CPTPP có hiệu lực: Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ

Thứ năm, ngày 09/05/2019

(BDO) Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thi hành từ tháng 1-2019. Tham gia hiệp định này, các doanh nghiệp (DN) trong nước có điều kiện thuận lợi tiếp cận khoa học - công nghệ (KHCN) của các nước thành viên phát triển nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường chuyển giao công nghệ (CGCN).


Ngoài việc tạo điều kiện cho các DN mở rộng thị trường, CPTPP cũng tạo điều kiện cho các DN trong nước tiếp cận công nghệ và được CGCN.
Trong ảnh: Hệ thống máy sản xuất gỗ áp dụng công nghệ mới được giới thiệu tại Hội chợ Máy móc và gỗ nguyên liệu Việt Nam tổ chức ở Bình Dương vừa qua. Ảnh: HOÀNG PHẠM

Nhiều thuận lợi

Theo đánh giá của Bộ KHCN, hiện nay CGCN ở nước ta chủ yếu thông qua dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài đồng thời là bên CGCN chủ yếu dưới hình thức công ty mẹ CGCN cho công ty con thông qua các dự án 100% vốn FDI. Còn việc CGCN của các DN trong nước chủ yếu do DN tự tìm kiếm, mua thiết bị sản xuất kèm theo công nghệ từ nước ngoài và một số công nghệ được chuyển giao qua việc đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ông Trần Ngọc Hậu, Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KHCN), cho rằng CPTPP đã mở ra một hướng mới cho việc CGCN. Theo đó, ngoài việc được tiếp cận với các công nghệ mới, hiện đại thì CPTPP cũng mở ra một thị trường công nghệ đa dạng cho DN trong nước. Do đó, DN trong nước cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường trong CPTPP để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc CGCN từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, CPTPP có các quy định chặt chẽ về sở hữu trí tuệ (SHTT). Các nghĩa vụ về bảo hộ SHTT trong CPTPP giúp các DN được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, việc chống xâm phạm quyền cũng nghiêm minh hơn...

Theo ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở KHCN, với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, DN cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Cũng cần cẩn trọng

Bên cạnh mở ra cơ hội lớn cho việc CGCN, CPTPP cũng là “con đường” để các công nghệ cũ, lạc hậu về Việt Nam thông qua việc chuyển giao toàn bộ dây chuyền, thiết bị sản xuất. Để kiểm soát, ngăn chặn công nghệ lạc hậu nhập vào Việt Nam, trước khi CPTPP có hiệu lực, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành luật, nghị định, thông tư… trong đó cụ thể là Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) 2017.

Ông Phạm Hồng Quách, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KHCN), cho biết ngoài quy định về thẩm định công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) 2017 cũng sửa đổi tiêu chí xác định công nghệ được khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao; bổ sung cơ chế quản lý đối với từng loại công nghệ, bảo đảm nắm được các luồng công nghệ chuyển giao. Cơ chế bắt buộc đăng ký chuyển giao công nghệ là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ tạo nên một “bộ lọc” để cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát nhằm ngăn chặn việc gian lận, chuyển giá qua hoạt động CGCN, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ chế để rà soát công nghệ nhập khẩu, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

“Mặc dù trong CPTPP có các cam kết về hàng “tân trang” nhưng sẽ có sự lách luật. Do đó, dự kiến trong thời gian tới, Bộ KHCN sẽ có các kiến nghị để điều chỉnh một số quy định pháp luật về CGCN cho phù hợp với các quy định của CPTPP, trong đó có các vấn đề liên quan đến SHTT, CGCN”, ông Quách nói. Sở KHCN cũng khuyến nghị các DN cần nắm rõ những quy định của CPTPP cũng như các quy định của pháp luật trong việc CGCN để tăng cường chuyển đổi công nghệ sản xuất cũng như hạn chế việc chuyển giao các công nghệ cũ, lạc hậu, ô nhiễm môi trường.

KHÁNH ĐĂNG