Cục hải quan: Triển khai các quy định mới về Luật Hải quan đến cộng đồng doanh nghiệp

Thứ hai, ngày 20/04/2015

(BDO)

Luật Hải quan (HQ) sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 với nhiều điểm mới phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và thực tế sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước. Nhằm giúp doanh nghiệp (DN), các nhà quản lý DN kịp thời nắm bắt những quy định mới của pháp luật HQ; đồng thời lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị về những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, HQ Bình Dương đã phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP.HCM, các hiệp hội DN, nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Bình Dương tổ chức nhiều hội nghị đối thoại trực tiếp nhằm kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc giúp việc sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa của DN thuận lợi hơn.

 

 Ðại diện DN tham gia ý kiến tại hội nghị đối thoại và triển khai các quy định mới của Luật HQ. Ảnh: D.CHÍ

 Những quy định mới của Luật HQ

Tại các cuộc đối thoại trực tiếp với DN trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục HQ Bình Dương đã giới thiệu về những điểm mới của Luật HQ năm 2014, trong đó tập trung vào một số vấn đề nổi bật như: Bổ sung quy định về việc không được mang hàng hóa về bảo quản trong thời gian 1 năm đối với hành vi phá dỡ niêm phong, tráo đổi hàng hóa, tự ý đưa hàng ra ngoài lưu thông, sử dụng; 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành. Bãi bỏ một số thủ tục liên quan đến việc quản lý loại hình gia công, sản xuất, xuất khẩu; hạn chế quyền của DN trong việc chuyển nguyên vật liệu từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác. HQ sẽ tiến hành kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân không có cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng giảm bất thường. Việc kiểm tra này nhằm phát hiện, hạn chế các trường hợp DN lợi dụng nhập khẩu nguyên liệu để gia công và sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng sử dụng không đúng mục đích các nguyên liệu này.

Về quản lý rủi ro gồm 3 đối tượng chính là DN ưu tiên, DN tuân thủ và DN không tuân thủ. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 2 DN ưu tiên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và Công ty Điện tử Foster Việt Nam. DN tuân thủ có tỷ lệ kiểm tra hồ sơ không quá 5% và 1% lô hàng. Với DN không tuân thủ bắt buộc kiểm tra 50% hồ sơ và 20% hàng hóa thực tế. Luật HQ mới bãi bỏ quy định nộp 5 loại chứng từ đối với hàng hóa xuất khẩu và 4 loại chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu. Dù đã áp dụng HQ điện tử theo thông lệ quốc tế, nhưng Luật HQ mới cũng quy định sử dụng tờ khai HQ giấy dành cho các trường hợp là cư dân biên giới, hàng hóa vượt mức miễn thuế, hàng cứu trợ…

Lưu ý về Thuế Xuất nhập khẩu

 Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP.HCM: “VCCI luôn đồng hành cùng DN”

Là tổ chức quốc gia đại diện cho quyền lợi của cộng đồng DN trong nước và quốc tế, VCCI luôn đồng hành cùng cộng đồng DN, góp tiếng nói với cộng đồng DN tại các diễn đàn trong nước và quốc tế. Với trường hợp nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ đã qua sử dụng, chúng tôi đề nghị các hiệp hội DN, nhà đầu tư cần rà soát cụ thể từng lĩnh vực, chỉ ra được những thuận lợi, hạn chế của việc nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ đã qua sử dụng để kiến nghị cơ quan soạn thảo nhằm trách ách tắc, khó khăn khi văn bản luật đã được ban hành.

Ông Huỳnh Văn Út, Trưởng phòng Thuế Xuất nhập khẩu, Cục HQ Bình Dương cho biết, 10 điểm mới tại quy định về thuế xuất nhập khẩu cụ thể theo từng nhóm vấn đề như: Xử lý thuế trong trường hợp thay đổi mục đích sử dụng đã thông thoáng hơn so với trước đây. Không phải nộp thuế trong trường hợp thay đổi mục đích sử dụng bằng hình thức tái xuất hoặc chuyển nhượng cho đối tượng thuộc diện không chịu thuế, miễn thuế. Mức phạt về tính chậm nộp thuế là 0,05%/ngày nhưng có xem xét miễn giảm nhiều trường hợp như: Không tính chậm nộp tiền thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa. Không tính chậm nộp đối với tiền thuế bổ sung sau khi có kết quả giám định, phân tích, phân loại. Không tính chậm nộp đối với nguyên liệu vật tư nhập khẩu tái xuất trả.

