máy tổ chức thống kê từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố.
Ngành cũng coi trọng ổn định thống kê xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp; đồng thời chăm lo đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, vi tính cho cán bộ, nhân viên của đơn vị bằng nhiều hình thức đào tạo khác nhau để có đội ngũ công chức thống kê đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phương pháp luận thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê... nhằm bảo đảm thông tin tốt nhất, chính xác nhất và nhanh chóng đến với mọi người.
PHÙNG HIẾU