Crimea hoàn tất chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân
Người ủng hộ Nga tuần hành tại trung tâm thành phố Donetsk, phía đông Ukraine, ngày 15-3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một ngày trước cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể, Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho sự kiện này.
Trong khi đó, theo ghi nhận của các quan sát viên quốc tế, tình hình tại nước cộng hòa tự trị này khá bình yên. Nga một lần nữa khẳng định cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Trao đổi với phóng viên hãng tin Nga ITAR-TASS ngày 15-3 sau khi thị sát thực tế, ông Sergei Ordzhonikidze, thành viên của Viện Xã hội Liên bang Nga thuộc nhóm quan sát viên quốc tế tại cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea, khẳng định công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
Theo ông, quá trình này không chịu sức ép của chính phủ tạm quyền tại Kiev cũng như của phương Tây.
Ông Ordzhonikidze cũng đánh giá cao nỗ lực của chính quyền Crimea trong công tác chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân, khẳng định nước Cộng hòa tự trị này tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn và nguyên tắc pháp lý quốc tế trong việc thể hiện nguyện vọng của người dân, đồng thời cho biết các quan sát viên quốc tế đã đến Crimea để giám sát cuộc trưng cầu này cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện nhiệm vụ giám sát.
Ông Mateush Piskorski, Giám đốc Trung tâm Phân tích địa chính trị châu Âu, thành viên phái đoàn quan sát viên quốc tế tại Crimea, khẳng định tình hình bán đảo này trước thềm cuộc trưng cầu ý dân yên bình và không có dấu hiệu cảnh báo về các nguy cơ xảy ra bạo loạn.
Thành phần phái đoàn quan sát viên quốc tế đến từ châu Âu gồm 30 thành viên, bao gồm các đại diện của Ba Lan, Áo, Pháp, Đức, Bỉ, Bulgaria, Hungary, Hy Lạp, Italy, Latvia, các nghị sỹ của Nghị viện châu Âu và các chuyên gia hàng đầu châu Âu về luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, theo quan sát của phóng viên TTXVN tại Nga trong nhiều tuần qua, báo chí cũng như dư luận Nga nói chung ủng hộ mong muốn của chính quyền và người dân Crimea.
Báo Độc lập, một tờ báo trung dung ở Nga, ghi nhận Hội đồng Tối cao Crimea dự đoán sẽ có không dưới 70% số ý kiến cử tri tán thành việc sáp nhập Crimea vào Nga. Hai câu hỏi được đặt ra trong phiếu trưng cầu lần này cũng cho thấy nguyện vọng rõ ràng của Crimea.
Một là phương án sáp nhập với Nga ngay lập tức trên cơ sở các quyền của một chủ thể Liên bang Nga, và hai là đòi hỏi khôi phục Hiến pháp nước Cộng hòa Crimea năm 1992, theo đó vùng đất này có quyền tự trị toàn diện hơn hẳn hiện nay, tức là có Tổng thống như quy chế những năm 90 của thế kỷ trước, chứ không chỉ là "người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Crimea" do Kiev bổ nhiệm.
Với bài viết "Crimea đề nghị Nga sửa chữa sai lầm của Khrushchev," tờ báo ghi nhận ngoài tỷ lệ người gốc Nga chiếm tới 58% cư dân trên bán đảo, gần 20% là người Ukraine nhưng trong đó rất nhiều người có quan hệ mật thiết với văn hóa Nga. Với thành phần dân số như vậy, thật không khó để dự đoán 70% hoặc hơn thế nữa cư dân Crimea sẽ tán thành việc sáp nhập vào Nga như một chủ thể liên bang.
Tờ Báo Nga cho biết hiện người dân Crimea có một tâm trạng chung, được thể hiện chỉ bằng hai từ có nghĩa là "Trở về nhà - nước Nga." Tờ Lao động của Nga cho biết Bộ Tài chính Nga đã sẵn sàng hỗ trợ Crimea hàng tỷ USD nếu vùng lãnh thổ này quyết định trở lại với nước Nga.
Theo tờ báo, Crimea vốn là một bán đảo tuyệt đẹp với tiềm năng du lịch nổi bật. Nếu như trở thành một chủ thể của Liên bang Nga, Moskva dự kiến chi 5 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng tại đây, để Crimea có thể thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế, xứng tầm với một vùng đất xinh đẹp vốn có.
Cộng hòa tự trị Crimea, nằm trên bán đảo Crimea có phong cảnh đẹp như tranh với nhiều khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, là một vùng đất nhô ra từ phía Nam phần lục địa của Ukraine. Nó nằm giữa Biển Đen và Biển Azov, ngăn cách với Nga bằng eo biển hẹp Kerch.
Crimea từng có hàng thế kỷ sống dưới chế độ thuộc địa và bị các đế chế cũng như bộ tộc du mục xâm chiếm. Cuối thế kỷ 18, sau nhiều cuộc chiến đẫm máu với Đế chế Ottoman, Crimea thuộc về lãnh thổ của Nga. Đến năm 1954, nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Nikita Khrushchev đã giao cho Ukraine quản lý Crimea.
Tới nay, có tới gần 60% dân số Crimea là người Nga, trong khi người Ukraine chỉ chiếm 24% và khoảng 12% là người thiểu số Tatar. Nếu tính riêng tại thủ phủ Simferopol, thì có tới 70% là người Nga. Tiếng Nga cũng vốn được coi là ngôn ngữ chính thức tại bán đảo này.
Từ năm 1996, Hiến pháp Ukraine quy định Crimea có chế độ cộng hòa tự trị, với quốc hội và chính quyền riêng cùng các quyền tự quyết về nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và du lịch, nhưng vẫn phải tuân theo hiến pháp Ukraine.
Sau khi Liên Xô tan rã, một số cuộc thăm dò tại Crimea cho thấy đa số người dân ở đây muốn sáp nhập trở lại với Nga, song các cuộc trưng cầu dân ý chính thức đã không được tiến hành.
Kể từ khi ra đời, Hạm đội Biển Đen của Nga đã đóng căn cứ tại thành phố Sevastopol của Crimea, và duy trì hiện diện tại đây suốt hơn 230 năm qua.
Theo thỏa thuận ký năm 2010, Nga được thuê thuê căn cứ tại Sevastopol tới năm 2042, và được phép triển khai 161 máy bay, 388 tàu chiến và khoảng 25.000 binh sỹ tại Crimea./.
Theo TTXVN