Cú sốc với giới đầu tư Nga

Thứ tư, ngày 28/09/2011

Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin (ảnh) đã đệ đơn xin từ chức sau khi có bất đồng quan điểm về những chính sách gần đây của Tổng thống Dmitri Medvedev.

 

Đây là một cú sốc với giới đầu tư, bởi từ lâu ông Kudrin luôn được xem như người bảo hộ cho sự ổn định tài chính của nước Nga.

Tổng thống Nga Medvedev đã nhanh chóng ký duyệt đơn từ chức của ông Kudrin. Vài giờ trước đó, ông Medvedev đã giận dữ yêu cầu Bộ trưởng Kudrin giải thích về các phát ngôn và gợi ý ông nên từ chức.

Tổng thống Nga Dmitri Medvedev nói: “Nếu ông cho là ông có quan điểm khác với đường lối kinh tế của Tổng thống - nghĩa là tôi, ông có thể đệ đơn từ chức. Nào, tôi cần câu trả lời của ông Bộ trưởng đây, ông có viết đơn hay không?”

Ông Alexei Kudrin, Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga: “Đúng, tôi có nhiều bất đồng với ông Medvedev. Nhưng tôi sẽ quyết định có làm theo gợi ý của ông hay không sau khi tôi tham vấn Thủ tướng Putin”.

Căng thẳng không cần che dấu giữa hai nhà lãnh đạo Nga đến sau tuyên bố hồi tuần trước của ông Kudrin. Ông này nói, sẽ từ chối làm việc trong chính phủ mới nếu như ông Medvedev làm Thủ tướng, với lý do có những mâu thuẫn giữa hai người trong chính sách kinh tế và ngân sách quân sự.

Sự ra đi của ông Kudrin có thể sẽ gây hoang mang trong giới đầu tư, những người vốn gắn chặt sự ổn định của kinh tế Nga với hình ảnh ông Kudrin. Điều này có được là do sự chặt chẽ trong chi tiêu ngân sách của ông Kudrin. Ông Kudrin còn là kiến trúc sư của quỹ bình ổn đã giúp Nga thoát khỏi khủng hoảng 2008-2009.

Chuyên gia tài chính Roland Nash: “Ông Kudrin đã tạo ra sự ổn định tài chính cho nước Nga trong suốt 10 năm qua. Tôi cho rằng, tác động từ việc ông ta từ chức còn lớn hơn việc ông Putin ứng cử Tổng thống. Tôi cho rằng, quyết định của ông ấy đến đúng thời điểm không thể tệ hơn khi mà thị trường tài chính đang hết sức bất ổn”.

Một số chuyên gia còn cho rằng, sự ra đi của ông Kudrin có thể làm suy yếu chính sách tiền tệ của Nga, trong bối cảnh chỉ còn nửa năm là đến kỳ bầu cử Tổng thống và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn biến mất.

Theo VTV