Cục Hải quan Bình Dương: Tăng thu nhờ cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin

Thứ ba, ngày 21/01/2014

Với mục đích cung cấp dịch vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, đặc biệt từ khi cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và áp dụng có chọn lọc công nghệ thông tin (CNTT) vào khai thuế tại Cục Hải quan Bình Dương, những năm qua nguồn thu ngân sách đã tăng mạnh. Nguồn thu có thể còn tăng, nếu các cơ quan chức năng nối mạng thông tin đồng bộ và cùng tháo những nút thắt trong cải cách TTHC.  

Chi cục Hải quan Sóng Thần Cục Hải quan Bình Dương làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua hải quan điện tử

Giảm biên chế, tăng nguồn thu ngân sách

Dù năm 2013 đã thu vượt mức của Bộ Tài chính giao nhưng không khí làm việc của các cán bộ tại Cục Hải quan Bình Dương trong những ngày đầu năm 2014 vẫn rất bận rộn, như để chuẩn bị đón Tết Giáp Ngọ trong niềm vui trọn vẹn. Ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, với nụ cười thường trực trên môi, nói như khoe với chúng tôi, năm vừa qua dù kinh thế suy thoái, nhiều công ty phá sản, giải thể, nhưng Cục Hải quan Bình Dương đã có mức thu vượt kế hoạch. Nếu năm 2012 chỉ thu đạt 7.800 tỷ đồng, thìnăm 2013 Bộ Tài chính giao cho cục thu khá cao, với mức thu 9.350 tỷ đồng. Nhờ quyết liệt giảm thiểu TTHC, áp dụng CNTT vào khai thuế, đặc biệt là nỗ lực của tập thể cán bộ Cục Hải quan Bình Dương mà năm 2013 mức thu đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2012.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chánh Văn phòng Cục Hải quan Bình Dương, ví von các anh cứ tưởng tượng đi, với 314 cán bộ, nhân viên mà làm thủ tục xuất nhập khẩu cho 4.348 DN, trong đó có 2.174 DN đầu tư nước ngoài, địa bàn tỉnh thì rộng, nếu không nhờ cải cách TTHC, áp dụng CNTT và sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, chứ đừng mơ đến vượt thu ngoạn mục như năm vừa qua. Với hơn 300 người, tính luôn cả cán bộ, nhân viên văn phòng mà đạt mức thu lớn như vậy, chúng tôi nhẩm tính, mỗi người thu được khoảng 33 tỷ đồng thuế/năm. Một con số khá ấn tượng, không phải nơi nào cũng dễ dàng đạt được.

Tại Chi cục Hải quan ngoài khu công nghiệp, ông Nguyễn Thế Vỵ, Chi cục trưởng, cho biết dù số lượng DN, tờ khai tăng, nhưng đến nay 100% chi cục, 96% các DN hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương làm thủ tục qua hải quan điện tử. Cục Hải quan Bình Dương công khai tất cả các thủ tục, quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu trên mạng để DN biết và kê khai theo mẫu, tránh mất thời gian cho DN. Nhiều chủ DN và cán bộ hải quan không hề biết mặt nhau, vì chỉ giao dịch trên máy tính. Ngoài ra, việc đưa máy soi chiếu container, vừa giảm thời gian, tránh gây phiền hà và tạo điều kiện cho các DN khẩn trương đưa nguyên liệu vào sản xuất, quay nhanh đồng vốn, tăng hiệu quả kinh tế.

