Cử tri đề nghị tăng cường công tác quản lý lao động phổ thông người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam

Thứ ba, ngày 15/06/2010

Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh: “Hiện nay, rất nhiều người nước ngoài đang lao động (LĐ) phổ thông trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước, trong khi nước ta hiện nay còn một lượng lớn người trong độ tuổi LĐ không có việc làm. Cử tri kiến nghị Nhà nước nên có sự quản lý số LĐ trên để bảo đảm an ninh trật tự - an toàn xã hội và không để tình trạng thất nghiệp trong nước tăng lên”. Vấn đề này được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có văn bản trả lời, như sau:

Theo báo cáo của các địa phương, số lao động nước ngoài (LĐNN) vào Việt Nam làm việc năm 2008 là 52.633 người; năm 2009 là 55.782 người (trong đó có 41,75% đã được cấp giấy phép lao động). Đây là những LĐ có đủ điều kiện được các doanh nghiệp (DN), tổ chức báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xin cấp giấy phép LĐ.

Nhìn chung, LĐNN vào Việt Nam làm việc thường giữ những vị trí chủ chốt trong DN (ngoại trừ trường hợp LĐNN làm việc theo hợp đồng dịch vụ, làm việc cho các công trình do nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam). LĐNN làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý DN, chuyên gia, công nhân kỹ thuật có mức lương cao hơn rất nhiều so với mức lương của LĐ người Việt Nam. LĐNN có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đã góp phần đáp ứng nhu cầu về nhân lực của nhiều DN; đồng thời trong thời gian LĐNN làm việc tại DN hay các tổ chức thì LĐ Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận và học hỏi để nâng cao trình độ, đặc biệt là những LĐNN có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Ngoài số LĐ có đủ điều kiện nói trên, còn một số lượng đáng kể LĐ phổ thông là người nước ngoài làm việc cho một số nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam. LĐ phổ thông là người nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều con đường, hình thức khác nhau (có khi đến Việt Nam bằng con đường du lịch và sau đó ở lại tìm việc làm), những người này thường không đủ điều kiện xin cấp giấy phép LĐ.

Việc quản lý LĐNN làm việc tại Việt Nam phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật LĐ, đồng thời tạo điều kiện để thu hút LĐNN có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn hội nhập toàn cầu hiện nay; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và phù hợp với thông lệ quốc tế về di chuyển thể nhân.

Để tăng cường quản lý LĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu xây dựng Luật về người nước ngoài tại Việt Nam; giao Bộ LĐ-TB&XH xây dựng Nghị định của Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25-3-2008 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng dự thảo nghị định, đồng thời Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có Văn bản số 1504/LĐTBXH-VL ngày 11-5-2009 và Văn bản số 3353/LĐTBXH-VL ngày 9-9-2009 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác quản lý LĐNN tại các DN, tổ chức trên địa bàn; các địa phương xây dựng quy chế phối hợp và thực hiện các giải pháp chấn chỉnh quản lý LĐNN tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ban cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04/CT-TƯ ngày 20-1-2010 về tăng cường công tác quản lý LĐNN làm việc tại Việt Nam. Trong đó, chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Tổ chức việc tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư, các quy định của Nhà nước liên quan đến LĐNN làm việc tại Việt Nam, làm cho các ngành, các cấp, các tổ chức, cơ quan, người sử dụng LĐNN làm việc tại Việt Nam và người LĐNN hiểu rõ chủ trương, chính sách để thực hiện tốt trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.

- Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến LĐNN tại Việt Nam, phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

- Tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình và thường xuyên cập nhật thông tin về số lượng, chất lượng LĐNN đang làm việc tại các địa phương, tình hình chấp hành pháp luật của LĐNN tại Việt Nam và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

- Sớm ban hành Quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý LĐNN tại Việt Nam; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị liên quan trong quản lý xuất, nhập cảnh, cấp và gia hạn visa, đăng ký và gia hạn tạm trú, đi đôi với cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các tổ chức, DN và cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý LĐNN tại Việt Nam; trong đó xử lý đúng theo quy định của pháp luật đối với số LĐ không có giấy phép LĐ.

- Cần coi công tác quản lý LĐNN là nhiệm vụ thường xuyên của mình; triển khai các biện pháp nhằm sử dụng hợp lý và hiệu quả LĐNN cho phát triển kinh tế.

(Nguồn: VP.Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh)