Cú hích từ sàn giao dịch thương mại điện tử Bình Dương

Thứ năm, ngày 05/12/2019

(BDO) Việc xây dựng và đưa vào vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Bình Dương là một bước tiến lớn trong nỗ lực đưa lĩnh vực TMĐT địa phương phát triển mạnh mẽ!


Giao diện của sàn TMĐT Bình Dương

Bắt nhịp xu thế

TMĐT là vấn đề thời sự, được quan tâm và có tiềm năng lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là địa phương có tiềm lực phát triển như Bình Dương.

Theo đánh giá của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2019 đánh dấu sự tăng trưởng tốt của mô hình kinh doanh trên các mạng xã hội. Có thể thấy đây là hình thức hiệu quả với chi phí thấp đang được nhiều doanh nghiệp (DN) lựa chọn, mà điển hình là các DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh và cá nhân.

Trong số các DN tham gia khảo sát thì có 36% DN cho biết có bán hàng trên mạng xã hội (tăng 4% so với năm 2018). Đồng thời, tỷ lệ DN đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45% (tăng nhiều so với tỷ lệ 39% năm 2018), trong khi tỷ lệ này đối với bán hàng qua website là 32%và qua ứng dụng di động là 22%. Nhiều DN lớn đã tích cực sử dụng mạng xã hội để tiếp thị và chăm sóc khách hàng. Chẳng hạn, Lazada là sàn TMĐT hàng đầu ở Việt Nam có trên 50.000 nhà bán hàng và đối tác. Hàng tháng, sàn này thu hút trên 100 triệu lượt người truy cập, tới tháng 10 năm 2018 có 27 triệu người theo dõi (follows) trên trang Facebook của công ty.

Tại thị trường Bình Dương, năm 2019 cũng đánh dấu sự tăng trưởng tốt của mô hình kinh doanh trên các mạng xã hội. Có thể thấy đây là hình thức hiệu quả với chi phí thấp đang được nhiều DN lựa chọn.

Công nghệ ngày càng phát triển, TMĐT không ngừng thay đổi về mô hình, phương thức hoạt động, về mức độ tham gia của các đối tượng liên quan: Người sở hữu website, người bán, người mua, người cung cấp hạ tầng kỹ thuật, các đối tượng trung gian như thanh toán, vận chuyển… Bên cạnh đó, TMĐT trên nền tảng di động ngày càng chiếm ưu thế; TMĐT là điểm đến đầu tư của DN lớn trong giai đoạn tới… Thị trường TMĐT Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và sôi động với sự cạnh tranh giữa những sàn TMĐT hàng đầu như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo. Để trụ vững tại thị trường Việt Nam, các sàn TMĐT phải liên tục đầu tư vào thị trường thông qua những chính sách hỗ trợ, thu hút người bán lẫn người mua. Do đó, kinh doanh trên sàn TMĐT đang là xu hướng không chỉ đối với DN vừa và nhỏ (SME), người bán hàng tự do mà còn là kênh lý tưởng cho những DN lớn.

Theo nhận xét của các chuyên gia, thuận lợi đối với TMĐT là một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia; thị trường Bình Dương có nhiều tiềm năng đẩy mạnh về TMĐT; cách mạng công nghệ 4.0; gia tăng nhu cầu của người dân và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, việc thành lập sàn giao dịch thương mại Bình Dương sẽ giúp các DN có kênh thông tin chính thống để quảng bá hàng hóa, tăng cường kết nối với nhau trong thế giới công nghệ. Đây được xem là cú hích quan trong nhằm đẩy mạnh thị trường TMĐT phát triển nhanh xây dựng và tăng cường tính kết nối của chuỗi cung ứng quốc gia và khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu… Tham gia trên sàn giao dịch của tỉnh, giá cả không cao hơn so với mua ngoài cửa hàng trong, các thông tin khuyến mãi; thông tin hàng hóa được xác lập, mua hàng dễ và nhanh gọn hơn; người tiêu dùng có thể thanh toán bằng nhiều hình thức.

Hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp

Hiện nay, sàn giao dịch thương mại là một công cụ hiệu quả để có thể giúp các DN Việt, nhất là DN vừa và nhỏ có thể khai thác, tận hưởng hết những cơ hội này để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Để hội nhập sâu rộng, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm đến các đối tượng khách hàng tiềm năng nhanh chóng với chi phí hợp lý và mang lại tính hiệu quả cao đang là vấn đề trăn trở của không ít DN. Đây là lý do cần có sàn TMĐT để phần nào hỗ trợ giải quyết bài toán cấp thiết trên bởi sàn TMĐT chính là một kênh quảng bá, giao thương hiệu quả mà lại tiết kiệm chi phí. Sàn TMĐT biến việc kinh doanh trở nên dễ dàng, thuận tiện, dù ở bất cứ đâu, phá vỡ rào cản về mặt địa lý.

Tuy nhiên, trong quản lý TMĐT có một vài vấn đề mới nổi lên đó là: Xuất hiện mô hình TMĐT mới, phức tạp trong cách thức hoạt động và chủ thể tham gia; kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giao dịch TMĐT; quản lý TMĐT đối với các lĩnh vực có tính chất liên ngành; quản lý TMĐT đối với các giao dịch xuyên biên giới. Thêm vào đó, lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp. Kết quả khảo sát cho thấy, dưới 50% người được hỏi nói rằng mình hài lòng với phương thức mua hàng trực tuyến, tức là vẫn còn một tỷ lệ lớn đối tượng khách hàng tiềm năng mà các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT phải chinh phục. Nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tâm lý người dùng vẫn là chất lượng hàng hóa.

Sàn giao dịch điện tử Bình Dương đang mang lại những lợi ích và hỗ trợ giá trị cho người kinh doanh online. Sàn giao dịch thương mại Bình Dương đang tạo mọi điều kiện để người bán hàng mở gian hàng. Với chính sách ưu đãi “4 không” của hầu hết các kênh TMĐT Việt Nam bao gồm: Không mất phí đăng ký, không yêu cầu giấy phép kinh doanh, không bị kiểm duyệt khắt khe, không mất thời gian, sàn TNĐT được kỳ vọng là kênh giao dịch hiệu quả trong thời gian tới. Thủ tục đăng ký bán hàng online trên các sàn thương mại tối giản để người bán mới dễ dàng gia nhập.

Nhìn chung, các bước đăng ký gian hàng thường chỉ bao gồm điền thông tin, xác nhận thông tin, hoàn thành khóa học online đơn giản và có thể bắt đầu đăng bán sản phẩm. Đây là những điều kiện quan trọng giúp người mới bán hàng bắt đầu dễ dàng hơn.

Mặc dù đang ở trong thời đại 4.0 nhưng nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn chưa có website để xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của mình đến các khách hàng tiềm năng. Có thể một phần do DN còn ngại chi phí xây dựng website, do chưa có nhân sự IT... Vì vậy với sự ra đời của sàn giao dịch thương mại Bình Dương sẽ là nơi DN có thể quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến các cộng đồng DN uy tín trong sàn giao dịch của chúng tôi.

Theo Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, DN sơn mài rất vui mừng khi có sàn giao dịch thương mại tỉnh. Ông kỳ vọng sàn giao dịch giúp DN phát triển nhanh chóng, kết nối với khách hàng trên toàn cầu.

Theo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, hầu hết các DN đều có nhu cầu tìm mua nguyên vật liệu đầu vào và kinh doanh các sản phẩm đầu ra. Với việc quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại tỉnh sẽ giúp các DN tìm thấy nhau dễ dàng hơn. Sản phẩm của DN này cũng sẽ là một trong những nguồn nguyên vật liệu đầu vào của một DN khác. Từ vòng tròn liên kết đó, sàn hỗ trợ kết nối các DN có nhu cầu mua và bán lại với nhau. Qua đó, vừa giúp người mua, mua được hàng hóa, nguyên vật liệu mình cần một cách nhanh chóng, dễ dàng, vừa giúp người bán gia tăng khả năng bán hàng.

Theo các chuyên gia, các DN hiện đang đứng trước cơ hội chuyển mình từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và những lợi ích to lớn từ sàn TMĐT là rất lớn trong xu thế hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ trong vấn đề nắm bắt xu hướng, đưa ra chiến lược phát triển đường dài, quản lý hình ảnh cùng những chính sách chăm sóc khách hàng… Điều này đòi hỏi các DN phải không ngừng nỗ lực, không ngừng tìm ra lối đi mới và quan trọng hơn cả là không ngừng học tập để phát triển lĩnh vực TMĐT.

 TIỂU MY