Ông Phạm Quốc Anh, Chi cục trưởng Hải quan Sóng Thần, thì ca ngợi các thiết bị CNTT vừa nhanh gọn, hiệu quả. CNTT còn giúp giảm nhân lực từ 40 người xuống còn 33 người, trong khi hiệu quả công việc lại tăng lên rõ rệt. “Ngoài đỡ hẳn các khoản chi phí tiền mua giấy, tiền thuê kho lưu trữ hồ sơ, giấy tờ và lo thất lạc, cháy… chi cục còn tiết kiệm được trên 30 triệu đồng/tháng”. Thông qua việc sử dụng hải quan điện tử, năm vừa qua các chi cục hải quan Bình Dương đãphát hiện và xử lý nhiều vụ gian lận thương mại, trốn thuế... thu về hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài nỗ lực cải cách TTHC, ứng dụng triệt để kỹ thuật CNTT trong làm thủ tục, kiểm tra kiểm soát, trong năm 2013, Cục Hải quan Bình Dương còn phối hợp với Phòng Thương mại vàCông nghiệp Việt Nam tại TP.HồChíMinh; Cục Xuất nhập khẩu BộCông thương; Hiệp hội Thương gia Đài Loan tại Bình Dương; Câu lạc bộxuất nhập khẩu Bình Dương; Cục Thuếtỉnh Bình Dương… tổ chức nhiều hội nghịđối thoại với DN trên địa bàn tỉnh, vấn đề gì thuộc thẩm quyền thì giải quyết ngay. Cục Hải quan Bình Dương phối hợp và cung cấp văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hải quan, với các hiệp hội DN của các quốc gia, vùng lãnh thổnhư: Nhật Bản, Hàn quốc, Đài Loan… để các DN nước ngoài hoạt động tại Bình Dương biết và áp dụng.

Vẫn còn những nút thắt cần tháo gỡ

Rất thẳng thắn và đầy trách nhiệm, ông Nguyễn Phước Việt Dũng khẳng định ngoài cải cách TTHC, áp dụng hải quan điện tử là khâu quan trọng để tăng nguồn thu, thực tế vẫn có thể thu cao hơn, nếu vài “nút thắt” được tháo gỡ. Chẳng hạn, Chính phủ cần có quy định DN ở địa phương nào thì làm thủ tục hải quan ở đó, một mặt vừa kiểm soát được nguồn hàng hóa xuất nhập, gian lận thương mại, buôn lậu... vừa thu được thuế, lại vừa hiểu được DN toàn diện hơn; có chính sách đặc thù cho những ngành gia công hàng hóa như ngành may. Vì khi DN nhập nguyên liệu là vải, nếu lần nào cũng giám định thì vừa tăng chí phí sản xuất cho DN, chậm đưa nguyên liệu vào sản xuất, vừa mất thời gian cho cán bộ hải quan. Hơn nữa, trong khi nhập nguyên liệu gia công hàng xuất khẩu, một số mặt hàng phế liệu, nhưng vẫn còn giá trị sử dụng, có khi số lượng rất lớn và tiêu chuẩn chất lượng bảo đảm. Theo quy định thì không được bán trong thị trường nội địa và phải tiêu hủy, việc này vừa tốn kém cho DN khi xử lý, lại lãng phí của cải xã hội. Để gỡ các nút thắt này rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong tỉnh và cả nước.

Một vài mặt hàng như rượu, thuốc lá... khi DN nhập về, do cơ quan chức năng muốn chắc ăn, nên quy định DN phải lưu tại cảng, điều này gây khó cho hoạt động thương mại, tăng phí lưu cảng cho DN và gây ách tắc cho các cảng, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, băn khoăn và kiến nghị. Để phù hợp với chuẩn mực quốc tế, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt, cho phép các DN được gửi hàng ở các kho ngoại quan (trừ những mặt hàng cấm, hàng đặc biệt do Nhà nước quy định), để DN nhanh chóng đưa nguyên liệu vào sản xuất, đồng thời giảm tải hàng hóa lưu kho tại các cảng, vừa mang lại giá trị gia tăng cao.

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cần phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan, để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, nợ đọng thuế mà có dấu hiệu ngưng hoạt động, bỏ trốn hoặc phá sản. Cục Hải quan Bình Dương cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét tính đặc thù tại tỉnh Bình Dương, với 28 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 9.000 ha, nơi tập trung trên 2.000 DN nước ngoài, với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm khá lớn, khoảng 27 tỷ đôla Mỹ. Cụ thể là, tạo thuận lợi nhất cho các DN xuất nhập khẩu hàng hóa, đây là yêu cầu chính đáng và bức thiết. Đồng thời cần gắn lý thuyết với thực tiễn, quy định nào không còn phù hợp thì sửa đổi, bổsung, thay thế, thậm chí bãi bỏ... tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN xuất nhập khẩu hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp nhiều hơn, bền vững hơn cho sự phát triển của Bình Dương và của cả nước.

LÊ THẨM (PV Báo Nhân Dân thường trú tại Bình Dương)