Về thu nộp lệ phí HQ quy định: Chỉ thu lệ phí HQ của Tờ khai HQ đầu tiên đối với trường hợp quá 50 dòng phải tách tờ khai HQ. Trước câu hỏi của DN: “Vì sao khi quá 50 dòng phải tách tờ khai?”, đại diện Cục HQ Bình Dương giải thích: “Do lập trình chung của máy tính và cũng là chuẩn mực chung của HQ quốc tế”.

Bước cải tiến cơ bản của Luật HQ sửa đổi bổ sung chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1- 2015 được ghi nhận nữa là: “Không áp dụng biện pháp cưỡng chế làm thủ tục HQ nếu chỉ nợ lệ phí HQ” và “Bỏ quy định thẩm quyền xét miễn thuế ở cấp Cục HQ”. Ðại diện Cục HQ Bình Dương cũng lưu ý, ngoài các quy định về việc thu phí và lệ phí đã được nêu tại các văn bản thì DN không phải nộp bất cứ khoản chi phí nào. Cục HQ Bình Dương cũng đã phát hành cuốn Sổ tay thủ tục HQ để các DN tham khảo, vận dụng.

Những thắc mắc cần giải đáp, tháo gỡ

Tại các buổi đối thoại giữa ngành HQ tỉnh với các DN vừa qua, có rất nhiều thắc mắc, câu hỏi được gửi trước cùng với những ý kiến trực tiếp. Ông Shikaze Masakazu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH trung tâm thép NSSB Sài Gòn (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, TX.Thuận An) chia sẻ: “Trước đây, DN có thắc mắc về chính sách thủ tục chúng tôi không biết hỏi ai mà chỉ đoán mò rồi làm. Nhờ sáng kiến tổ chức đối thoại này của HQ Bình Dương đã giúp chúng tôi giảm được nhiều khó khăn. Ngành thép vốn có nhiều mặt hàng, chủng loại, việc phân loại, áp mã đúng chi tiết rất khó khăn, chúng tôi cần một “cửa sổ” để liên lạc thường xuyên, trực tiếp khi có vướng mắc. Ðối thoại đã giúp chúng tôi tìm ra cánh cửa mà lâu nay mình bị vướng”.

Ðại diện Công ty Diamon (Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát) nêu vấn đề: “Khi chúng tôi làm thủ tục xác nhận C/O cho lô hàng sang Braxin thì cơ quan cấp đòi chúng tôi cung cấp Giấy chứng nhận vận chuyển, hãng tàu, tên con tàu và ngày giờ xuất bến, ngày giờ cập bến. Chúng tôi làm sao cung cấp được thông tin theo yêu cầu này. Công ty phải làm sao và vì sao lại có yêu cầu chi tiết như vậy?”. Câu hỏi này được ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh TP.HCM trực tiếp giải đáp: “Yêu cầu trên xuất phát từ một văn bản của một bộ chức năng. Văn bản này không phù hợp với quy định nên đã được kiến nghị bãi bỏ. Thực tế, nếu DN chưa sản xuất xong lô hàng mà khách hàng yêu cầu cung cấp C/O hoặc có thay đổi C/O thì DN lập văn bản nêu cụ thể lý do, chúng tôi sẽ xem xét giải quyết”.

Vấn đề tập trung nhiều sự chú ý của các cơ quan liên quan là ý kiến của bà Nguyễn Nhật Anh Thư, Phó Tổng Giám đốc Công ty Takako (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II) yêu cầu được cung cấp thông tin, có thể sau buổi đối thoại là: “Việc nhập khẩu máy móc, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhằm tránh biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ của thế giới tới đây có được sửa đổi, tạo điều kiện cho các máy móc, công nghệ hữu ích từ công ty mẹ đưa về Việt Nam để hỗ trợ sản xuất?”. Câu hỏi này được cơ quan HQ cùng các đơn vị liên quan trả lời: “Dự thảo nghị định quy định về việc nhập khẩu máy móc công nghệ đã qua sử dụng nhằm tránh biến nước ta trở thành bãi rác công nghệ của thế giới đã được chỉnh sửa nhiều lần nhưng chưa thông qua. DN, hiệp hội DN, các nhà đầu tư cần sớm tập hợp ý kiến, có những kiến nghị cụ thể gửi về cho chúng tôi hoặc cơ quan soạn thảo”.

 DUY CHÍ - LÊ XUYỀN